Trong những ngày này, khi mưa lũ miền Trung vẫn diễn biến khắc nghiệt thì lời kêu gọi giúp đỡ bà con các tỉnh đang chịu thiệt hại nặng nề bằng nhiều cách thức khác nhau đã được cộng đồng hay các nhóm nhỏ tự phát khắp nơi đáp lại. Bầu khí hối hả để chuẩn bị cho những chuyến xe đầy ắp lương thực, nhu yếu phẩm, quần áo… hiển hiện khắp nơi với nhiều cách thức quyên góp, kêu gọi sự chung tay.
Từ những lời kêu gọi được chia sẻ trên mạng xã hội suốt tuần qua, dường như việc giúp đỡ đồng bào đang ở rốn lũ không còn là câu chuyện của riêng cá nhân hay nhóm, hội nào. Từ những doanh nghiệp, người nổi tiếng đến các bạn trẻ hay chị em nội trợ…, mỗi người một cách, đều chắt chiu yêu thương gởi về miền Trung những phần trợ giúp theo khả năng của mình.
Anh Lưu Văn Hữu, thường hiện diện ở nhiều công việc thiện nguyện, giữa cơn khốn khó của đồng bào, dĩ nhiên đã không thể đứng ngoài cuộc. Chiều 20.10, bầu khí tại nhà anh (phường Tân Ðông Hiệp, TP Dĩ An, Bình Dương) sôi nổi bởi hàng chục người tình nguyện đến góp sức gói bánh chưng, bánh tét gởi vùng lũ. Khắp căn nhà ngổn ngang đậu, nếp, thịt, lá…, mỗi người mỗi việc, nhanh nhẹn hết sức có thể để kịp đem bánh đi xa. Nhiều người trong số tình nguyện viên đến đây đã xin nghỉ làm sớm để góp một tay. Theo anh Hữu chia sẻ, khi thấy bà con miền Trung đang vật lộn với bão lũ, tài sản bị cuốn trôi, ăn không đủ no, mặc không đủ ấm, khó khăn chồng chất khó khăn, anh muốn làm điều gì đó thật thiết thực và nghĩ đến việc tặng bánh chưng cứu đói. Dự tính có 10.000 chiếc bánh chia thành nhiều đợt sẽ được đem ra vùng lũ. Thật nức lòng khi số người chung tay góp công, góp của ngày một nhiều, nên số bánh có thể cao hơn dự tính ban đầu. Ngoài ra, nhóm của anh cũng sẽ làm thịt xào mắm ruốc để tặng bà con các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Hà Tĩnh. Hiện tại, nhà anh Hữu vẫn đang tiếp nhận quần áo cũ, các nhu yếu phẩm, mì gói, thuốc cảm, thuốc tiêu chảy và những đồ dùng cần thiết để nhanh chóng chuyển ra miền Trung. Việc gói bánh chưng, bánh tét cứu trợ vùng lũ cũng được nhiều nhóm thiện nguyện cũng như cá nhân thực hiện.
Nhiều ngôi nhà trở thành địa chỉ bác ái |
Những tin nhắn hay lời kêu gọi quyên góp mì gói, lương khô, quần áo, áo phao, chăn mền, nhu yếu phẩm… xuất hiện rất nhiều trên mạng xã hội trong những ngày này. Chị Ánh Tuyết (Vũng Tàu) là một người con miền Trung, nên những ngày quê hương bão lũ cũng là khoảng thời gian chị theo dõi tin tức sát sao. Từ niềm thương thành hành động, chị Tuyết cùng một số bạn bè đã quyên góp áo phao, bởi chị nghĩ “còn người là còn của” và “chiếc áo phao để đảm bảo tính mạng”. Sau mấy ngày vận động bạn bè, khách hàng, chị đã có gần 200 áo phao cùng lương khô, đèn pin, dầu gió chuẩn bị gởi xe chở ra vùng lũ.
Ðang trong thời gian mang thai, song chị Nguyễn Thị Thúy Kiều (Dĩ An, Bình Dương) vẫn cùng chồng tất tả biến căn hộ của gia đình thành nơi tiếp nhận quần áo cũ, gạo, sữa, thực phẩm khô giúp vùng lũ. Tối 19.10.2020, chị Kiều đã gởi chuyến hàng đầu tiên ra Quảng Trị. Tất cả thông tin tiếp nhận sự chung tay của những tấm lòng thơm thảo luôn được chị công khai trên trang cá nhân và trang của khu chung cư. Trước công việc ý nghĩa này của gia đình chị Kiều, rất nhiều bà con hàng xóm đã cùng phụ phân loại, sắp xếp quần áo và đóng gói, mang vác giúp chị.
Chị Lê Hoàng Phi Yến (Quận 3, TPHCM) thì bận rộn xin sách, vở để giúp học sinh có thể quay lại trường sau khi bão tan, lũ rút. Theo chị Yến: “Do tình hình mưa lũ, nước lên quá nhanh, mọi người không trở tay kịp, nhà nhà nước ngập sâu, vì thế các em ở vùng lụt sách vở đã bị ướt hết, thậm chí có em không còn sách vở. Nên mong mọi người có sách vở cũ của con em mình từ lớp 2 - lớp 9 cho mình xin lại, để có thể giúp phần nào cho các em có được bộ sách khi trở lại trường”. Những bộ sách và vở viết đang bắt đầu được gởi đến chị Yến sau khi chị ngỏ lời trên mạng xã hội…
Các tôn giáo cũng có nhiều chương trình ủng hộ bà con vùng lũ theo nhiều cách thức, hình thức khác nhau. Ai ai cũng một lòng mong ngóng từng tin tức từ rốn lũ, gom góp chờ đợi từng chuyến xe cứu trợ lên đường. Không có sự phân biệt nào trong sự yêu thương.
Chị Phạm Thị Nhật Hạnh đồng hành với điểm tiếp nhận ở nhà thờ Tin Lành - Thủ Ðức cho biết, chuyến xe tải trọng 2,5 tấn mà nhóm chị liên hệ được đã mang theo 1.200 gói mì, lương khô và quần áo sắp lăn bánh trong một vài ngày tới. “Việc hỗ trợ bây giờ rất khẩn cấp nên công việc dồn sức cho chuyến xe này được ưu tiên hơn hết. Sắp tới, việc quyên góp sẽ vẫn được duy trì. Chúng tôi sẽ xin và mua những gì cần thiết nhất tùy theo nhu cầu của mọi người”, chị Hạnh nói.
Dù cũng chịu ảnh hưởng từ những trận lũ vừa qua, song dòng Thánh Tâm Huế cho biết sẽ dành toàn bộ số tiền bán dầu tràm và bột sắn dây trong 2 tuần để hỗ trợ bà con miền Trung. Cha Phêrô Nguyễn Thái Công, phụ trách cơ sở dầu tràm Thánh Tâm bảo, mong muốn của mình cũng như các anh em trong hội dòng là đồng hành cùng bà con trong tinh thần tương thân tương ái, sống trong yêu thương. Giáo xứ Mỹ Yên thuộc giáo phận Vinh (Nghi Ðồng, Nghi Lộc, Nghệ An) cũng đã quy tụ giáo dân gói và nấu bánh chưng, bánh tét trong ngày và đêm 20.10 để gởi vào cho bà con vùng lũ lụt Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị. 20 nồi bánh chưng lớn đỏ lửa suốt đêm, mục đích hướng tới là giúp ấm bụng nhiều gia đình đang phải gồng mình chịu đói rét trong bão lũ…
Gx Mỹ Yên gói bánh cứu trợ |
Chùa Diệu Pháp (Q.Bình Thạnh, TPHCM) cũng đã có lời kêu gọi các Phật tử có lòng hảo tâm hỗ trợ từ hơn một tuần qua. Nhu yếu phẩm và tiền giúp người vùng lũ sẽ được chuyển đến tận tay các gia đình khó khăn. Hiện nhà chùa cũng đã cử đoàn đến các tỉnh chịu ảnh hưởng nặng nề để tương trợ….
Giữa diễn biến mưa lũ còn phức tạp, những chiếc xe tải với những dòng chữ “Hướng về miền Trung”, “Thương về miền Trung”… nối đuôi nhau, ngược xuôi vào các rốn lũ chở theo hàng triệu tấm lòng…
Minh Minh
Bình luận