Như vậy là đại dịch Covid-19 sau gần 100 ngày “ngủ yên” trong cộng đồng ở nước ta, nay đã quay trở lại với hàng loạt ca lây nhiễm ở một số tỉnh thành, chưa biết nguồn gốc.
Không ai mong muốn dịch hoành hành, cũng không thể ngồi mãi mà nuối tiếc chuỗi ngày hơn ba tháng Việt Nam cô lập được dịch, vào thời điểm mà nhiều nước trên thế giới vẫn đang ngụp lặn và chống chọi với con virus mang tên SARS-CoV-2. Việc phải đến đã đến. Vậy thì phải tiếp tục phòng dịch và sống với dịch bằng những kinh nghiệm đã trải qua 3-4 tháng trước.
Nói chuyện “sống với dịch”, người Công giáo ngoài chuyện tuân thủ các hướng dẫn của ngành y tế, các nguyên tắc bảo vệ mình và cộng đồng, còn phải nhân cơ hội này phát triển tinh thần liên đới Kitô giáo với những anh em xung quanh. Chúng ta đã làm được rất nhiều việc thể hiện sức sống Tin Mừng trong đợt dịch trước, bằng các ATM gạo miễn phí; những phần quà - bó rau đặt trước cửa các tu viện, nhà riêng…; những cuộc thăm viếng đơn lẻ; những hình thức quy tụ cầu nguyện cho nhân loại trên mạng; những sáng kiến để quan tâm nhau qua các hình thức không trực tiếp… Tất cả đều là thể hiện tình liên đới tha nhân, một “nhân đức Kitô giáo”, như cách gọi của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II.
Hiến Chế Mục Vụ của Công Ðồng Vatican II ngay trong “Lời Mở Ðầu” đã khẳng định :“Không có gì liên quan đến nhân loại mà không có tiếng vang trong cõi lòng các tín hữu Chúa Kitô... Cộng đoàn tín hữu cảm thấy thực sự và sâu xa liên đới với con người lịch sử nhân loại”(GS 1).Ðây chính là thông điệp xác định vị trí của Giáo Hội và người Kitô hữu là ở giữa trần thế.Trong một mức độ nào đó, chúng ta có thể coi “liên đới” như một hình thức hiện đại hóa của bác ái Kitô giáo hay trần tục hóa tình yêu thương phổ quát. Công Ðồng Vatican II cũng kêu gọi mọi người quảng đại chiến thắng cá nhân chủ nghĩa và vụ lợi chủ nghĩa để mưu cầu công thiện công ích, đặc biệt phải nghĩ đến nhu cầu của những người nghèo, nên đã xác quyết :“Mỗi người phải nhìn nhận và tôn trọng liên đới xã hội như một trong những nghĩa vụ chính yếu của con người thời nay. Bởi vì thế giới càng hợp nhất thì hiển nhiên những bổn phận của con người càng vượt lên trên những nhóm riêng rẽ và dần dần sẽ lan rộng tới toàn cầu”(GS 8).
Thánh Giáo Hoàng Phaolô VI thì coi liên đới là một dạng thức nhân bản rộng mở, giúp con người vượt khỏi chính mình, để chắp cánh bay cao hơn nữa. Ngài từng khẳng định:“…Liên đới không phải là một thứ cảm thương mơ hồ hay xúc động hời hợt trước những khổ đau của bao nhiêu người xa gần. Ngược lại, đó là quyết tâm chắc chắn và bền vững dấn thân cho công ích, nghĩa là cho lợi ích của mọi người và của từng người, bởi vì tất cả chúng ta đều có trách nhiệm về mọi người…”.
LIÊN ÐỚI : Phúc Âm đã truyền dạy, Công Ðồng cũng hướng dẫn, các vị chủ chăn hoàn vũ từng nhắc nhớ, và mỗi người Kitô hữu chúng ta vẫn luôn hướng đến… Vậy nên, trong hoàn cảnh hết sức đặc biệt về dịch bệnh này, từng người, từng tổ chức hay xứ đạo… có lẽ sẽ có những phương thế riêng để thực hiện. Chẳng hạn, việc Tổng Giáo phận Thiruvalla thuộc bang Kerala bên Ấn Ðộ mới đây quyết định dành nhiều cơ sở của Giáo hội làm nơi điều trị cho bệnh nhân Covid-19, với lý giải “để đóng góp cho lợi ích chung”, thậm chí Ðức TGM Thomas Mar Koorilos của giáo phận này còn tuyên bố “nếu cần thiết, phòng trống của các nhà thờ cũng có thể được trang bị để đón nhận người bệnh hoặc người bị cách ly vì Covid-19”, cũng là một cách làm có thể học hỏi.
Công giáo và Dân tộc
Bình luận