Thứ Tư, 02 Tháng Mười Một, 2016 10:25

13 văn bản hay nhất của Đức Phanxicô (P14)

VATICAN - VIỄN ẢNH CỦA MỘT THẾ GIỚI CÔNG BẰNG

* Nơi ở

Cha đã nói rồi và cha xin nói lại: phải có nơi ở cho mỗi gia đình. Đừng quên rằng Đức Giêsu đã sinh ra trong hang đá bởi vì không có chỗ trú cho Ngải trong quán trọ. Ngày hôm nay có nhiều gia đình không có chỗ ở, bởi họ chưa bao giờ có được hoặc đã bị đánh mất vì một lý do nào đó. Gia đình và nơi ở đi đôi với nhau. Nhưng để cho mái nhà thành ngôi nhà, thì cũng phải có chiều kích cộng đồng : chính trong khu xóm mà người ta bắt đầu xây dựng một gia đình nhân loại lớn, bắt đầu từ điều trực tiếp nhất, từ việc sống chung với nhau và tình láng giềng với nhau. Ngày hôm nay, chúng ta sống trong những thành phố lớn phô trương tính tân thời một cách cao ngạo và cả phù phiếm. Những thành phố gọi mời những lạc thú và tiện nghi cho một số nhỏ, song lại khước từ một nơi ở cho hàng ngàn người anh em, ngay cả với các trẻ nhỏ và còn gọi họ là “những người không có nơi cư trú ổn định”. Thật là lạ lùng thay khi trong thế giới của những bất công có những lối nói trại đầy dẫy: người ta gọi một người cô đơn, một người bên lề, một người khổ đau về sự nghèo nàn, đói khát… là một người không có nơi cư trú ổn định. Đây đúng là cách nói thanh lịch phải không ? Các con hãy tiếp tục tìm tòi. Trong một vài trường hợp, cha có thể sai lầm, nhưng chung chung, đàng sau một lối nói uyển ngữ, có một tội phạm. Chúng ta đang sống trong những thành phố xây lên những trung tâm thương mại, những nơi làm áp phe bất động sản, nhưng lại bỏ đi một phần của chính mình trong các vùng ven. Thật là đau buồn khi biết rằng những nơi chốn ở của người nghèo bị bỏ qua bên lề, hoặc tệ hơn nữa, người ta muốn bật rễ chúng ra khỏi xã hội. Chúng con hãy biết rằng, trong những xóm bình dân nơi mà nhiều người trong chúng con đang sống, còn có nhiều giá trị mà những trung tâm các thành phố giàu có quên lãng. Những nơi chốn đó được phúc có được một nền văn hóa dân gian, không gian công cộng không chỉ đơn giản là nơi dừng chân, song là một cách nối dài chính ngôi nhà của mình, một nơi có thể tạo những mối tương giao với hàng xóm. Đẹp thay những thành phố vượt lên trên sự nghi kỵ lẫn nhau và sáp nhập được những người khác với mình, và biết biến sự sáp nhập này làm thành một yếu tố của sự phát triển. Đẹp thay những thành phố, khi quy hoạch biết tạo không gian làm kết hiệp, tạo tương quan giúp người ta biết nhìn nhận tha nhân. Chúng ta hãy tiếp tục làm việc để các gia đình có được nơi ăn chốn ở, và các phố phường có được những hạ tầng cơ sở thuận tiện như cống thoát nước, điện, gaz, các con đường được trải nhựa, có trường học, bệnh viện, các địa điểm cấp cứu, các trung tâm thể thao… nhằm tạo nên mối giây liên hệ và kết hiệp với nhau.

* Lao động

Cha muốn nhấn mạnh rằng, không có cuộc nghèo khó nào hơn cái nghèo không cho phép con người có việc làm để sinh sống. Chúng là hệ quả của sự chọn lựa một hệ thống kinh tế đặt lợi nhuận lên trên con người. Một nền văn hóa loại trừ. Cha muốn thêm một điều mà cha đã không viết ở đây, nhưng vừa đến trong tâm trí cha : Đó là giữa trung tâm kinh tế hay xã hội phải là con người, con người theo hình ảnh của Thiên Chúa. Khi con người bị chuyển khỏi vị trí của mình và thay vào đó bằng thần tiền bạc thì bậc thang giá trị bị đảo ngược. Để minh họa, cha muốn nhắc lại lời giáo huấn đã có từ năm 1200 : Một Thầy Rabbin Do Thái giải thích cho tín hữu của mình câu chuyện của tháp Babel, rằng để làm nên tháp đó, cần phải nỗ lực rất lớn, phải làm ra những viên gạch và muốn làm ra những viên gạch cần phải trộn bùn với rơm, sau đó cắt nó ra thành những viên vuông, làm khô ráo, rồi nấu lên, để lạnh, sau đó đem ra xây tháp. Nếu lỡ một viên gạch bị rơi và bể nát, thì nó trở thành như một bi kịch quốc gia. Người để rơi viên gạch bị tan nát sẽ bị phạt và bị đuổi .Cha không biết họ làm gì với người thợ đó, nhưng nếu là một công nhân bị té, thì không có điều gì. Như vậy là con người đã được đặt để phục vụ thần tiền bạc. Thật ghê tởm !

Liên quan đến những gì ghê tởm đáng bỏ đi, chúng ta cũng cần lưu tâm đến đến những gì xảy ra trong xã hội của chúng ta ngày nay : Người ta đang đặt trẻ con vào hàng thứ yếu. Tỷ lệ sinh đẻ giảm xuống trong nhiều quốc gia hoặc người ta từ chối trẻ con vì thiếu lương thực, hoặc người ta giết chúng trước khi chúng sinh ra, chúng bị cho là loại bỏ đi. Người ta cũng đặt người già vào loại bỏ đi vì họ không còn dùng được, không còn sản xuất được gì; trẻ con cũng như người già không làm ra của cải vật chất, nên với những phương tiện ngụy biện, người ta bỏ rơi họ từ từ. Trong các nước Âu châu, chẳng hạn tại Ý, người trẻ bị thất nghiệp hơn 40%; đồng nghĩa người ta xóa bỏ đi cả một thế hệ để bảo trì thăng bằng. Trong một số nước Âu châu khác, con số này vượt lên 50%, thậm chí lên đến 60%. Đó là con số rõ ràng của những người bị bỏ rơi. Đối với hệ thống này, chúng con là những người dư thừa này, và chúng con đã nghĩ ra một công việc cho chúng con với tất cả những gì chúng con cảm thấy là ích lợi nhất. Nhờ vào sự khéo léo thủ công mà Thiên Chúa ban cho chúng con, sự tìm tòi, sự liên đới, công viêc cộng đồng, chúng con đã thành công. Xin cám ơn các con ! Phải đòi hỏi đề mỗi một công nhân, dù họ có thuộc một hệ thống lao động chính thức nào hay không, đều có quyền có được có thù lao xứng đáng, có được bảo hiểm xã hội và được quyền hưởng lương hưu. Tất nhiên có những người phải được bổ túc thêm, nhưng không phải không thể giải quyết, như những người bán rong, những người may mặc, thủ công, những người đánh cá, những thợ hồ, những công nhân mỏ, những công nhân các xí nghiệp, những thành viên hợp tác xã đủ loại và những người với những công việc thông thường nhất, những người bị loại trừ khỏi những quyền lợi của một công nhân, những người không có được một thù lao xứng đáng và ổn định. Cha sẽ cùng đồng hành với chúng con trong cuộc đấu tranh này.

(còn nữa)

Nt QUỲNH GIAO Fmm
chuyển ngữ

Ý kiến bạn đọc ()
Tin tức liên quan
Tin khác
Xem thêm