11 quyển làm thành bộ sách Nghệ thuật sống (NXB Ðại học Quốc gia TPHCM 2018), được xếp đặt ngay ngắn trong chiếc hộp như một món quà tặng xinh xắn, do linh mục Vinh Sơn Nguyễn (Dòng Thánh Tâm Chúa Giêsu, SCJ) thực hiện trong 2 năm, với sự cộng tác của linh mục Joseph Phạm, SCJ. Ðây là bộ sách được ra đời trên nền tảng cuốn “Cơ sở giáo dục nhân bản” mà cha Vinh Sơn đã biên soạn và xuất bản trước đó.
Quyển nằm giữa trung tâm của bộ sách này được gọi là tập “Bản lề”, đây như một quyển chủ đạo để từ đó, tác giả phát triển thêm những tập còn lại với các tựa đặt theo 10 giá trị văn hóa Nhân - Nghĩa - Lễ - Trí - Tín - Cần - Kiệm - Liêm - Chính - Dũng.
![]() |
Tập “Bản lề”, theo tác giả, vì phải làm việc với một khối lượng kiến thức lớn, đa dạng nên trước khi đi vào chi tiết từng bài, lại có một bài tóm gọn nội dung cho người đọc dễ hiểu. Tập này được chia làm 2 chương. Nội dung của chương I (Nhân cách và văn hóa) nói về mối tương quan giữa văn hóa và nhân cách, được thể hiện rõ hơn qua 5 bài. Và chương II (Hình thành quốc gia, văn hóa và nhân cách Việt), nghiên cứu một nền văn hóa cụ thể - văn hóa Việt Nam; tìm về bản sắc văn hóa dân tộc Việt; quan tâm đến những sắc thái đặc trưng trong quá trình hình thành và phát triển đất nước, mang tính ổn định, chi phối sâu sắc đến tâm lý, tính cách con người Việt Nam. Ðó là những bài học nhân cách, nhân bản Việt Nam, được trình bày cụ thể qua 6 bài.
10 chuyên đề tiếp theo, tác giả đi vào nghiên cứu chi tiết văn hóa Việt Nam qua hệ giá trị, chuẩn mực đạo đức, cách sống góp phần hình thành nhân cách của các thành viên, những đặc tính riêng mang tính cách “lễ nghĩa” có truyền thống, có tính mở hội nhập. Ở mỗi tập trong 10 chuyên đề này, tác giả chuyển tải những ý niệm phổ quát hay ý nghĩa của từng chữ Nhân - Nghĩa - Lễ - Trí - Tín - Cần - Kiệm - Liêm - Chính - Dũng; hoặc những lời dẫn nhập để từ đó đi sâu qua các bài tiếp theo với sự phân tích, liên hệ, minh chứng từ thực tế... Trong những bài học hay suy niệm, tác giả Vinh Sơn Nguyễn không chỉ dẫn dắt những giá trị văn hóa Ðông - Tây - Kim - Cổ nói chung mà còn chuyển tải cả văn hóa Kitô giáo, như một cách thông truyền cho bạn đọc một nền văn hóa yêu thương, nhân đạo. Như trong tập “Nhân”, khi phân tích “Truyền thống nhân ái Việt Nam được bồi đắp bởi triết lý nhân ái của các tôn giáo” (bài 2, chương I), tác giả cho thấy “Kitô giáo coi trọng đức bác ái, đây là trung tâm điểm của việc thực thi giáo lý: ‘Yêu mến là chu toàn lề luật’ (Roma 13,10)...” hay “Chính vì sự giáo dục đức ái là trung tâm và con người được tinh luyện trong đức ái, giáo lý Kitô đã thúc đẩy biết bao Kitô hữu bước theo chân thầy Giêsu sống lý tưởng bác ái...”. Tiếp theo những dòng này, linh mục Vinh Sơn Nguyễn kể ra những nhân vật Công giáo tiêu biểu đã sống và làm chứng cho đức ái như Cha thánh Ðamiên, Ðức cha Cassaigne - những vị “tông đồ của người phong”, hay Mẹ Têrêsa Calcutta, cả đời đã phục vụ bao người nghèo khổ, đau bệnh trong yêu thương... Có những bài, bên cạnh trích dẫn các câu châm ngôn, câu nói của các danh nhân, người đọc còn thấy tác giả dẫn ra những câu Kinh Thánh hay giáo lý Công giáo liên quan tới vấn đề đang bàn...
Tác giả Vinh Sơn Nguyễn là bút danh của linh mục Vinh Sơn Nguyễn Cao Dũng. Trong tập sách “Cơ sở giáo dục nhân bản” (NXB Ðại học Quốc Gia TPHCM), cha còn lấy bút danh Nguyễn Vinh Sơn. Cha Vinh Sơn hiện đang là Tổng Thư ký Ủy ban Giáo dục trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam, Tổng Thư ký Học viện Công giáo Việt Nam. Là vị mục tử rất tâm huyết với văn hóa và giáo dục nên việc viết sách cũng là cách cha chọn để chuyển tải những suy tư của người làm giáo dục đến với nhiều người, đặc biệt là thế hệ trẻ.
LIÊN GIANG
Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, tòa soạn sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng cgvdt.vn của mình.
Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn”.
Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Công giáo và Dân tộc.