Kết luận sau khi phân tích các bản viết tay trên gốm sứ cổ cho thấy những nội dung chủ chốt của Cựu Ước có lẽ đã được ghi chép sớm hơn so với nhìn nhận lâu nay.
Eliashib, sĩ quan hậu cần trú đóng tại một pháo đài ở sa mạc xa xôi, đã nhận mệnh lệnh từ cấp trên dưới dạng văn bản : một bản gốm sứ được viết chữ với nội dung yêu cầu gởi đồ tiếp tế đến cho các toán quân ở kinh đô của vương quốc Judah cổ đại. Danh sách này bao gồm rượu vang, bột mì và dầu, những thực phẩm hết sức trần tục, nhưng lại mang hàm ý vô cùng quan trọng. Có vẻ như khả năng đọc viết ở vùng Đất Thánh được phổ biến rộng rãi hơn chúng ta vẫn tưởng là vào khoảng 600 năm trước Công nguyên (TCN), trước khi chấm dứt giai đoạn Đền thờ Thứ Nhất. Dường như người dân từ thời Judah đã sở hữu các nguồn lực trí tuệ để viết và tổng hợp những nội dung quan trọng của Cựu Ước vào giai đoạn này.
Theo các nhà nghiên cứu của Đại học Tel Aviv (Israel), những phát hiện trên nhiều khả năng có thể mang đến những chứng cứ mới giúp quyết định cuộc tranh cãi kéo dài cả thế kỷ về thời điểm phần nội dung chính của Cựu Ước được soạn thảo.
Lịch sử Cựu Ước
Các học giả về tôn giáo từ lâu đã tranh cãi quyết liệt về thời điểm Cựu Ước được ghi chép. Cho đến thời trung cổ, ai nấy đều tin rằng Kinh Thánh được viết vào thời điểm thực tế, có nghĩa là khi các sự kiện diễn ra. Nội dung trong Kinh Thánh đã ghi lại các hoạt động của những học giả tôn giáo và các quan chức thông thạo đọc viết của vương triều Judah, lúc đó vẫn là một nhà nước độc lập khoảng từ thế kỷ thứ 10 đến năm 586 TCN. Đây là thời điểm Đại đế Nebuchadnezzar II của vương triều Chaldean xứ Babylon (605-562 TCN) ra lệnh tàn phá Jerusalem, hủy hoại Đền thờ Thứ Nhất và buộc hầu hết những thành phần tinh hoa nhất của nhà nước Judah phải sống lưu vong ở Babylon. Do vậy, các nhà nghiên cứu hiện đại cho rằng Cựu Ước phải được viết lại trước khi Đền thờ Solomon (tên khác của Đền thờ Thứ Nhất) bị phá hủy.
Tuy nhiên, một số học giả cũng đưa ra một giả thuyết khác : nhiều đoạn quan trọng của Kinh Thánh có thể đã được chèn vào sau đó, với nội dung dựa trên những nền văn hóa của chính họ. Nhiều học giả cho rằng nội dung chủ chốt của Cựu Ước, bao gồm 5 cuốn luật Môsê (Ngũ Thư : Sáng thế, Xuất hành, Lêvi, Dân số và Đệ nhị luật), còn được biết đến với cái tên Pentateuch, không thể nào được soạn thảo dưới dạng văn bản súc tích trước thời điểm này. Trong những năm gần đây, một nhóm học giả cương quyết bảo lưu luận điểm của mình rằng Cựu Ước phải được viết vào niên đại trễ hơn, và một số người thậm chí còn đẩy lùi thời điểm ghi chép văn bản muộn thêm vài thế kỷ, khi mà người Hy Lạp hoặc Ba Tư cai trị vùng đất hiện nay là Israel, theo đồng trưởng nhóm nghiên cứu là giáo sư người Israel Finkelstein của Đại học Tel Aviv. Do vậy, lâu nay giới khảo cổ học vẫn nỗ lực tìm kiếm những chứng cứ xác đáng để cuối cùng có thể đưa ra câu trả lời rõ ràng nhất về thời điểm ra đời của Cựu Ước.
Pháo đài Arad
Arad là một thành lũy nhỏ, xa xôi, gần Biển Chết, nhưng lại nằm trên mặt trận ác liệt gần biên giới với kinh đô đối thủ là Edom. Bản thân pháo đài này chỉ có diện tích khoảng 2.020 m2, có lẽ không chứa được nhiều binh sĩ. Nhiều bản viết tay đã được tìm thấy tại đây, ghi chép lại các hoạt động điều động binh lính, số lượng lương thực dự trữ và những sinh hoạt thường ngày khác. Với phát hiện mới, giáo sư Finkelstein và đồng sự đã nhận ra rằng có thể họ đang nắm trong tay một cách diễn giải khác nhằm giải tỏa nghi vấn về sự khác biệt về thời gian soạn thảo Cựu Ước.
“Gởi cho Eliashib: Và bây giờ, hãy chuyển đến bình rượu vang, và viết ngày lên trên” là một câu trên bản gốm, được viết bằng chữ Hebrew cổ sử dụng bản ký tự Aramaic, và rõ ràng là đề cập đến một đơn vị lính đánh thuê Hy Lạp trong khu vực. Báo cáo mới nhất được công bố trên chuyên san Proceedings of the National Academy of Sciences, đã kết hợp khảo cổ học, lịch sử Do Thái, toán học ứng dụng, và liên quan đến việc xử lý hình ảnh vi tính hóa, cùng với sự phát triển của thuật toán để phân biệt được nhiều tác giả khác nhau khi viết các mệnh lệnh đó. Cụ thể, Arie Shaus, nhà toán học và nghiên cứu sinh ngành khảo cổ của Đại học Tel Aviv, cùng với Shira Faigenbaum-Golovin, ứng viên tiến sĩ toán học ứng dụng cùng các cộng sự, đã quyết định vận dụng công nghệ hiện đại. Họ sử dụng các chương trình máy tính để quét các hình ảnh chụp chữ viết, tự động bổ sung những nét thiếu và phân tích từng nét chữ. Cuối cùng, các thuật toán máy tính so sánh bản viết tay trên 18 mảnh gốm để xác định liệu chúng đều được viết từ một người.
Dựa trên kết quả phân tích thống kê của các kết quả và cân nhắc nội dung của những bản chữ được chọn để làm mẫu, các nhà nghiên cứu kết luận rằng phải có ít nhất 6 bàn tay khác nhau tham gia viết 18 công lệnh trong vòng vài tháng vào năm 600 TCN. Những người này bao gồm chỉ huy pháo đài tên Malkiyahu, và kéo dài đến người phó của sĩ quan hậu cần. “Thật sự là quá tuyệt vời. Ở một nơi khỉ ho cò gáy như thế này lại có nhiều người biết đọc biết viết đến thế”, theo giáo sư Finkelstein. Có lẽ người Do Thái từ xa xưa đã biết được tầm quan trọng của việc biết chữ, và người thời đó viết tốt, ít phạm lỗi chính tả. Ngoài ra, các tiền đồn khác cũng có những bản ostraca (bản khắc để lưu chữ viết) tương tự, cho thấy chữ viết vào thời đó hết sức phổ biến, ít nhất trong quân đội của vương triều Judah. Một chứng cứ khảo cổ khác cung cấp thông tin quan trọng rằng dân số của vương triều Judah không quá 100.000 người. Kết hợp với báo cáo của Đại học Tel Aviv, có thể nói rằng một phần đáng kể của dân số (ít nhất vài ngàn người) có thể đọc và viết.
Giáo dục phổ cập
Để chữ viết có thể phổ cập cho nhiều binh sĩ cấp dưới như vậy, lẽ tất yếu là vương triều Judah phải duy trì một dạng hệ thống giáo dục nào đó, theo giáo sư Finkelstein. Từ suy luận này, có thể rút ra rằng vào thời Judah có đủ người đọc thông viết thạo để biên soạn một số phần của Cựu Ước, chẳng hạn như Sách Đệ Nhị Luật, những phần của Sách Sáng Thế và Sách Giôsuê... Ngược lại, sau khi Đền thờ Thứ Nhất bị phá hủy, thời điểm những người có học của Israel hoặc bị giết hại hoặc bị đẩy vào cuộc sống lưu đày ở Babylon, không có mấy mảnh gốm, con triện, con dấu nào có chữ viết xuất hiện ở khu vực này trong suốt 200 năm. “Điều này cho thấy ít có khả năng Cựu Ước được soạn thảo sau giai đoạn đền thờ bị hủy hoại”, giáo sư Finkelstein nhận định như thế.
Những phát hiện mới đóng vai trò hết sức quan trọng và vô cùng ăn khớp với các giai đoạn khác của cuộc nghiên cứu, theo Christopher Rollston, học giả vùng Cận Đông thuộc Đại học George Washington (Mỹ). Không hề nghi ngờ rằng giới tinh hoa của xã hội Judah có thể đọc và viết vào năm 600 trước CN. “Trên thực tế, chúng tôi cho rằng trình độ biết chữ của tầng lớp thượng lưu (từ học giả đến các quan chức cao cấp của chính quyền và giới chức tôn giáo) phải xuất hiện vào khoảng năm 800 trước CN”, các chuyên gia kết luận.
Ling Lang
Bình luận