Thứ Tư, 07 Tháng Mười Hai, 2022 19:03

Bí ẩn vụ trộm tiền vàng cổ

 

Trong vụ đột nhập mới đây tại một bảo tàng ở miền nam nước Ðức, bọn trộm chỉ mất 9 phút để lấy đi số tiền vàng cổ trị giá khoảng 1,65 triệu USD (hơn 39,4 tỷ đồng).

Đài CBS News ngày 25.11.2022 dẫn lời giới hữu trách Đức cho biết hung thủ đứng sau vụ trộm tiền vàng cổ từ Bảo tàng Celtic và La Mã thuộc thị trấn Manching (bang Bavaria) vào ngày 23.11.2022 chỉ mất vỏn vẹn 9 phút để đột nhập, lấy 483 đồng tiền vàng và rời khỏi hiện trường. Điều này cho thấy vụ trộm xuất phát từ một băng tội phạm có tổ chức.

Bảo tàng Celtic và La Mã

Vụ đột nhập trong 9 phút

Cảnh sát đã mở cuộc điều tra trên phạm vi quốc tế nhằm tìm kiếm tông tích hung thủ và số tiền vàng cổ từ thời Celtic, với niên đại khoảng 100 năm Trước Công nguyên. Kho báu vô giá, bao gồm 483 đồng tiền và một thỏi vàng được cho là dùng để đúc tiền, đã được tìm thấy trong quá trình thực thi dự án khảo cổ gần khu vực hiện là Manching vào năm 1999. Tổng trọng lượng của các đồng tiền và thỏi vàng vào khoảng 4 kg.

Ông Guido Limmer, Phó Giám đốc Văn phòng Cảnh sát Hình sự bang Bavaria, cho biết vào khoảng 1 giờ 17 rạng sáng 23.11, đường dây cáp ở trạm viễn thông cách bảo tàng hơn 1 cây số đã bị phá hoại. Hậu quả là toàn bộ hệ thống liên lạc, viễn thông tại khu vực đã bị cắt đứt. “Bọn chúng ngắt hệ thống liên lạc của toàn thị trấn Manching”, theo báo Süddeutsche Zeitung dẫn lời Thị trưởng Herbert Nerb.

Mạng lưới an ninh của viện bảo tàng ghi nhận một cánh cửa đã mở ra vào 1 giờ 26 vào thời điểm bọn trộm lẻn vào. Đến 1 giờ 35, cánh cửa lại mở và lần này bọn chúng rời đi. Trong vòng 9 phút đó, bọn trộm đã phá vỡ tủ trưng bày và lấy đi toàn bộ đồng tiền và vàng thỏi. Ông Markus Blume, bộ trưởng khoa học và nghệ thuật bang Bavaria, cho biết những chứng cứ tại hiện trường cho thấy đây là kết quả của những kẻ tội phạm chuyên nghiệp.

“Rõ ràng chuyện đi vào viện bảo tàng và lấy cắp kho báu không hề đơn giản. Bảo tàng Celtic và La Mã là nơi an ninh cao, và vì thế chúng tôi nghi ngờ hung thủ phải là thành viên của tổ chức tội phạm nào đó”, ông Blume phân tích. Vào thời điểm vụ trộm xảy ra, bảo tàng không có bảo vệ gác đêm. Cáp viễn thông bị cắt đứt, còn phía cảnh sát bị đánh lạc hướng và chuyển sang tuần tra xung quanh khu vực các ngân hàng. Không ai ngờ rằng mục tiêu của bọn chúng lại là viện bảo tàng.

Cảnh sát tìm kiếm chứng cứ

Kho báu vô giá

Ông Rupert Gebhard, người đứng đầu Bộ sưu tập khảo cổ bang Bavaria ở Munich, đánh giá kho báu tiền cổ có giá trị lớn lao cho cộng đồng địa phương của Manching và đối với các nhà khảo cổ học trên khắp châu Âu. Những đồng tiền vàng hơn 2.000 năm được đúc từ vàng khai thác trên sông Bohemian, và là bằng chứng cho thấy cộng đồng định cư Celtic ở Manching có sự liên hệ khắp châu Âu.

Ước tính giá trị trên thị trường của kho báu này vào hơn 39,4 tỷ đồng (khoảng 1,65 triệu USD). Thế nhưng, sự tồn tại của chúng là vô giá đối với các nhà khảo cổ học. “Các chuyên gia khảo cổ hy vọng số tiền vàng vẫn duy trì được nguyên trạng và có thể tái xuất vào thời điểm nào đó trong tương lai”, ông Gebhard nói. Trộm được tiền cổ là một chuyện, bán được hay không là chuyện khác, nhất là khi từng đồng tiền trong vụ đột nhập ở Đức có độ nhận dạng rất cao. Giới chuyên gia lo sợ viễn cảnh xấu nhất là bọn tội phạm có thể nung chảy các đồng tiền, đồng nghĩa kho báu này vĩnh viễn biến mất trong dòng lịch sử. Số vàng thu được từ việc nung chảy chỉ vào khoảng 250.000 euro theo thời giá trên thị trường châu Âu.

Tủ kính bị nhóm tội phạm đập vỡ 

Theo ông Gebhard, quy mô của kho báu cho thấy nó có lẽ là “rương vàng dùng cho chiến phí” của một tù trưởng. Nó được tìm thấy bên trong một cái túi chôn bên dưới móng của tàn tích cổ. Đây cũng số tiền vàng nhiều nhất từng được phát hiện trong một cuộc khảo cổ trên lãnh thổ Đức trong thế kỷ 20.

Phó Giám đốc Sở cảnh sát Limmer cho biết thông tin về vụ trộm đã được chuyển cho Tổ chức Cảnh sát Hình sự Quốc tế (Interpol) và Tổ chức cảnh sát châu Âu (Europol). Các bên liên quan đã thành lập đội đặc nhiệm, mật danh “Oppidum” theo tiếng Latinh của tên một khu định cư Celtic, để phá vụ án này. Ông Limmer cũng lưu ý dường như có sự tương đồng giữa vụ đột nhập bảo tàng Manching và vụ trộm tiền vàng ở Berlin cũng như vụ lấy đi số trang sức trị giá tỷ đô ở Dresden (Đức). Trong đó, sự vụ ở Dresden vào năm 2019 có lẽ là vụ trộm đồ trang sức lớn nhất trong lịch sử, với nhiều bảo vật của hoàng gia Đức bị lấy đi. Cả hai vụ trộm ở Berlin và Dresden đều bị nghi ngờ xuất phát từ một tổ chức tội phạm gia đình có hang ổ ở Berlin.

“Đến nay vẫn chưa rõ các vụ trộm có liên quan với nhau hay không. Thế nhưng điều chắc chắn là chúng tôi đang phối hợp với các đồng nghiệp quốc tế để điều tra mọi ngóc ngách có thể”, ông Limmer nhấn mạnh.

Số tiền vàng trước khi bị trộm

 

 

BẠCH LINH

 

Ý kiến bạn đọc ()
Tin khác
Xem thêm