Thứ Ba, 09 Tháng Năm, 2023 19:41

Bắt nạt trong môi trường “tinh hoa”

 

Nhiều phụ huynh tin chắc rằng con mình phấn đấu thi vào trường chuyên lớp chọn/trường điểm sẽ có môi trường giáo dục tốt để trở thành người xuất sắc. Quả thật, một môi trường học đường “có điều kiện” sẽ giúp con tiếp xúc với nhiều kiến thức, kỹ năng và trải nghiệm sống hơn, nhưng hào quang càng rực rỡ thì bóng tối ẩn sau nó càng đậm.

Một nữ sinh được trời ban cho “combo”: xinh đẹp, nhà giàu, học giỏi. Suốt thời cấp hai, em quen với việc là tâm điểm, “hot girl” của cả trường. Lên cấp ba được một học kỳ, lớp em có học sinh mới chuyển đến. Bạn nữ này “con nhà bình dân” nhưng xinh xắn, thông minh, chăm chỉ, đã vậy còn hiền lành, khiêm tốn. Vị trí số một của em bị đe dọa vì bạn bè yêu quý học sinh mới hơn, thỉnh thoảng bạn còn đạt điểm cao hơn em và được người đẹp trai nhất lớp cảm mến. Vừa ghen tị vừa cay cú, nữ sinh nhà giàu liền lập bè phái để dằn mặt “lính mới” cho bõ ghét.

Có thể là đồ họa về một hoặc nhiều người và văn bản cho biết 'Sun PROJECT PROJEC patreon.com/mimi_n'

Hơn chục năm trước, trong lớp chuyên của một trường cấp hai nọ, mỗi tháng đều chấm điểm thi đua. Ai đứng nhất sẽ được thưởng và vinh danh trước cả lớp. Một nam, một nữ cùng so tài. Cuối tháng, cô giáo công bố nam sinh thắng, nữ sinh thua cuộc liền bật khóc. Người thắng cùng đám bạn thân còn trêu chọc “người đi sau hít khói” khiến cô bé tức tối. Tháng sau, nam sinh học giỏi kia có tang chứng trộm tiền của bạn, mất cả uy tín lẫn danh dự. Không ai biết chính cô bé thua cậu nhân giờ ra chơi đã lẻn vào lớp, lấy tiền trong cặp bạn gái cùng bàn nhét vào cặp “kẻ đáng ghét”. Việc gài bẫy thành công, cô loại được đối thủ nặng ký kiêm kẻ dám giễu cợt mình.

Đôi bạn thân nọ từ nhỏ luôn được phụ huynh ra điều kiện phải học giỏi và chơi điền kinh cừ. Một cô bé thường chỉ về nhì vì bạn kia có năng khiếu thể thao hơn và bị cha mẹ mắng mỏ thậm tệ. Trong một lần tập luyện, cô bé về nhì đã “vô tình” xô ngã bạn mình đến chấn thương để đoạt chiếc vé vào đội tuyển. Áp lực thi đua và lòng đố kỵ đã làm tâm tính cô bé trở nên xấu xí, cực đoan.

Khi đã lớn khôn, mở rộng tầm mắt hơn, nhớ lại những năm tháng nông nổi ấy, cô phát hiện thứ mà mình từng cố gắng giành giật và kiên trì giữ lấy giờ chẳng còn “to tát” nữa, chỉ có nạn nhân ôm nỗi đau âm ỉ mãi.

Nay thì bắt nạt và làm nhục bạn học còn được hỗ trợ và lan tràn bằng điện thoại di động, mạng xã hội, “thế giới ảo”…

Tâm lý học sinh lứa tuổi cấp hai, cấp ba vốn nhạy cảm, bất ổn, hay phóng đại cảm xúc của mình dù đó là niềm vui hay nỗi buồn. Khi người lớn tạo sức ép quá lớn lên các em, áp lực ấy sẽ nhân lên gấp nhiều lần. Một số em đã quen ở “chiếu trên” nhưng bị bạn khác nổi bật hơn thế chỗ, sự tức tối và ghen ghét sẽ thúc đẩy các em làm ra những chuyện khó lường, thậm chí bạo lực với chính mình.

Tại các trường “ngon lành”, học sinh thường đặt mục tiêu du học hoặc vào các đại học tốp đầu nên không khí học tập, luyện thi khá áp lực. Học sinh bị bủa vây trong kỳ vọng của gia đình, thầy cô và “tỉ lệ chọi” với các học sinh khác, có bạn không chịu nổi đã phải tìm đến bác sĩ hoặc nhà tư vấn tâm lý học đường; có bạn đi bắt nạt bạn bè để tìm cảm giác cân bằng, để thấy mình có quyền lực trên người khác. Bởi vậy, ngay cả trong ngôi trường “tinh hoa” cũng có nạn bắt nạt, có khi còn khốc liệt hơn những ngôi trường bình thường.

*

Giáo dục phải đi bằng hai chân: tâm trí và tâm hồn, nếu chỉ tập trung vào một chân sẽ khập khiễng, thậm chí bị... thọt. Nhiều ngôi trường có dòng chữ: “Tiên học lễ, hậu học văn” nhưng hầu như chỉ tập trung vào “văn” mà không còn giờ để trau dồi “lễ”; nói là “giáo dục tâm trí toàn diện” nhưng vẫn bị “lệch”, thiên về môn tự nhiên và ngoại ngữ hơn là học về văn chương nghệ thuật, lối sống.

Nhồi nhét kiến thức quá nhiều, xem nhẹ giáo dục tâm hồn dẫn đến nhiều hệ lụy trong học đường:

* Một số “người lớn xấu xí” khi thấy “gà” của mình không đủ “trí” thì lấp đầy bằng những thứ khác (nâng điểm, mua điểm, chạy chọt, nịnh hót…).

* Triệt tiêu khả năng phán đoán, suy xét, cảm nhận, ra quyết định.

* Giảm lòng tin vào lòng tốt, tình yêu thương con người.

* Dễ hình thành lối sống vị  kỷ và suy nghĩ tiêu cực.

* Kỹ năng lắng nghe và quản lý cảm xúc giảm.

 

Một số gia đình đã “tuyên chiến với bạo lực học đường”: giảm tải trên con, tìm bạn cho con, bổ sung giáo dục tâm hồn bằng cách cho con học thêm nhạc họa; cho con hòa mình với môi trường thiên nhiên mỗi kỳ cuối tuần, nghỉ lễ, hè; dạy con biết yêu động vật, vạn vật; tôn trọng sự sống… Điều quan trọng nhất, dạy con tôn trọng sự khác biệt, và để trái tim mình thật cởi mở để nhìn thấy cái đẹp trong những điều bình thường và những điều không hoàn hảo.

 

Ths-Bs Lan Hải

 

Ý kiến bạn đọc ()
Tin khác
Xem thêm