Thời sự VTV1 gần đây cho biết bội chi ngân sách từ đầu năm đến giờ đã hơn 100 nghìn tỷ đồng. Với mức bội chi như vậy, dự báo sẽ tạo ra áp lực từ các nguồn vốn vay của Chính phủ, đẩy nợ công tới ngưỡng báo động, từ đó ảnh hưởng đến lộ trình tăng lương cơ bản, ổn định các quỹ bảo hiểm, duy trì bộ máy và một loạt vấn đề an sinh xã hội khác.
Tại sao ngân sách luôn bội chi? Có nhiều lý giải cho việc này như đất nước đang phát triển, hội nhập nên phải chi phí cho đầu tư hạ tầng, phải xây dựng nông thôn mới... Nhưng nhiều người biết rằng đó còn do “phình” bộ máy hành chính công từ nhiều năm trước, từ thất thoát của một số doanh nghiệp nhà nước làm ăn thua lỗ, cho đến việc sử dụng vô tội vạ ngân sách công. Nhiều sự tốn kém có khi xuất phát từ những việc rất nhỏ như sử dụng xe công hay làm đẹp cho bộ mặt đô thị...
Liên quan đến việc duy trì, bảo dưỡng hệ thống cây xanh cho thủ đô Hà Nội, con số dự toán từng lên tới 886 tỷ đồng cho riêng năm 2016, gấp tới hơn 4 lần so với 215 tỷ đồng năm 2011 là 215. Sở dĩ việc này được công khai vì Chủ tịch UBNDTP Hà Nội thấy đó là một sự lãng phí lớn ngân sách Nhà nước trong bối cảnh bội chi. Sau khi làm việc với các doanh nghiệp, tính lại đơn giá, mức chi để duy trì và bảo dưỡng cây xanh năm 2016 chỉ còn lại 178 tỷ, tiết kiệm hơn 700 tỷ cho vốn ngân sách.
Từ chuyện này mới thấy việc thất thoát bội chi không chỉ xảy ra ở các công trình trọng điểm, những hợp đồng mua bán máy móc công nghệ lớn... Nếu như tất cả đều được rà soát, làm đúng mục đích thì có lẽ không phải chi một lượng ngân sách “khủng” hằng năm. Nên mạnh dạn tìm hướng giải quyết kịp thời các việc lớn nhỏ khác như xây dựng sân golf, cảng biển, sân bay cho đến chương trình xây dựng nông thôn mới... Tất cả cần phải minh bạch để những đồng tiền thuế của người dân đóng góp được sử dụng đúng chỗ, đúng mục đích, đem lại hiệu quả cho việc thúc đẩy phát triển kinh tế của đất nước.
Ngô Quốc Đông
Bình luận