Thứ Hai, 24 Tháng Mười, 2016 14:25

13 văn bản hay nhất của Đức Phanxicô (P13)

VATICAN - VIỄN ẢNH CỦA MỘT THẾ GIỚI CÔNG BẰNG

Đức Phanxicô đã gặp những phong trào bình dân ngày 28.10.2014. Trong bài diễn văn, ngài đã tỏ lòng kính trọng người nghèo, “những người đã phải bị bất công đè bẹp song vẫn lao động và phấn đấu để đi ngược dòng”. Ngài đã nhấn mạnh đến ý nghĩa sâu xa về tình liên đới. Đối với ngài, tình liên đới không phải là một sự quảng đại đúng lúc nhưng trước hết là một cuộc đấu tranh chống “những nguyên nhân, cơ cấu của nghèo khó”. Ngài cũng tố cáo những tham vọng riêng tư lắm lúc ẩn mặt sau những sinh hoạt xã hội và những cơ cấu kinh tế đặt để “thần tiền bạc” trên con người. Phần trọng điểm của bài tham luận, ĐTC khẳng định người nghèo phải có được một mảnh đất, một nơi ăn ở, một công việc, lương bổng xứng đáng, một đảm bảo xã hội và một hưu bổng. Ngài đã bảo đảm với những phong trào này sự ủng hộ của ngài và khuyến khích họ tiếp tục với “kiên nhẫn nhưng không độc đoán, với đam mê nhưng không bạo lực”.

Một lần nữa xin chào tất cả quý vị. Cha rất hạnh phúc ở giữa chúng con và cha xin tâm sự một điều : Đây là lần đầu tiên mà cha xuống nơi này, cha chưa bao giờ đến đây. Như cha đã nói với các con, cha cảm nghiệm một niềm vui lớn và cha gởi đến chúng con lời tiếp đón nồng nhiệt. Cha xin các con đã chấp nhận lời mời này, lời mời để đến thảo luận về nhiều vấn đề quan trọng mà thế giới ngày nay đang phải đương đầu, các con là những người đang sống trong da thịt mình những bất công và những loại trừ.

…Cuộc gặp gỡ với những phong trào bình dân này là một dấu chỉ lớn : Chúng con đến đây để trưng bày ra trước mặt Thiên Chúa, trước mặt Giáo Hội và loài người một thực tế lắm lúc bị sự thinh lặng đè bẹp. Những người nghèo không chỉ phải chịu bất công nhưng họ còn đấu tranh nữa chống lại với sự bất công ! Những người nghèo không toại nguyện với chỉ những lời hứa qua loa, những lời xin lỗi. Họ cũng không chỉ ngồi đó chờ đợi sự giúp đỡ của các tổ chức phi chính phủ, những chương trình hỗ trợ hay những giải pháp cuối cùng không bao giờ có được, hoặc nếu có thì người ta vẫn làm với khuynh hướng một là gây mê hai là thuần hóa, và như vậy thì thật sự nguy hiểm. Chúng con có thể nắm bắt được rằng người nghèo không muốn chờ đợi nữa, họ muốn là tác giả; họ tự tổ chức nghiên cứu lao động, sống tình liên đới cách đặc biệt giữa những người đang đau khổ, giữa những người nghèo mà văn hóa của chúng ta dường như quên họ, hoặc ít nữa rất muốn làm bộ quên.

Tính liên đới là một từ lắm lúc không làm cho nhiều người thích thú. Trái lại cha có thể nói được rằng đôi khi chúng ta biến nó thành một từ thô tục, vô lễ, từ mà người ta không dám nói ra; song một từ phải là hơn so với lắm cử chỉ quảng đại nhất thời. Tính liên đới nghĩa là nghĩ và hành động theo cộng đồng, lấy cuộc sống của mọi người làm thành ưu tiên trên sự sở hữu hóa của riêng mình. Cũng có nghĩa là đấu tranh chống lại những nguyên nhân, cơ cấu của sự khó nghèo, của tính không đồng điệu, của thiếu việc làm, thiếu đất đai, thiếu nơi ở, sự phủ nhận quyền lợi và lao động mà người nghèo phải có. Tính liên đới cũng là nhìn thẳng vào những hậu quả hủy diệt của vương quốc tiền bạc : những di dân bắt buộc, những di cư đau đớn, việc buôn bán con người, ma túy, chiến tranh, bạo lực…, với tất cả những thực tại mà phần đông họ phải chịu đựng và chúng ta được mời gọi để biến đổi những điều đó. Tính liên đới, hiểu theo ý nghĩa sâu sa của nó là một cách làm lịch sử, và đó cũng là điều mà các phong trào bình dân đang làm. Cuộc gặp gỡ của chúng ta không đáp ứng một chủ nghĩa. Chúng con không lao động với những tư tưởng, chúng con lao động với những thực tại mà như cha đã lưu ý và nhiều người khác đã gặp và nói với cha. Đôi chân của chúng con nằm trong bùn lầy và đôi tay của chúng con trong xác phàm. Chúng con ngửi được mùi vị của khu xóm, của dân tộc, của việc đấu tranh; cha muốn và chúng ta muốn rằng người khác lắng nghe tiếng nói của chúng con, một tiếng nói thường không được lắng nghe. Có lẽ bởi vì tiếng nói đó làm phiền người ta, có thể bởi vì người ta sợ sự thay đổi mà chúng con đòi hỏi, song nếu không có sự hiện diện của chúng con, nếu không thực sự đi đến những vùng ven thì những ý tốt ngay lành và những dự án mà chúng ta thường nghe trong các đại hội quốc tế vẫn bị giới hạn và ở trên bình diện tư tưởng hoặc chỉ là đó là dự án của riêng. Chúng ta không thể đương đầu với sự vấp phạm khó nghèo khi cổ võ những chiến thuật chỉ làm chúng ta yên ổn và biến những người nghèo thành những nhân vật được thuần hóa và vô tội vạ. Thật là đáng buồn khi thấy rằng, sau những cái gọi là công tác xã hội hay là cho tha nhân, chúng ta biến tha nhân thành thụ động, người ta không nhìn nhận người đó hay tệ hơn nữa đằng sau vẫn ẩn dấu những “apphe” hay những tham vọng riêng tư : Chúa Giêsu định nghĩa chúng như là giả hình. Trái lại, thật là đẹp đẽ thay khi chúng ta thấy có những phong trào của dân và nhất là khi có những thành viên nghèo và trẻ. Nơi đó thực sự chúng ta có thể bắt được làn gió của những hứa hẹn làm linh hoạt niềm hy vọng của một thế giới tốt hơn. Ước mong rằng gió này biến thành bão táp của niềm hy vọng. Đó là ước mơ của cha : có đất đai, có chỗ ở và có việc làm. Cuộc gặp gỡ chúng ta đáp ứng một ước mơ thật rõ ràng, một điều gì đó mà bất cứ người cha người mẹ nào cũng muốn cho con cái mình; một ước mơ theo tầm tay của mỗi người : mảnh đất, nơi ở, và công việc làm. Thiệt là hay khi cha nói về những điều đó, có một số người nói Đức Giáo Hoàng là cộng sản, họ không hiểu rằng tình yêu đối với người nghèo là trọng tâm của Phúc Âm. Đó là những điểm mà chúng ta đấu tranh, đó cũng là quyền lợi linh thiêng của chúng ta. Đòi hỏi điều đó không có gì là lạ lùng, đó là giáo lý xã hội của Giáo Hội. Cha muốn ngừng lại một lúc trên những từ đó bởi vì chính các con đã chọn nó như những từ chính yếu trong cuộc gặp gỡ này.

MẢNH ĐẤT

Ngay từ lúc tạo thành vũ trụ, Thiên Chúa đã tạo dựng lên con người. Ngài giao cho con người bảo vệ cho công trình của Ngài bằng cách vun trồng và bảo vệ nó. Ở đây cha thấy được có cả chục nông dân nam nữ và cha muốn khen họ bởi họ đã giữ được mảnh đất đã vun trồng đó và họ đã làm điều đó với tư cách là một cộng đồng. Cha rất ưu tư, lo lắng bởi nhiều anh em bị trục xuất khỏi mảnh đất của mình và họ đau khổ vì điều đó chứ không phải vì lý do chiến tranh hay thiên tai. Việc đầu cơ đất đai, sự phá rừng, sự chiếm hữu nước, sự trừ sâu không đúng chỗ… là một số tệ hại làm cho con người tách ra khỏi nơi chôn rau cắt rốn. Sự tách biệt đau đớn này không chỉ là thể lý, nhưng đồng thời là nỗi đau nhân sinh và thiêng liêng, bởi điều này có một tương giao với đất đai làm cho cộng đồng nông thôn cũng như cách sống riêng biệt của họ có nguy cơ gặp phải một sự suy đồi chắc chắn, cả việc có thể bị loại trừ.

Chiều kích kia của tiến trình tổng quát này đó là đói khát, khi sự tự biện tài chánh quyết định giá cả của thực phẩm bằng cách xem nó như là một loại hàng hóa nào đó, thì hàng triệu người khổ đau và chết đói. Mặt khác, người ta vẫn quẳng đi hàng tá thực phẩm, điều này thực sự là một sự xúc phạm. Đói khát là một tội ác, thực phẩm là một quyền lợi không thể nhượng bộ, cha biết rằng có một số trong chúng con đòi hỏi canh tân đất đai để giải quyết một số những vấn đề, cho phép cha trích dẫn giáo lý của Giáo Hội Công giáo : Việc canh tân đất đai không chỉ là một nhu cầu mà là một bắt buộc luân lý (Gl 300). Điều này không phải chỉ một mình cha nói mà đã ghi rõ trong Compendium của Giáo Lý Xã Hội của Giáo Hội. Xin chúng con hãy tiếp tục cố gắng, hầu tất cả mọi người có thể hưởng nhờ hoa trái của đất đai.

(còn nữa)

NT. QUỲNH GIAO FMM

chuyển ngữ

Ý kiến bạn đọc ()
Tin tức liên quan
Tin khác
Xem thêm