Thứ Ba, 07 Tháng Mười Một, 2017 15:16

An toàn học đường

Ngày nay, không ít học sinh lo lắng về những nguy hiểm rình rập mình, không chỉ từ việc tham gia giao thông, sử dụng thức ăn nhanh hè phố..., mà mối lo đó hiện hữu ngay trong học đường. Ngày 17.10.2017, sinh viên NTL, khi đang đứng xếp hàng chờ thang máy tại trường Ðại học Công nghệ TPHCM, thì bị một mảng bê tông rơi trúng, làm em tử vong tại chỗ. Nguyên nhân được xác định là những cơn mưa lớn liên tiếp nhiều ngày khiến kết nối giữa các mảnh ghép của máng xối nước bằng bê tông cốt thép bị bủng và rơi. Nhiều sinh viên khác đang xếp hàng cũng bị mảnh bê tông văng trúng. Tương tự ở Hà Nội, hằng ngày thầy và trò Trường THPT Trần Nhân Tông phải dạy và học trong sự sợ hãi bởi các mảng trần có thể rơi xuống bất cứ lúc nào. Khi tình huống chết người xảy ra, nhiều người mới giật mình bởi lẽ lâu nay, vấn đề an toàn tại học đường dường như bị bỏ ngỏ. Người ta cứ nghĩ khi con em mình tới đó học, hầu như mọi rủi ro rất ít xảy ra.

Ảnh minh họa

Nguyên nhân của hiểm họa học đường là do cơ sở hạ tầng của nhiều trường học đã được xây dựng 50-60 năm. Kinh phí duy tu hằng năm không đủ để điều chỉnh kết cấu mà chỉ sửa chữa chắp vá. Tuy nhiên, cũng không phải chỉ do nguyên nhân trường cũ và  thiếu kinh phí sửa chữa. Tại Hà Nội, một số ngôi trường mới đưa vào sử dụng chưa được bao lâu, nhưng đã nứt lún, tạo ra những nguy cơ rình rập. Khi báo chí, thanh tra vào cuộc, người ta chỉ tìm thấy kết cấu nền đất yếu, do mưa lũ, thấm dột ảnh hưởng..., ít khi thấy nguyên nhân “con người”. Thành thử một ngôi trường được xây mới, muốn bền đẹp tạo an toàn cho học sinh, không chỉ dựa vào kinh phí mà còn là lương tâm, trách nhiệm của chủ đầu tư, nhà thiết kế, đội ngũ thi công. Mối nguy hiểm còn từ sự quá tải học đường. Nhiều trường do nhu cầu học sinh đông, đã xin kinh phí xây thêm phòng ốc không bảo đảm kỹ thuật, ảnh hưởng đến kết cấu cũ, gây sụt lún, rạn nứt, nguy hiểm.

Ảnh minh họa

Trong khi đó, ở các vùng nông thôn, miền núi, hiểm họa chính là đoạn đường di chuyển. Các em phải lội suối, trèo đèo, đi qua sông bằng những phương tiện thô sơ. Trong quá khứ cũng đã từng xảy ra nhiều tai nạn thương tâm. Tình cảnh này đặt ra câu hỏi về những con đường, những cây cầu qua sông thuận tiện cho các em đến trường.

Rõ ràng khi mái trường còn nhiều điều bất an với cả người dạy và học, chỉ vì cơ sở vật chất, thì chưa thể nói tới chất lượng giáo dục tốt được. Bởi vậy, trong bất cứ hoàn cảnh nào, điều cần quan tâm trước tiên là phải bảo đảm an toàn cho thầy cô giáo cũng như học sinh.

Ngô Quốc Ðông

Ý kiến bạn đọc ()
Tin khác
Xem thêm