Khi hay tin vợmang thai, chắc hẳn những ông chồng lầnđầu tiên làm bố sẽ không khỏi hân hoan, vui mừng. Bên cạnhnhững cảm xúc lâng lâng khó tả thì tính cách của họ ít nhiều cũng thay đổi. Tuy mỗi người một vẻ, nhưng chung quy vẫn theo hướng tích cực, lo toan cho một vai trò mới mà mình sắp đảm nhận.
Anh Thanh Hùng (ngụ Q.5, TPHCM), nhân viên một cơ quan liên doanh với nước ngoài, cưới vợ đã 5 năm mới có con đầu lòng. Anh từng nhờ đến y học giúp đỡ, từng chờ đợi mỏi mòn và cũng đã bao lần buồn bã khi bị bạn bè nói kháy, soi mói về chuyện “hiếm muộn”… Thế nên khi được tin vợ mang thai, Hùng hét toáng lên trong niềm vui sướng tốt độ. Cũng từ đó, anhgiống nhưđứa trẻ ngoan ngoãn lạ thường. Mỗi khi tan sở, không la cà nữa mà chỉ mong cho chóng về nhà, áp sát vào bụng vợ để trò chuyện với con mình. Bà xã sai gì anh cũng làm theo, không dám cãi “lệnh”. Anh không cho vợ làm bất cứ việc gì nặng nhọc mà dành phần mình, bởi sợ sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của hai mẹ con. Khi chị thèm bát cháo gà, dù đã quá khuya, anh cũng cố chạy tìm mua cho bằng được với niềm vui khấp khởi. Bạn bè rủ rê đi nhậu, anh đều khước từ với lý do hết sức chính đáng: “Vợ tớ sắp sinh, không thể để tâm lý của nàng bị căng thẳng được”. Bất đắc dĩ lắm Hùng mới đi lai rai trong những cuộc ăn uống với đồng nghiệp khi có sếp tham dự.
Từ ngày vợ mang thai, xem ra anh Văn Cường (Q.Tân Bình, TPHCM) không còn là người đàn ông biếng nhác nữa. Nhớ thuở mới “rước nàng về dinh”, cậy nhà có của ăn của để, Cường không chịu lao động gì cả mà chỉ biết “nằm chờ sung rụng”. Ba mẹ Cường vốn cưng con trai nên không dám nói con làm gì. Sự chiều chuộng thái quá đã khiến cho anh chàng 26 tuổi đời này càng lười, ỷ lại hơn. Ngày nào vợ Cường cũng làm quần quật từ sáng cho đến khuya ngoài chợ với việc quản lý quán ăn, trong khi anh chỉ nằm lì ở nhà xem tivi, đọc báo, chơi game online, hoặc đi đánh bạc với bọn ăn không ngồi rồi trong xóm. Thấy chồng như thế, cô vợ thẽ thọt: “Anh không chịu làm việc, vậy sắp tới đây con mình chào đời thì lấy gì mà lo cho nó? Em và anh sao cũng được, nhưng phải biết hy sinh cho con chứ!”. Cường giật mình, ngỡ ngàng đưa mắt dò xét vợ: “Em có thai rồi sao? Thật chứ? Sao em không nói cho anh biết sớm hơn?”. Bà xã Cường cười yêu, thông báo tin vui: “Thật 100% đó chồng ạ!”. Anh mừng quá, nhảy cẫng lên: “Tôi sắp làm bố rồi!”. Bắt đầu từ hôm đó, anh không cho vợ đi làm vất vả bên ngoài nữa mà chỉ ở nhà lo việc cơm nước và dưỡng thai. Còn anh, lấy cái bằng Kinh tế “chưng tủ kiếng” lâu nay của mình để đi xin việc. Nhờ có người “đỡ đầu”, Cường nhanh chóng nhận được việc làm với mức lương tương đối. Cô vợ nghe tin này, mừng đến phát khóc vì thấy ông xã đã sửa tính. Ba mẹ Cường cũng vui lây khi cậu ấm đã biết chăm chỉ lao động, không còn lông bông như xưa.
Khi nghe vợ thỏ thẻ bên tai rằng “Em có thai rồi đó!”, anh Minh Hoàng (Q3, TPHCM) không khỏi giật mình. Cảm giác đó thật khó tả, lâng lâng pha chút khó xử và vẻ bối rối lộ rõ trên gương mặt Hoàng. Ðầu óc của anh hoạt động hết công suất để mường tượng ra đủ thứ chuyện trên đời về một đứa trẻ sắp chào đời và gọi mình bằng ba. Hoàng chợt rùng mình vì mọi chuyện dường như mới lạ quá, một sự lạ lẫm mà lần đầu tiên trong đời anh đón nhận được. Nhớ mới hôm nào mình chỉ là người chồng “trẻ con”, còn ham vui, hay đôi co với vợ vì những chuyện không đâu, thì nay đã khác. Bước ra ngõ, bà con hàng xóm đều hoan hỉ chúc mừng: “Sắp có cháu rồi phải không? Chúc mừng anh nha”. Vào cơ quan, các đồng nghiệp cũng vui vẻ: “Xem kìa, người ta sắp làm bố nên chững chạc ghê gớm. Trông y như ông cụ non vậy!”. Sang thăm nhà ba mẹ ruột, Hoàng cũng nhận được những câu khích lệ: “Cũng ra vẻ người cha rồi đó. Nhớ chăm sóc cho mẹ con nó thật tốt nhé!”. Anh bỗng thấy mình có trách nhiệm nhiều hơn, nặng hơn nhưng thấy lòng mình như ấm hơn…
***
Tâm lý của những người lần đầu làm cha vui là thế, từ một thanh niên vô tư, nhiều người đã có kế hoạch cụ thể cho vai trò mới như chú tâm vào công việc hơn, không bê tha hay hoang phí quá mức, biết lập quỹ tiết kiệm để lo cho con mình có cuộc sống đầy đủ. Cũng có người đăng ký tham gia sinh hoạt ở các lớp của những ông bố, bà mẹ trẻ hay tham khảo những quyển sách về nuôi dạy con tốt, nhằm rút ra nhiều kinh nghiệm quý báu trong việc làm cha.
Các chuyên gia tâm lý hôn nhân gia đình vẫn đưa ra lời khuyên cho các ông bố trẻ rằng tuyệt đối không nên suy nghĩ mông lung kiểu như “Liệu mình có là người cha tốt?” hay “Vợ mình có sinh con trai không?”... Hãy cân bằng tâm trạng bằng việc tự tin ở chính bản thân mình (dẫu có hơi mệt nhưng vui) và cứ nghĩ dù gái hay trai cũng mang giọt máu của chính mình. Hơn nữa, trong lúc vợ mang thai, người chồng tránh gây xung đột hay đùn đẩy công việc nội trợ quá nhiều cho vợ. Ðiều đó sẽ làm ảnh hưởng tâm lý, sức khỏe của người bạn đời và ngay cả đứa trẻ sắp chào đời. Những việc này chắc chắn không khó thực hiện đối với một ông bố biết yêu vợ và thương con mình.
ĐẶNG TRUNG THÀNH
Bình luận