Thứ Tư, 22 Tháng Giêng, 2020 13:04

Báo Tết đầu thế kỷ 20

 

Giai phẩm Xuân có từ bao giờ ? Tôi không chắc. Nhưng tôi chắc một điều là từ đầu thế kỷ 20 đã có những bài viết về Tết trên báo ở Sài Gòn.

 

Báo Nam Kỳ số 114 ra ngày 4.1.1900 có thể coi là tờ báo Xuân đầu tiên của làng báo quốc ngữ. Xin lưu ý tôi chép nguyên không sửa chánh tả :

Tân niên Canh Tý vận thừa,

Lời cùng ngọc hữu xa đưa tấc lòng;

Nam Kỳ Lục tỉnh đàng trong,

Quan trên dân dưới cũng thông rỏ ràng;

Vì nhờ nghiệp cả mở mang,

Lập làm nhựt báo bốn phang chuộng dùng;

...

(Bổn quán nhựt báo cẩn tự)

Bửa nay mồng một tết Langsa,

Kỉnh chúc bình yên cả nước nhà;

Kẻ sỉ sữa sang ngồi bực nhứt,

Nhà nông gặt hái được bằng ba;

Ðồ nghề tay thợ trao giồi khéo,

Hàng hóa con buôn thấu đáo xa;

Thong thả trẻ già quên mấy tuổi,

An cư lạc nghiệp toại âu ca.

MAI NHAM

 

Xin nói một chút về Mai Nham.

Mai Nham là bút danh khi viết báo Nam Kỳ của ông Trương Minh Ký (1855-1900). Trong ba năm cuối đời (1897-1900), ông là chủ bút tờ Nam Kỳ, tờ báo quốc ngữ tư nhân thứ hai của thế kỷ 19. Và trong số báo gần cuối này (Nam Kỳ đóng cửa vĩnh viễn ở số 120 ngày 22.2.1900), tờ báo đã có bài mang hơi hớm của mùa Xuân, có thể coi là tờ báo Xuân đầu tiên của làng báo Việt ?

Trong số báo này, ngoài bài viết chúc Xuân cho bạn đọc, sau này trở thành thông lệ cho làng báo Việt, còn có bài Một sự lạ diễn ra ở Sài Gòn 120 năm trước.

Hôm thứ sáu ban mai tuần rồi, ta có thấy một sự dị thường quá sức.

Tại đường nối theo đường Chasseloup - Laubat, cách Sở tuần thành lập tại Chợ Ðủi chừng 500 thước tây, có một nhà kia sanh ra hai đứa con gái nhằm chiều 28 Decémbre, song hai con ấy dính nhau làm một.

Chổ dính đó là tại phía dưới bụng, mỗi đứa có đầu, có ngực riêng nhau. Ðứa nào cũng có một trái tim, hai lá phổi, hai lổ họng trong phổi, cùng hai tay. Còn phía dưới, thì có một đứa đủ hai chơn mà thôi, đứa kia thì có một chơn mà ra hai cái bàn riêng nhau. Nhưng vậy, rờ coi thì biết hai cái chưn đó có hai cái xương ống cùng hai xương sống chơn. Vậy xương cốt hai trẻ nầy đều đủ, song phần thân thể để thở cùng tiêu thực, thì cả hai chung có một chỗ mà thôi.

Theo sự người ta thấy đó, thì hình hai trẻ ấy gần giống như hai đứa con trai Xiêm kia, song có khác nhau là hai trẻ Xiêm dính bên hông, còn hai đứa dị kỳ ta nói đây thì lại dính ngang nhau như chữ thập.

Trong lúc ta viết mấy hàng này, thì hai trẻ đó mạnh giỏi lắm, có dưỡng nuôi nó cho tử tế thì nó mới sống đặng lâu”.

Hai đứa trẻ Xiêm trong bài viết là nói đến Chang và Eng, cặp song sinh dính liền nhau nổi tiếng thế giới lâu nay. Còn cặp song sinh dính liền của Việt Nam xưa không rõ số phận ra sau. Sau này, ở nước ta cũng có cặp song sinh dính liền nhau cũng rất nổi tiếng là Việt - Ðức.

Có lẽ vì quá lạ lùng nên ông Mai Nham đã làm một bài thơ mang tên Sanh đôi kỳ cục vào ngày 28.12.1899 :

Saigon, xóm Chệc, chổ nhà nghèo,

Mới thấy sanh đôi gái đánh đeo;

Mặt bụng thẳng chìu hai cẳng đủ,

Hai đầu vẹn vẻ bốn tay đều;

Rẻ hai trên rún hai thân chỏi,

Giụm một dưới hông một cẳng chèo;

Thiên hạ đi coi, coi chật bó,

Rồi ra hoảng nói thấy xa leo.

Chuyện đời xưa đăng trên báo. Chép lại mấy dòng để người nay đọc cho biết. 

 

TRẦN NHẬT VY

Ý kiến bạn đọc ()
Tin khác
Xem thêm