Trong việc sưu tầm cổ vật, tôi vẫn nghĩ gặp được món đồ cổ ưng ý phải có cơ hội, hay nói theo giới sưu tầm thì đó là “cái duyên”.
Giới yêu và sưu tầm cổ vật còn truyền tụng câu “Quý vật tầm quý nhân”, họ đều tin như thế, có nghĩa là người say mê cổ vật, thực sự yêu cái đẹp, yêu văn hóa lại giàu có (không phải dân thủ lợi, chỉ nhằm mua rẻ bắn mắc kiếm lời), thường Trời cho gặp những món đồ quý, cổ vật quý giá ở lâu dài với người ấy, có khi truyền tử lưu tôn, con cháu coi như đồ gia bảo, giá cao mấy họ cũng không nhượng, không bán. Người viết có chút say mê sưu tầm các hiện vật văn hóa gồm cổ vật, tranh ảnh, sách báo... nhưng thực sự không phải “quý nhân” để mà “quý vật” tìm đến, cũng cảm thấy chẳng có tý “duyên nợ” nào. Thường khi có món “độc” nào, dân săn lùng mời gọi, giới thiệu với các đại gia trước, họ không “thỉnh” thì mới lọt ra chợ trời và chúng tôi đi lang thang, tình cờ gặp, thấy ưng thì thương lượng, kiểu như người ta vẫn bảo “lọt sàng xuống nia”.
Bức tranh “Trưa hè” của họa sĩ Nguyễn Dung |
Thông thường thì như thế, nhưng cũng không hiếm trường hợp ngoại lệ, “thánh nhân đãi kẻ khù khờ”, người viết muốn nói tới trường hợp vô cùng bất ngờ xảy ra cách nay 7 năm, đúng là “buồn ngủ gặp chiếu manh”.
Năm đó, nhân ngày di sản thế giới, có cuộc triển lãm lớn ở trung tâm Vân Hồ, Hà Nội. Người viết cùng với một số anh chị em trong Câu lạc bộ cổ vật TP Hồ Chí Minh được mời ra tham gia triển lãm. Chúng tôi có 7 người mang theo một số cổ vật xách tay ra trưng bày. Nhân những ngày ở Hà Nội, anh em được dịp làm quen với dân chơi đồ cổ của thủ đô, nhiều người trong nhóm họ có những bộ sưu tập đáng nể phục.
Một trong những nhà sưu tập cổ vật và tranh thuộc hạng “thường thường bậc trung” mà anh em miền Nam chúng tôi có duyên được giao lưu đó là ông Nguyễn Trường, cũng gọi là “Trường đầu bạc” vì ông đã cao tuổi (sinh năm 1939, mất năm 2019). Ông cũng có uy tín và chức vụ trong ban chấp hành Câu lạc bộ UNESCO Hà Nội. Ông có tiệm cà phê ở đường Quan Thánh, chúng tôi đến uống cà phê và cũng mua được một số hiện vật đặc trưng của miền Bắc, các cổ vật từ thời Lý, Trần, Lê, Hán, Ðông Sơn... Riêng tôi thì mua được một chiếc đèn đồng Ðông Sơn. Lúc này tôi chưa biết ông Nguyễn Trường chính là con của họa sĩ Nguyễn Dung (xuất thân từ trường Cao đẳng Mỹ thuật Ðông Dương, khóa 1934-1939).
Ít tháng sau, khi chúng tôi đã về Sài Gòn, một hôm nhà sưu tập tranh Lê Thuận tới thăm, khoe phòng tranh của anh, đồng thời cho biết anh rất thích bộ tràng kỷ kiểu Bắc bằng gỗ gụ của tôi và đề nghị đổi cho tôi một bức tranh của Nguyễn Dung lấy bộ ghế này. Chuyện hoán đổi thành công, khi trao tranh, anh còn tặng tôi bức hình phía sau có thủ bút của ông Trường đầu bạc, xác nhận bức tranh “Trưa hè” đích thực là của cha ông, tức họa sĩ Nguyễn Dung. Người viết quả thực tiếc bộ tràng kỷ đẹp nhưng cũng mừng vì được tranh quý.
Tạ ơn Chúa, Nhà truyền thống Tổng Giáo phận lại có thêm một “họa phẩm Ðông Dương” chính hiệu nữa!
LM Giuse Nguyễn Hữu Triết
Trưởng ban Mục vụ Văn hóa TGP.TPHCM
Bình luận