Thứ Tư, 25 Tháng Năm, 2022 15:51

Bokor, ngày mưa không ngưng

 

Khi người Pháp đến Bokor, họ đã kịp xây dựng một sòng bạc năm tầng và một nguyện đường. Sau vài chục năm, khung sườn công trình sòng bạc trên ngọn đồi như một bộ xương khủng long mục rã, còn ngôi giáo đường thì neo vào trời xanh hơi thở của hoang phế.

 

Bokor khiến lữ khách nhớ về Đà Lạt, Bạch Mã, Sapa hay Bà Nà... - những vùng cao nguyên giữa xứ Đông Dương mà người Pháp từng khám phá, chịu quyến rũ và để lại ít hay nhiều dấu ấn. Nhưng so với những thị tứ, đô thị nói trên, Bokor có quy mô quá nhỏ bé. Nhỏ bé và cô đọng tới mức, những gì còn lại hôm nay quá rõ ràng phơi ra giữa thanh thiên bạch nhật cái nhu cầu của những người trên đường chinh phục thuộc địa miền nhiệt đới: sòng bạc để giải khuây kiểu thế tục và nhà thờ cho nhu cầu tâm linh hướng thượng.

Khi tôi bước vào trong khung nhà hoang phế, thì một vòm mây lớn từ biển dạt lên khung trời vốn đã chùng nặng, phủ xuống núi đồi một cơn mưa dày hạt. Những bờ tường nhô ra không đủ che chắn từng vạt hắt chéo của vô vàn mũi tên nước. Một trận mưa quá đỗi bình thường như mọi trận mưa nhạt nhẽo trong cuộc đời, vậy mà mưa ở Bokor lại ngỡ như là biểu hiện của một cuộc giằng xé gay cấn của đất trời. Sấm sét nháng cháy những vệt dài trên lưng chừng vực biển. Những tia sét hung hãn bùng lên rồi tan trong hư không đang cô đặc trong giá buốt. Nước xâm chiếm tầng trời và mặt đất. Nơi chúng tôi đứng chôn chân hồ như lung lay và chao đảo bởi sóng biển ầm ầm dội vào những ghềnh đá dưới chân vực chiều thẳng đứng. Có lẽ khung cảnh có bề cuồng nộ và cường điệu thái quá đó của tự nhiên cũng đã khiến nhiều người khổ sai xứ An Nam khi đến đây, nghĩ mình rơi vào một cuộc lưu đày thực sự. Còn những kẻ sống sót lâu năm trong chốn hoang vu này thì tha hồ thêu dệt các lớp chuyện về một thế giới nhuốm màu huyền thuật, bùa ngãi...

Bokor trong tiếng Campuchia là Con Bò (có lẽ hình ảnh vực núi bên biển ở đây khá giống với dáng sườn u của một con bò!) còn người Việt thì quen gọi là núi Tà Lơn. Tà Lơn hay Bokor cũng đều là những cái tên gợi nhớ chốn rừng thẳm xa xăm ngoại biên của thực tại.

Người Pháp khi lập sòng bạc, có lẽ họ đã có những tham vọng lớn hơn về một ốc đảo của những trò tiêu khiển đỏ đen. Chẳng biết bao nhiêu cuộc đỏ đen đã diễn ra trong cái khối nhà bây giờ chỉ còn là một khung sườn hoang phế. Chẳng biết bao nhiêu kẻ nuôi hy vọng giàu sang sau canh bạc một đêm trên ốc đảo hoang vắng của xứ nhiệt đới và bao nhiêu kẻ đã thẫn thờ đứng nhìn mây bay qua vực biển khi trắng tay trong chớp mắt. Họ - những người da trắng trong cuộc chinh phục thuộc địa - thắng và thua trong cùng canh bạc liệu có ngồi cùng nhau trên băng ghế của ngôi nguyện đường cổ kính kia?

Ngôi nguyện đường được xây như một hòm bia có tháp nóc thánh giá. Vẻ thâm u trầm mặc của nó qua thời gian tạc vào trời mây một nét thâm nghiêm mà vững chãi. Một thế đứng cân bằng ở lưng chừng đồi. Những khối thánh giá trên mặt đứng, những bờ tường dày có viền đắp nổi của mặt ngang, những cửa sổ nhìn ra vạt rừng hiu quạnh..., tất cả vẻ ngoài đó dường như là một sự thách thức trước thời gian, dẫu nội thất của nó từ lâu đã trống rỗng. Một vài bức tượng có lẽ đã được dựng lên tạm bợ và tự phát. Một số mảnh vỡ thánh tượng nhiều kích cỡ có thể nhìn thấy trên nền đất đá ẩm mốc, cạnh những hộp cơm, túi nilon và chai nhựa - rác thải du lịch vương vãi ngổn ngang.

Bên trong nguyện đường Bokor

Lại một cơn mưa phong kín ngôi nguyện đường. Trong không gian như muốn nhấn chìm bởi bụi nước, cánh rừng dường như bị tẩy xóa, chỉ còn độc một tháp chuông nổi lên trong mắt lữ khách. Đây là lúc lữ khách nhìn thấy rõ nhất sự xâm chiếm của rêu trên bề mặt công trình. Rêu như một binh đoàn hùng hậu đang ngấm ngầm xâm nhập và kiên trì xóa mờ mọi đường nét. Rêu ở đây có sắc ửng đỏ, có lẽ một phần bởi hơi nước có vị mặn của gió biển. Dù là rêu đỏ hay rêu xanh, thì chúng, đạo binh thiện chiến và lặng thầm đó chẳng phải điểm tô cho những thành tựu mà con người dựng nên đâu, ngược lại, là bào mòn chúng và tạo ra cuộc hủy hoại êm đềm.

Lữ khách làm dấu thánh giá và theo lối mòn đi lên ngọn đồi, để một lần nữa, phóng mắt nhìn toàn cảnh ngôi nguyện đường, hậu cảnh xa xa là sòng bạc. Cả hai đều mờ ảo trong màn mưa.

Ở cao điểm này, có thể nghe trong tiếng gió rít những vọng âm xa vắng. Con người thật lạ lùng. Trong hành trang của những chuyến du hành là nỗi khát khao phiêu lưu thiêu đốt nơi những trò sát phạt rủi - may, được - mất bên cạnh hòm bia của đức tin đổ rêu theo năm tháng.

Kẻ lữ hành năm xưa có lẽ cũng như những lữ khách thời nay mà thôi, dù căn tính giống nòi và bối cảnh lịch sử có những dị biệt. Đêm đến, trong resort duy nhất giữa rừng núi Bokor, một đám khách Sài Gòn rủ nhau đi tìm máy đánh bạc để đốt cháy cơn nhàm chán. Sau khi để cho các cỗ máy vô tri làm nhẹ túi mình bằng những ván bài nhạt nhẽo, nhóm khách lại đi xả xui ở quầy bar khuya. Nhiều người vẫn hy vọng sẽ tìm thấy ở đó một bóng hồng chốc lát trên đường viễn du.

Càng về khuya, trời càng lạnh. Những cơn mưa vẫn nối tiếp nhau sau những đợt gió xiết. Trời đất, cỏ cây Bokor vẫn giằng xé ngay cả trong mịt mùng bóng đêm.

Ở quầy bar, cô gái gốc Việt tâm sự rằng em đã từng hát cho một quán cà phê Sài Gòn trong vài năm, sau đó nghe theo lời bạn bè, sang Phnôm Pênh làm việc trong một hộp đêm và bây giờ thì lại trôi dạt về Bokor. Ở đây buồn, nhưng nghề hát trong bar thì ở đâu mà chẳng buồn, chỉ có khác nhau chỗ tiền ít hay tiền nhiều.

“Cây thánh giá ư?”, em hỏi lại. “Anh thấy nó lạ quá phải không? Nó chỉ là trang sức. Em không có theo đạo đâu mà. Em chỉ đeo nó, vì thích cái hình của nó và có khi em cũng tin nó bảo vệ mình”.

Em nói rằng mỗi khi đến một chốn lạ, mình cần mang theo một vật gì đó giúp vững lòng. Cây thánh giá em đang đeo là một vật như vậy. Em chẳng biết gì về nó. Nhưng em biết nó sẽ tỏa ra một thứ năng lượng giúp em thoát khỏi mọi hiểm nguy.

“Có hiểm nguy ư?”, lữ khách hỏi.

“Có chứ, nhiều chứ. Bạn bè em nhiều đứa hôm qua hát ở quầy bar, bây giờ ra đứng đón khách ở dưới mấy cột đèn Phnôm Pênh. Em không muốn mình bị như vậy”, cô gái cúi đầu nói.

“Mà không chắc là hiểm nguy phải không”, cô gái cười, nụ cười lóe lên vẻ bất cần. “Nhiều khi em lại nghĩ có khi tụi nó sướng thí mồ!”.

 

Đêm đó, khi cô gái trẻ đang hát và ban nhạc chơi bản Kiếp nghèo của Lam Phương phục vụ đám khách Sài Gòn thì bỗng hệ thống âm thanh trục trặc. Loa phát nhạc im bặt. Sau một vài giây, trong thùng loa vọng ra một thanh âm lạ. Một tiếng rú thét thất thanh. Người chỉnh âm thanh loay hoay vặn những núm đèn xanh đỏ trên âm-li và thay mic-rô. Nhưng tiếng rú thét đó lặp lại một lần nữa. Cô gái rời sân khấu. Ban nhạc tạm nghỉ. Không ai hiểu vì sao lại có tiếng thét đó. Một người trong nhóm tìm cách lý giải rằng, đó chỉ là tiếng nhiễu âm của một con thuyền đánh cá nào đang ở ngoài khơi. Một tín hiệu âm thanh đi vào trường sóng nhiễu động của thiết bị thu phát. Sự nhiễu tín hiệu đó cũng dễ hiểu và không có gì bí hiểm cả. Nhưng cô gái lưu lạc thì bắt đầu tin rằng có gì đó không may.

Cô nhấp một ngụm cocktail nặng và nói với khách lạ rằng, anh thấy không, ở đây có nhiều chuyện thật khó tin. Và người ta sẽ tìm mọi cách để giữ vững lòng mình mà sống, phải không? 

 

NGUYỄN VĨNH NGUYÊN

[Trích từ bản thảo

Ngang qua Vườn Cây Dầu]

 

Ý kiến bạn đọc ()
Tin khác
Xem thêm