Thứ Sáu, 20 Tháng Giêng, 2023 10:00

Ai ơi bưng bát cơm đầy...

 

Một người đàn ông không thích cơm nhà dù vợ nấu ăn khá ngon, không gắn bó với gia đình mà chỉ ham bay nhảy bên ngoài. Bữa cơm nào không vừa ý dù chỉ một tí, anh đều cằn nhằn, quát nạt vợ con làm không khí rất nặng nề; kiếm được tí tiền là tranh thủ ăn nhậu thỏa thích, gia đình chẳng khá lên nổi. Họ hàng bên vợ chê bai người chồng lông bông, vô tâm với vợ con nhưng ít ai biết lý do anh “sợ” cơm nhà. Thì ra anh lớn lên trong gia đình nghèo đông con, có người cha gàn dở. Nhiều lần chỉ vì nóng giận vô cớ, ông hất văng cả mâm cơm đạm bạc của cả nhà, báo hại vợ con ôm bụng đói hoặc phải nhặt nhạnh đồ ăn vương vãi để cầm hơi. Nỗi ám ảnh đó đã tạo nên một người đàn ông tính tình thất thường, hay cáu gắt với gia đình và ghét ăn cơm nhà.

Gia đình mẹ đơn thân và cô con gái kia luôn trân trọng và biết ơn mỗi bữa ăn, dù thỉnh thoảng cô con gái vụng về, nấu nướng không được ngon, người mẹ vẫn vui vẻ không chê. Hôm nào hai mẹ con bận rộn cả ngày, đến tối mới quây quần bên mâm cơm ấm cúng, cảm tạ Chúa đã ban cho của ăn mỗi ngày. Có lẽ nhờ lối sống này, gia cảnh họ ngày càng khá giả hơn.

Khi đã “ăn no mặc ấm”, con người tự khắc sẽ hướng tới “ăn ngon mặc đẹp”. Tuy nhiên, nhiều người quá quen với sự dư dật nên đã quên giá trị của những thứ bé mọn.

Thời xa xưa, trồng thóc lúa không hề đơn giản, cổ nhân đúc kết nên câu ca dao:

“Cày đồng đang buổi ban trưa

Mồ hôi thánh thót như mưa ruộng cày.

Ai ơi bưng bắt cơm đầy

Dẻo thơm một hạt, đắng cay muôn phần”.

Các cụ luôn xem gạo là “ngọc thực” vì gạo nuôi sống con người. Những cây lương thực khác cũng rất giá trị, thế nên mới có lời khuyên “được mùa chớ phụ ngô khoai…”.

 

Thời nay, xã hội đã dư dả về mặt vật chất hơn, người dân không sợ nạn đói hay mất mùa. Phải chăng vì dễ dàng thỏa mãn nhu cầu ăn uống nên nhiều người dần không còn quý trọng lương thực như xưa? Trong các gia đình nhỏ bây giờ, nhiều người chồng/ vợ không biết ơn bữa ăn mà người kia chuẩn bị cho mình, con cái chê bai và bỏ mứa đồ ăn cha mẹ làm… Tại các tiệc buffet, nhiều thực khách lấy quá nhiều thức ăn, ăn không hết thì thản nhiên bỏ lại, thà “vét cho đầy túi tham” rồi vứt chứ không nhường người khác.

*

 

Kho tàng cổ tích, ngụ ngôn có nhiều bài học về sự biết ơn với lương thực.

Người Nhật xưa nay vẫn tin mỗi hạt cơm, hạt gạo đều chứa 7 vị thần, nếu phí phạm hoặc dẫm lên sẽ bị các vị này quở phạt.

Việt Nam cũng có truyện “Nàng tiên gạo”, cô gái nghèo hiếu thảo sau khi được tiên gạo ban phúc, đã nhiệt tình đem thóc giống chia cho mọi người. Nhờ vậy ai cũng no ấm còn cô gái thì sung túc cả đời.

Vùng Trung Đông có câu chuyện về vị vua một vương quốc giàu có, nằm trên Con đường Tơ lụa. Những đoàn buôn sa mạc đi qua vương quốc luôn tặng nhà vua nhiều lễ vật quý. Ngày nọ, một lữ khách bộ dạng rách rưới, tiều tụy đến xin gặp vua. Thì ra đó là một thương nhân chẳng may gặp cướp; chúng giết thuộc hạ, vơ vét hàng hóa, lương thực của ông rồi bỏ ông giữa sa mạc mênh mông. Trên đường, ông may mắn gặp một ốc đảo nhỏ nên không gục chết. Giờ đây, khi diện kiến đức vua, người lái buôn liền cung kính dâng lên phần nước trong túi da của mình, món quà mà ông dành dụm sau chặng đường vượt sa mạc. Vua vui vẻ nhận lễ vật, uống hết nước trong túi da, chu cấp nơi ăn chốn ở và lộ phí cho ông về quê nhà. Đợi người thương gia cáo lui, cận thần mới hỏi nhỏ nhà vua có phải nước rất khó uống không. Quả thật, nước trong túi da đã bốc mùi do lưu cữu lâu ngày. Vua nói: “Đối với một người suýt chết khát trên sa mạc, phần nước này còn quý hơn vàng nhưng ông ấy vẫn để dành tặng ta. Ta không chỉ uống nước mà còn uống cả tấm lòng của ông ấy”.

Mỗi hạt gạo, miếng thịt, cọng rau cho đến ngụm nước đều chứa vô số công lao của con người và ân huệ của trời đất. Mỗi bữa ăn, ta không chỉ ăn cho thỏa nhu cầu mà còn nhận vào cả tấm lòng những ai đã tạo ra thức ăn cho ta. Xin cảm ơn mỗi bữa ăn, “Cảm ơn là lời cầu nguyện tốt nhất mà bất kì ai cũng có thể dùng” (Alice Walker).

 

Ths-Bs Lan Hải

 

 

Ý kiến bạn đọc ()
Tin khác
Xem thêm