Ðây là hội thảo tập huấn trực tuyến vào sáng 9.11.2021 nhằm cập nhật và bồi dưỡng kiến thức liên quan đến dịch bệnh cho đội ngũ y tế.
Chương trình này do Trường Ðại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch phối hợp tổ chức cùng Hội Quân dân y Việt Nam, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam và Văn phòng khu vực Ðông Nam Á của Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Bệnh tật (CDC) Mỹ đặt tại Hà Nội. Hội thảo xoay quanh các nội dung tham luận gồm: Thách thức và đáp ứng của y tế cơ sở trong phòng chống Covid-19 (PGS.TS.BS Tăng Chí Thượng- Giám đốc Sở Y tế TPHCM); Vai trò xét nghiệm trong phòng chống Covid-19 (TS.BS Bùi Thị Thu Hiền - Ðại diện CDC Mỹ tại Việt Nam); Nhật ký chiến trường - Xét nghiệm lưu động RT-PCR SARS-CoV-2 tại cộng đồng quận Tân Bình (PGS.TS.BS Vũ Quang Huy - Trường Ðại học Y Dược TPHCM); Ðào tạo y học gia đình - Giải pháp then chốt tăng cường y tế cơ sở (PGS.TS.BS Nguyễn Thanh Hiệp - Hiệu trưởng ÐHYK Phạm Ngọc Thạch); Bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe thích ứng an toàn với Covid-19 (PGS.TS.BS Phạm Lê An và TS Nguyễn Như Vinh, Trung tâm Ðào tạo Bác sĩ gia đình - ÐH Y Dược TPHCM); Tài chính cho hệ thống y tế ứng phó với Covid-19 (Bà Nguyễn Kim Phương - Ðại diện văn phòng WHO tại Việt Nam).
![]() |
Mô hình chăm sóc người nhiễm tại nhà góp phần giảm tải bệnh viện và hạn chế tình trạng bệnh nhân chuyển nặng |
Trong các tham luận trên, chuyên đề chính “Bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe thích ứng an toàn với Covid-19” được đặc biệt chú trọng. Bác sĩ Phạm Lê An (phụ trách tham luận) nhấn mạnh về biến thể Delta với khả năng lây nhanh và gây ra những thách thức cho ngành y tế Việt Nam. Với tình trạng bệnh gây thiếu ôxy trầm trọng và dẫn đến “bão Cytokine”, giờ vàng trong cấp cứu luôn là một nhu cầu rất lớn, làm thế nào để cung cấp ôxy sớm, đủ, đúng tại cơ sở y tế ban đầu, tại nhà, tại trạm y tế, hoặc là trạm y tế lưu động là điều luôn được quan tâm.
Theo bác sĩ An, tác động của đợt dịch thứ 4 vừa qua là gây tử vong vì bệnh Covid-19, tử vong gián tiếp do bệnh nền khi nhiễm SARS-CoV-2 và tử vong do bệnh nền quản lý không tốt, khi quá tải bệnh viện. Trước tình trạng này, Bộ Y tế cũng như Sở Y tế TPHCM đã có những giải pháp linh hoạt, biến chuyển để đáp ứng được tình hình thực tế, chuyển từ tháp 5 tầng sang tháp điều trị 3 tầng và những biện pháp khác, trong đó có mô hình cách ly người nhiễm tại nhà.
Trong bối cảnh thích ứng an toàn với Covid-19, Trường Ðại học Y Dược TPHCM đã tham gia với vai trò chăm sóc người nhiễm tại nhà, đầu tiên là ở quận 10, sau đó là quận 8 và quận Bình Tân. Ðiểm nhấn của việc chăm sóc tại nhà là được triển khai theo mô hình bác sĩ gia đình, giúp phát hiện sớm nguy cơ trở nặng, cấp cứu kịp thời, chuyển viện an toàn, theo dõi tiếp tục, giảm tải bệnh viện và giảm tỷ lệ tử vong. Theo đánh giá của một số chuyên gia, mô hình bác sĩ gia đình đã phát huy hiệu quả, góp phần giảm 50% bệnh nhân chuyển nặng. Ðặc biệt, đội ngũ y tế không chỉ chăm sóc người nhiễm tại nhà thời dịch bệnh mà còn hỗ trợ giai đoạn hậu Covid-19.
Thông qua công tác chăm sóc, bảo vệ, nâng cao sức khỏe thích ứng an toàn với Covid-19 ở đợt dịch thứ 4, hội thảo chú trọng vấn đề tăng cường y tế cơ sở. Theo đó, các trạm y tế phường xã cần kiện toàn việc trang bị các thiết bị như hệ thống cung cấp ôxy hoặc bình ôxy, bộ xét nghiệm nhanh; chống lây nhiễm chéo; tham vấn điều trị và túi thuốc được phân loại A, B, C phù hợp với tình trạng của bệnh nhân; huấn luyện cập nhật sơ cấp cứu hiện trường; tổ chức chăm sóc phối hợp; chuyển viện ngay giờ vàng một cách an toàn bằng phương tiện xe cấp cứu; tiêm vắc xin an toàn, có độ bao phủ nhanh và đủ.
Bích Vân
Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, tòa soạn sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng cgvdt.vn của mình.
Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn”.
Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Công giáo và Dân tộc.