Thứ Tư, 09 Tháng Mười, 2019 16:07

Bộ lọc…

 

Giới đầu tư đất đai cò con và cả một số người dân “tay ngang” có “làm ăn” trong vụ lừa đảo bán nền nhà ảo của công ty Alibaba mấy tuần qua đã ngả nghiêng, lo lắng vì bị “kẹt” ít nhiều tiền của trót đóng vào cho công ty này. Chuyện Alibaba lừa bao nhiêu ngàn tỷ, mức độ vi phạm pháp luật ra sao, chắc chắn các cơ quan chức năng sẽ làm rõ trong thời gian tới. Tuy nhiên, sau vụ việc này, đã đọng lại nhiều nghĩ suy cho cả những nạn nhân lẫn người không liên quan. Câu hỏi lớn nhất vẫn là tại sao một công ty tư nhân “không mẩu giấy lận lưng” để chứng minh có các dự án, vẫn có thể lừa được 6-7 ngàn người đóng tiền mua nền nhà ảo ?

Kết quả hình ảnh cho bat dong san

 

Nguyên nhân đầu tiên được nêu ra là do người có ý mua bất động sản ở phân khúc này thường không nắm rõ các nguyên tắc, luật lệ hay các loại giấy tờ liên quan đến việc mua - bán đất đai, cụ thể là đất nền dự án. Do vậy đã không có sự cảnh giác đủ để truy hỏi các hồ sơ phải có trước khi đóng tiền mua như văn bản chấp thuận cho làm dự án nhà ở; quy hoạch chi tiết được phê duyệt; các loại hồ sơ về giao thông, hạ tầng… Họ chủ trương mua để đó làm của, dự trù cất nhà trong tương lai… nên dễ nghe theo các lời hứa “sẽ có sổ” hay tốc độ tăng giá đất được vẽ vời. Nhóm người bị lừa đầu tiên chắc phần lớn là dân lao động nghèo, người nhập cư, các cặp vợ chồng trẻ vừa ra riêng… mơ ước về một nơi an cư để lạc nghiệp. Nhóm thứ hai là người mua để bán lại, coi chuyện mua đất như cách thức kinh doanh bao mặt hàng khác, tin vào các con số lãi hai mấy phần trăm một năm; họ có thể là giới hưu trí, người già, bà con có tiền nhàn rỗi hoặc cá biệt là thân nhân, người quen của những người làm cho Alibaba, bị cuốn vào vòng xoáy kiểu kinh doanh đa cấp.    

Dù tất cả các trường hợp vừa kể bị gạt trong hoàn cảnh nào thì cũng là đáng thương. Có ý kiến nói rằng Alibaba đã đánh vào lòng tham của người khác để lừa đảo. Xin mở ngoặc nói ngay, đây là nhận xét dễ phát ngôn nhưng không hẳn đã đúng, vì rằng, không ai quăng ra một cục tiền - dù lớn hay bé - mà không có một niềm cậy dựa để xác tín tính chắc chắn của đồng tiền mình bỏ ra. Chỉ tiếc là ở đây, niềm tin của các nạn nhân đã đặt không đúng chỗ, và quan trọng hơn, họ đã không được “lọc” rủi ro trước. 

Nói đến “bộ lọc”, ngoài từ người am hiểu, bạn bè..., theo chúng tôi, còn phải nhắc đến một “màng lọc lớn” khác là công tác quản lý nhà nước về đất đai, về kinh doanh bất động sản…, ngay tại các địa phương có những dự án của Alibaba. Ðầu tiên là chuyện Alibaba đã ngang nhiên làm hạ tầng trên những mảnh đất nông nghiệp ở một số nơi. Nói thật, với đất nông nghiệp, chỉ cần người dân đổ một xe cát cất cái nhà tạm vài mét vuông mà không có phép là đã được thanh tra xây dựng hay địa chính cấp phường xã đến truy vấn, xử phạt. Do đó, không thể nói không hay biết khi công ty lừa đảo này rầm rộ làm đường, đặt cống, bó vỉa hè… trên hàng hecta đất nông nghiệp, khiến người mua khi đến đây “chắc mẩm” đó đúng là một dự án phân lô bán nền mà chi tiền, chứ không mảy may nghi ngờ về một trò ma mãnh để lừa đảo, chiếm đoạt… Rồi nữa, khi chưa bị đóng cửa, Alibaba đã tổ chức quảng cáo rầm rộ, từ các bảng lớn dựng trên QL51 (đường từ Ðồng Nai ra Bà Rịa - Vũng Tàu) đến phát tờ rơi ở một số nơi, từ các trụ sở chân rết và công ty con đến văn phòng giao dịch dựng ngay đất “dự án” luôn đông đúc người ra kẻ vào…, nếu việc quản lý tốt, có sự kiểm tra kịp thời… quá trình kinh doanh của họ ở mảng này theo các Luật đầu tư, Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch, Luật kinh doanh bất động sản..., thì vụ việc có lẽ đã lộ ra sớm vì những “dự án” mà Alibaba vẽ ra đều không có thật, không thể tách thửa, chuyển đổi mục đích sử dụng đất sang đất ở, như họ đã “phỉnh” để bán cho người mua.

Nói chung, trong nhiều lãnh vực của đời sống, vẫn còn rất cần những sự cảnh báo, hướng dẫn, “lọc” độ minh bạch từ nhiều phía, để người dân và tài sản của họ luôn được bảo vệ.

Công giáo và Dân tộc

Ý kiến bạn đọc ()
Tin khác
Xem thêm