Thứ Bảy, 29 Tháng Tư, 2023 16:15

Bắt nạt học đường có từ trước khi trẻ đi học

Nạn bắt nạt ở trường tưởng chỉ có trong phim ảnh/truyện tranh, giờ xuất hiện ở nhiều nơi với đủ hình thức, thể loại, mức độ. Các nạn nhân bị nhắm đến thường do ít bạn, nhút nhát, ngoại hình khác biệt hoặc thành tích nổi trội hơn bạn bè nên bị ghen ghét. Những kẻ thích bắt nạt làm vậy để xả stress, trút giận lên đối tượng yếu hơn hoặc thấy thích thú với việc hành hạ người khác. Không ai là ngoại lệ trong việc bị bắt nạt, kể cả học sinh giỏi hoặc con nhà khá giả. Thủ phạm không chỉ là học sinh cá biệt mà còn có thể là “con ngoan trò giỏi” đi ra oai với người khác.

Đứng trước cảnh con mình vướng vào nạn bắt nạt, phụ huynh đừng vội cho rằng “con phải thế nào mới bị ghét”. Hãy bình tĩnh nhìn rõ sự thật và giải quyết thỏa đáng, kẻo lại gặp “plot twist” như câu thoại nổi tiếng của nhân vật Walter White trong phim “Breaking Bad”: “Tôi không gặp nguy hiểm! Tôi mới là mối nguy hiểm!”.

Một số biện pháp phòng chống bạo lực và bắt... | HỆ THỜI SỰ CHÍNH TRỊ TỔNG  HỢP - VOV1

Một bạn trẻ nói vui: “Mẹ bảo con đừng tham gia đánh nhau nhưng mẹ không biết con là đứa cầm đầu”. Thực vậy, nhiều bậc cha mẹ chắc sẽ sốc khi biết con mình là “đầu gấu”, “trùm” ở lớp và hạt giống ấy được gieo từ trong gia đình:

- Một cô bé mồ côi luôn giữ gìn chiếc gương nhỏ - kỷ vật của mẹ mình. Một lần nọ, đứa bạn đòi xem nhưng cô bé không cho. Trong lúc giằng co, chiếc gương văng vào thùng rác ven đường. Cô bé vội bới thùng rác, bất chấp bị bẩn. Thấy gương bị rạn, tức quá liền cãi nhau với bạn. Đúng lúc đó, mẹ bạn kia bắt gặp, lập tức quát tháo đứa trẻ mồ côi đang to tiếng với con mình. Khi cô bé nói bạn kia làm nứt gương của mình, bà mẹ không nghe trình bày, mắng át đi: “Nó thiếu gì đồ chơi mà phải làm thế!” rồi dắt tay con về: “Thôi bỏ, đừng chơi với nó”.

Đứa bé biết mẹ mình mắng oan bạn nhưng nhẹ cả người vì thoát tội. Kể từ đó, nó tỏ ra trịch thượng với cô bạn mồ côi và luôn có 1 kim bài miễn tử “mẹ tao bảo vậy”.

- Một nữ sinh cấp II “số nhọ” luôn bị vài nam sinh cùng lớp bắt nạt. Mặc dù chúng chẳng phải loại to cao, cô bé cũng không gầy yếu nhưng tính em lành quá, lại kém hòa đồng nên không có “đồng minh”. Ngay cả khi cô giáo hỏi, em cũng không dám nói. Mãi tới lúc mẹ em biết chuyện và đến trường, cô chủ nhiệm mới rõ việc hai mẹ con thoát khỏi người cha vũ phu chưa lâu. Với cô bé, việc bị ăn đòn và không được bênh vực đã trở nên quá quen thuộc. Vả lại, mỗi lần bị chồng bạo hành, mẹ em chỉ biết ôm mặt khóc nên em chẳng trông mong gì. Sợ mẹ thêm vất vả vì đang đơn thân nuôi mình, em càng không dám hé răng.

Về phần nam sinh “đầu têu”, cậu thường xuyên bị cha dạy bằng… thắt lưng và lời chửi mắng. Có lẽ vì ức chế nên cậu đã chọn cô bé hiền lành, khép kín nhất lớp để trút giận. Thật may, mẹ của nữ sinh và cô chủ nhiệm đã xử lý rốt ráo. Vụ bắt nạt chấm dứt nhưng khi đã đi làm, cô bé năm xưa chia sẻ: sẵn sàng tặng lại cho ai “xin một vé về tuổi thơ”, bởi đó là quãng thời gian mà tôi không bao giờ muốn trở lại.

- Tại một khu phố nhỏ, cứ chiều mát là lũ trẻ kéo nhau ra chơi đùa. Một bé trai còn quá nhỏ không tìm được nhóm chơi chung. Mẹ bé liền bảo mấy đứa trẻ lớn hơn cho em chơi cùng, bé đòi món đồ gì cũng nói: “Cho em mượn đi! Đừng ích kỷ thế!”. Cậu nhóc ỷ vào mẹ nên mỗi lần không “mượn” được hoặc chơi thua đều khóc ré lên để mẹ ra bênh. Khỏi phải nói, hễ thấy thằng nhóc và bà mẹ từ đằng xa, các anh chị vội lảng sang chỗ khác. Người mẹ đã biến con thành “cá biệt” trong nhóm trẻ ngay từ sớm.

Một cậu bé khác cùng khu phố có tật mè nheo, la hét, cay cú ăn thua nhưng ông bà cậu không hề dung túng. Thay vì bênh cháu bất chấp, ông bà luôn cứng rắn nhắc nhở mỗi khi cậu tỏ thái độ quá quắt với các bạn. Cậu bé ương ngạnh phải tự sửa mình để “hòa nhập cộng đồng”.

**

Ít ai biết rằng: hạt mầm của bắt nạt nảy từ trong… trứng! Khi thực hiện giáo dục bào thai trong bụng mẹ, mẹ bầu “thai giáo gián tiếp” bằng chế độ ăn uống lành mạnh, vận động nhẹ nhàng, tinh thần thoải mái, hành vi nhã nhặn và “thai giáo trực tiếp” cho thai nhi tiếp xúc với âm nhạc, sờ chạm, ngôn ngữ, ánh sáng, mỹ thuật, trò chơi… hình thành nhịp sinh hoạt tốt, giúp bé vui vẻ, hoạt bát, hòa hợp khi chào đời. Một đứa trẻ tự tin và đông bạn bè hiếm khi bị tẩy chay.

Nếu gia đình “bắt nạt” trẻ bằng cách ép ăn, nghỉ, bài tiết… trái với nhu cầu của con; khi “kỷ luật” còn nói: “Cha mẹ có thương mới dạy con nghiêm khắc”; đánh không cho con khóc/bỏ chạy; khi con có ý kiến trái chiều thì cho rằng con “bướng”, “cãi”, “hỗn”…, trẻ sẽ quen chịu trận hoặc hiếp đáp trẻ khác để bù trừ.

 

Ths-Bs Lan Hải

 

Ý kiến bạn đọc ()
Tin khác
Xem thêm