Âm nhạc từ thiên đàng

1.

Nhiều năm sau, tôi mới biết chị là người chơi piano cho ca đoàn một giáo xứ. Chị nói, nhờ chơi nhạc cho ca đoàn mà chị được chữa lành những vết thương trong đời sống. Chị thấy đời mình nhận hai lần diễm phúc: diễm phúc gặp gỡ âm nhạc, rồi từ âm nhạc cộng hưởng với đức tin, là diễm phúc bước tới ngưỡng thiên đường.

Câu chuyện của chị làm tôi nhớ về ngày thơ ấu, tôi cũng đã từng nuôi ước mơ trở thành một người chơi organ trong nhà thờ. Vào những năm thiếu thốn ở một xứ nghèo, âm nhạc chỉ là đặc quyền của đám trẻ con gia đình khác giả. Phần đông phụ huynh trong xứ thời đó không đủ sức mua cho con cây đàn đắt tiền chỉ để chơi nhạc cho nhà thờ. Và cũng không thể trách tại sao các phụ huynh tảo tần vật lộn với cái đói, cái nghèo lúc ấy, không hiểu hết giá trị của âm nhạc mang đến cho tâm hồn con cái họ.

Lo cái ăn thôi đã quá chật vật. Nhạc nhiếc, tinh thần tinh thiếc, ca đoàn ca điếc thật xa xỉ biết bao.

Thế nhưng cứ mỗi hai buổi chiều trong tuần, có một thằng bé đi bộ băng qua một con suối cạn, chạy ù qua một bãi nghĩa trang xơ xác nắng gió để đến gõ cửa một dòng nữ tu Saint-Paul, xin vào học đàn. Ở đó, những nốt nhạc đầu tiên trong đời nó đã cất lên. Nó rụt rè bước vào không gian âm nhạc riêng bằng các bài luyện ngón nghiêm khắc. Nó biết lắng nghe nhịp tim và giữ tempo (nhịp). Nó biết thế nào là melody (giai điệu) và thế nào là hòa điệu. Và trong sự thiếu thốn của hoàn cảnh riêng, nó biết tìm cách kẻ lên mặt bàn học cấu trúc phím của một cây đàn dương cầm để luyện ngón sao cho... nhắm mắt mà âm nhạc vẫn vang lên trong đầu.

Âm nhạc nhà thờ giúp nó không đi bụi đời như đám bạn bất mãn gia đình vào thời kỳ đó. Âm nhạc cúi xuống và kéo cuộc đời nó lên bằng sự thăng hoa, bằng những khoảng sáng nội tâm lành mạnh và thánh thiện. Nó biết ơn âm nhạc và cái khao khát giản đơn là được chơi đàn cho một ca đoàn nhỏ ở nhà thờ trong những thánh lễ ngày thường. Ðó là mục đích lớn trong đời mà nó mãi không đạt được, nhưng lại nhận một cứu cánh khác: được giải thoát khỏi bao nỗi muộn phiền và cô độc.

Thực tế là thời đó, nhiều đứa giỏi và có điều kiện hơn nó, Chúa cho năng khiếu và điều kiện nhiều hơn nó, vì thế nó mãi mãi là người đứng băng ghế dưới mà lắng nghe và hình dung cách chuyển gam của người nọ, người kia rồi đoán xem người này chơi đàn bao lâu rồi, luyện tập nhiều hay ít, tính cách thế nào, đang vui sướng hay đang buồn sầu...

2.

Dần dà, trong các thánh lễ, âm nhạc với tôi là một phần không thể thiếu. Bởi qua tiếng hát, qua cách đệm đàn, tôi lắng nghe và thấy tâm hồn mình được nâng lên, thanh thoát. Âm nhạc của những bản thánh ca thực sự là những cuộc thanh luyện nhẹ nhàng êm ái. Thông qua âm nhạc, tôi nghe được tiếng bước chân hành trình tâm linh của chính mình, nghe tiếng tha nhân bao dung và tiếng gọi của những thiên thần reo ca trên nẻo sáng.

Rồi bạn sẽ nói rằng, nếu vậy thì những buổi lễ trở thành một buổi thưởng thức âm nhạc? Không, bạn đã đi quá xa và cũng lại quá gần trong cách hiểu. Âm nhạc nơi đây được hiểu như một suối nguồn giao cảm đẹp đẽ và thánh thiện, là chất liệu làm nên sự rung động thánh thiêng, lấp lánh trong đền thờ của tâm hồn. Sẽ rất khác với sự tiếp nhận giải khuây thuần túy. Là tiếp nhận dự phần chứ không phải để đón nhận thưởng thức.

Khi ta cùng nhau cất lên một lời ca trên giai điệu thiêng liêng, là học được từ tiếng gió quyện quanh lời của buổi ban sơ vũ trụ khi Chúa thổi hơi vào đất sét vô tri, ta nghe tiếng bụi đất cựa mình, tiếng thánh linh thức tỉnh nhà tiên tri dưới gốc cây kim tước...

3.

Bây giờ, tôi sẽ kể cho chị nghe nhiều lần tôi đã khóc khi nghe những bài hát trong thánh lễ vận vào đời sống, tâm tư của mình. Ðó là khi cảnh sống khó khăn khiến cha mẹ suốt ngày cơm không lành canh không ngọt, tôi nghe: “Cuộc đời này con có gì mà dâng Chúa đâu/ Những luống cày sâu trời tối mau cha chưa kịp về/ Mẹ bận rộn từng ngày lo no cơm ấm áo/ Có chi đâu Ngài ơi có chi dâng Ngài...”. Tôi chẳng biết có đứa trẻ nào rớt nước mắt trong tình cảnh như tôi hay không. Rồi những bài hát về gia đình cũng khiến chàng tân sinh viên vừa xa nhà phải đứng lặng nuốt những giọt nước mắt vào trong: “An vui cũng như đau buồn luôn đẹp tấm lòng mẹ cha/ Ai qua là bao chốn xa thấy đâu vui cho bằng mái nhà/ Mai con lớn lên rồi ra đi tung cánh trong đời/ Dù xa vô bờ vẫn nhớ đến tình mẹ cha...”.

Chưa hết, để tôi kể chị nghe về sự “mít ướt” của mình trước những giai điệu và ca từ êm đềm của âm nhạc nhà thờ. Này nhé, có bao giờ chị quỳ trước bàn thờ Chúa mà không dám ngước nhìn lên bởi lòng mình còn những khối nặng khó buông? Những lúc ấy, nếu thanh âm ngọt ngào từ cây organ cùng giọng solo trầm ấm cất lên: “Xin cho con biết lắng nghe/ Lời Ngài dạy con trong đêm tối/ Xin cho con biết lắng nghe/ Lời Ngài dạy con lúc lẻ loi...” hay “Chúa không lầm khi Ngài dạy con yêu/ Dù đường tình con oan trái nhiều/ Vì Chúa đã biết từ ngàn xưa/ Từng giây rung cảm trong lòng, là từng giây hơi thở rực nóng...”.

Nhiều, thật nhiều câu hát chạm vào đêm tối, sự lẻ loi và sự lạc trôi của chúng ta. Và nước mắt chị rơi, như tôi đã từng, phải vậy không?

4.

Vậy đó, thằng bé nghèo được thiên thần dẫn đến với công cụ của ngài: âm nhạc, rồi được âm nhạc dẫn đến với đời sống đạo đức nhà thờ theo một cách riêng. Từ đó, mỗi lời ca, mỗi nốt nhạc là một lời liên lỉ cầu nguyện trong cuộc đời ba đào của nó. Nhạc lễ như cây cầu mở ra những giao cảm với tha nhân trong tình hòa ái và hướng thượng. Nhạc lễ cũng chạm vào thẳm sâu nội tâm hoang trống cần được chữa lành và nâng lên.

Chị có nghe không cuộc đời mình đã thật thuần khiết khi những ngón tay dạo trên phím đàn để chọn cách đi hợp âm cho một bản Thánh ca? Phải chăng khi ấy chị đang trải lên cung bậc diễm tuyệt câu chuyện của phó thác yêu thương và niềm tin vào hạnh phúc vô bờ?

Tôi nói quá nhiều về âm nhạc nhà thờ rồi phải không? Chị có thấy một kẻ bị đánh rớt từ những cuộc thi tuyển người chơi đàn trong xứ đạo năm xưa, nay nói về âm nhạc nhà thờ như một con nghiện. Phải, một con nghiện đứng ngoài khu vực ca đoàn nhưng tâm trí luôn hướng vào đó, nghe từng hơi thở, nghe từng ca từ, nghe từng tiếng đánh nhịp của ca trưởng, tiếng lấy hơi của ca viên và đôi lần, lén lút nhìn những bàn tay điệu nghệ lướt trên dãy phím mềm mại để thứ âm nhạc thánh thiêng được ngân lên.

Bây giờ thì chị đã rời ca đoàn của mình để đến một xứ khác. Tôi tin chị vẫn tiếp tục là pianist của nhà thờ. Nơi đó có thứ ánh sáng huyền diệu chiếu soi, có phương thuốc chữa lành cho nỗi khổ của chị.

Tôi phát hiện ra điều lạ lùng này: trước cổng nhà thờ, những ca viên, ca trưởng, nhạc công đã mang một sắc diện của đời như mọi người, vậy mà khi họ đứng vào trong dàn hợp ca và âm nhạc cất lên, tôi thấy thiên đường lộng lẫy trong mắt họ, thấy các thiên thần bay lượn bên họ. Tôi có thần thánh hóa họ quá hay không?

5.

Ðứa bé đứng trước cổng tu viện Saint-Paul năm nào vẫn kiên trì gọi cửa. Tiếng chó sủa vang khuôn viên tu viện. Và tiếng gậy trúc. Tiếng bước chân một ma-xơ già kéo cánh cổng sắt cũ kỹ. Hành lang đã vang lên âm nhạc, không gian những buổi chiều thoảng mùi cây trái thanh khiết bốn mùa. Ðứa trẻ đó nói với bà ma-xơ già rằng, rồi đây nó sẽ là người chơi đàn chính trong nhà thờ.

(Nếu điều đó xảy ra, thì có lẽ cuộc đời nó hôm nay đã thật khác!)

Còn bây giờ, nó chỉ biết chọn một góc thuận nhất để vừa ngắm nhìn, vừa lắng nghe âm nhạc thanh tẩy tâm hồn mình.

Tùy bút của NGUYỄN VĨNH NGUYÊN

[Trích từ bản thảo Ngang qua Vườn Cây Dầu]

Từ khoá:
Chia sẻ:

Bình luận

có thể bạn quan tâm

Đại diện Trung ương MTTQVN chúc Tết các linh mục ủy viên và nguyên ủy viên
Đại diện Trung ương MTTQVN chúc Tết các linh mục ủy viên và nguyên ủy viên
Sáng ngày 18.1.2025, đoàn công tác của Trung ương MTTQVN do ông Nguyễn Văn Thanh, Trưởng ban Dân tộc - Tôn giáo và Kiều bào đại diện, đã đi thăm và chúc Tết các linh mục là ủy viên, nguyên ủy viên Trung ương MTTQVN tại TPHCM.
Kho quẹt - dân dã mà ngon
Kho quẹt - dân dã mà ngon
Ký ức ngày xưa hiện về với ông bà Năm. Hình ảnh cái nồi đất nhỏ đặt trên lửa riu riu cho sắc lại, mấy đứa con dùng đũa quẹt cái nước chấm kia đến tận đáy nồi mới thôi
Dọn lòng đón tết
Dọn lòng đón tết
Không khí Tết đã rộn ràng ngoài kia, gần lắm. Nhà nhà, người người tất bật sắm sửa, dọn dẹp, chuẩn bị đón một năm mới an khang, thịnh vượng. Thế nhưng, với người Công giáo, có những điều đã trở thành không thể nào quên thực hiện vào dịp...
Đại diện Trung ương MTTQVN chúc Tết các linh mục ủy viên và nguyên ủy viên
Đại diện Trung ương MTTQVN chúc Tết các linh mục ủy viên và nguyên ủy viên
Sáng ngày 18.1.2025, đoàn công tác của Trung ương MTTQVN do ông Nguyễn Văn Thanh, Trưởng ban Dân tộc - Tôn giáo và Kiều bào đại diện, đã đi thăm và chúc Tết các linh mục là ủy viên, nguyên ủy viên Trung ương MTTQVN tại TPHCM.
Kho quẹt - dân dã mà ngon
Kho quẹt - dân dã mà ngon
Ký ức ngày xưa hiện về với ông bà Năm. Hình ảnh cái nồi đất nhỏ đặt trên lửa riu riu cho sắc lại, mấy đứa con dùng đũa quẹt cái nước chấm kia đến tận đáy nồi mới thôi
Dọn lòng đón tết
Dọn lòng đón tết
Không khí Tết đã rộn ràng ngoài kia, gần lắm. Nhà nhà, người người tất bật sắm sửa, dọn dẹp, chuẩn bị đón một năm mới an khang, thịnh vượng. Thế nhưng, với người Công giáo, có những điều đã trở thành không thể nào quên thực hiện vào dịp...
Có ai mong “đợi đến tết Congo”?
Có ai mong “đợi đến tết Congo”?
Hồi trước, tôi hay nghe anh chị tôi nói câu này mà chẳng hiểu gì cả. Dần dà, lờ mờ hiểu là có chờ đợi “mút chỉ” cũng chẳng được gì. Nghĩa là đừng hy vọng vào một điều mà không biết bao giờ sẽ xảy ra như... “đợi Tết...
Ðức năng thắng số, nhân định thắng thiên
Ðức năng thắng số, nhân định thắng thiên
Ở những dòng thơ giới thiệu chị em Thúy Kiều, thi hào Nguyễn Du đã tiên tri số phận của họ. Mặc dù Kiều “so bề tài sắc lại là phần hơn”, nhưng lại là điềm báo cho cuộc đời truân chuyên.
Những giờ kinh tối khó quên
Những giờ kinh tối khó quên
Nếp sinh hoạt hằng ngày của gia đình tôi là bắt đầu giờ kinh tối lúc 9 giờ. Sau khi xem tivi, cả nhà chuẩn bị ghế ngồi quanh chân tượng Chúa và tượng Đức Mẹ.
Nghĩ về phong tục ngày Tết
Nghĩ về phong tục ngày Tết
Tôi vẫn nhớ ngày còn nhỏ, cứ gần Tết là mọi người thi nhau… trả nợ, dù ít dù nhiều thì đều cố gắng không để nợ nần qua năm. Càng không bao giờ dám đi vay mượn vào dịp đầu năm.
Tết này nhà mình đi đâu?
Tết này nhà mình đi đâu?
Dù ở độ tuổi nào và xã hội biến đổi ra sao, thì Tết vẫn luôn có một ý nghĩa đặc biệt trong lòng mỗi người, mỗi gia đình.
Vì mùa Xuân lại sẽ đến
Vì mùa Xuân lại sẽ đến
Nhẩm đếm, còn hai Chúa nhật nữa thôi là Tết, nên đứng đầu trong danh sách việc cần làm là dọn dẹp, sắp xếp nhà cửa. Nếu các góc khác trong nhà tốc độ hoàn thành khá nhanh thì khi dọn đến khu vực kệ sách lại đến quên thời...