15.000 ngàn tỷ đồng là một con số khổng lồ của 32.000 người bị lừa gạt bởi đầu tư vào tiền ảo. Sự kiện chỉ thực sự vỡ lở vào tuần trước, khi hàng ngàn người tập trung tại trụ sở đăng ký kinh doanh tiền ảo tại TPHCM. Trung bình mỗi người mất khoảng 500 triệu. Tiền ảo quả thực đã thành nỗi lo của người dân và ảnh hưởng an ninh tài chính quốc gia.
Vậy đằng sau câu chuyện tiền ảo là gì? Phải chăng các loại giao dịch điện tử liên quan đến tài chính vẫn còn lỗ hổng khó kiểm soát ? Thực tế, hệ thống chế tài, luật pháp chưa theo kịp với bối cảnh của cuộc cách mạng khoa học công nghệ 4.0. Đến nay, mới có duy nhất nghị định 96/2014/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng quy định chế tài xử lý đối với hành vi phát hành, cung ứng, sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp (bao gồm các loại tiền điện tử). Như vậy, sự bảo vệ bằng luật pháp vẫn chưa đáp ứng những an toàn giao dịch của người dân.
![]() |
Đằng sau sự kiện người dân bị lừa do bỏ tiền thật vào đầu tư tiền ảo còn cho thấy, các kênh đầu tư của Nhà nước vẫn chưa thu hút được lượng tiền tiềm ẩn trong dân. Đành rằng lãi suất huy động sẽ quyết định đến lạm phát và cân đối tài chính tiền tệ, nhưng khi lãi suất thấp cũng phản ánh tình trạng ảm đạm của nhà đất, bất động sản và sự tăng trưởng của các doanh nghiệp. Bởi vậy, người dân có xu hướng kiếm tìm đầu tư ở tín dụng đen và tiền ảo, cuối cùng trở thành nạn nhân.
Nghe đâu với chính sách đầu tư mua tiền ảo (như Ifan, Pincoin) bằng tiền thật, tính ra lãi suất có thể lên tới 600%/năm, trong khi lãi suất của Nhà nước dao động từ 4,5-7%/năm. Vậy sao người ta vẫn đổ xô đầu tư tiền ảo? Trong tình huống này chỉ có thể giải thích rằng lòng tham đã làm lu mờ đi lý trí của con người. Nhiều người không chịu hiểu sự hưởng lợi lớn như vậy chỉ có thể là lừa đảo, hoặc đúng như cái tên “ảo” mà họ đã bỏ tiền thật ra để đầu tư.
Việc tiền ảo cũng cho biết thêm về hình thức huy động vốn trong dân thuộc loại hình “vết dầu loang” như kiểu bán hàng đa cấp, nên khó kiểm soát. Những người chủ mưu lợi dụng các mối quan hệ thân quen để tập hợp người mua tiền ảo. Rõ ràng có sự kết hợp giữa tính hiện đại của công nghệ và phương cách truyền thống để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người khác dựa trên lòng tham của con người. Không ai có thể dám chắc được chính những người thân của mình lại có thể bị rơi vào tình trạng bị lừa đảo từ bán hàng đa cấp hoặc giao dịch tiền ảo. Phải chăng quản lý tiền ảo không thể dừng ở việc khuyến cáo rủi ro, mà còn cần có động thái cụ thể, quyết liệt để ngăn chặn?
Ngô Quốc Ðông
Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, tòa soạn sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng cgvdt.vn của mình.
Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn”.
Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Công giáo và Dân tộc.