Ông sinh ngày 21.5.1915 tại làng Phú Xá, xã Phú Thượng, huyện Từ Liêm, Hà Nội. Mười lăm tuổi mồ côi mẹ. Hai mươi tuổi mồ côi cha. Tuổi thanh niên đầy sóng gió nhưng ông vẫn quyết chí học hành, đặc biệt trau dồi năng khiếu vẽ.
Năm 1936, ông thi đậu trường Cao đẳng Mỹ thuật Ðông Dương khóa XI (1936-1941) cùng với Nguyễn Tiến Chung, Hoàng Tích Chù, Nguyễn Văn Tỵ…
Cố họa sĩ Bùi Trang Chước |
Ông tốt nghiệp xuất sắc và được mời dạy tại trường Kiến trúc Ðà Lạt. Thời gian này, ông đã vẽ mẫu tem Nam Phương Hoàng Hậu và tem Hoàng Thân Norodom Sihanouk, những con tem rất giá trị đối với dân chơi tem.
Ra trường được 4 năm, ông quay lại Hà Nội dạy tại trường Mỹ thuật Hà Nội. Năm 1951 - 1952, Bùi Trang Chước được điều về nhà in ngân hàng vẽ giấy bạc Chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa. Sau đó, ông sang làm việc tại Ban Pháp chế Phủ Thủ tướng, chuyên vẽ các bằng khen, huân chương, huy chương chính phủ.
Ngày 10.10.1954, ông làm chuyên gia tại nhà in ngân hàng thuộc Vụ Phát hành Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, làm giảng viên Ðại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội cho tới tuổi nghỉ hưu vào năm 1976.
Theo họa sĩ Ngọc Linh, Bùi Trang Chước là con người hiền lành, đức độ, hăng say lao động, sáng tạo, không màng công danh, lợi lộc, được đồng nghiệp và học trò trân quý vì cả đời đã thầm lặng cống hiến cho đất nước.
Quốc huy hiện nay được Quốc hội Việt Nam khóa I phê chuẩn từ mẫu quốc huy do Chính phủ đề nghị, mẫu này do Bùi Trang Chước vẽ và Trần Văn Cẩn chỉnh sửa.
Mẫu quốc huy Việt Nam chính thức được ban hành vào ngày 14.1.1956 |
Trong di bút “Tôi vẽ mẫu quốc huy” ngày 26.4.1985, ông cho biết ý nghĩa biểu tượng: Quốc huy hình tròn, hai bên xung quanh là các bông lúa, có mấy bông phía dưới rũ vào trong ôm cái đe ở giữa phía dưới, tượng trưng cho nền Công nông Việt Nam. Dưới đe là dải lụa có hàng chữ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, phía trên ở giữa là ngôi sao vàng năm cánh trên nền đỏ. Bản mẫu trình Bác Hồ duyệt, Bác cho ý kiến: “Cái đe là hình ảnh nền công nghiệp cá thể, nên dùng hình ảnh tượng trưng công nghiệp hiện đại”. Mẫu đã được chỉnh sửa, thay vì cái đe là một bánh xe công nghiệp bằng thép.
Tháng 9.2004, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã có công văn chính thức thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ như sau: “Mẫu quốc huy là một cống hiến chung của giới mỹ thuật cách mạng Việt Nam, trong đó phải kể đến công lao của họa sĩ Bùi Trang Chước, người đã vẽ những mẫu quốc huy để làm cơ sở lựa chọn, hoàn thiện và họa sĩ Trần Văn Cẩn đã chỉnh sửa, hoàn thiện theo chỉ đạo của cấp trên để trình Quốc hội duyệt”.
Ngày 27.2.1992, Bùi Trang Chước mất tại Hà Nội, hưởng thọ 76 tuổi.
Từ ngày 27.4 đến 21.5.2004, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III đã trưng bày hơn 1.000 tác phẩm gồm mẫu quốc huy, tem, tiền, huân huy chương của Bùi Trang Chước. Sau triển lãm này, từ ngày 25.8 đến 6.9.2020, công chúng lại được chiêm ngưỡng các mẫu phác thảo này trong cuộc trưng bày lần 2 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (Hà Nội).
LM Giuse Nguyễn Hữu Triết
Trưởng ban Mục vụ Văn hóa TGP.TPHCM
Bình luận