Thứ Tư, 30 Tháng Mười Một, 2022 17:15

Các tôn giáo ký kết chương trình bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu

 

Ngày 25.11.2022, tại TPHCM, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng với Bộ Tài nguyên và Môi trường và 43 tổ chức tôn giáo tổ chức hội nghị “Ký kết và triển khai chương trình phối hợp phát huy vai trò các tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn 2022-2026”.

 

Ông Ngô Sách Thực, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQVN, Trưởng ban chỉ đạo chương trình phối hợp; ông Nguyễn Văn Thanh, Trưởng Ban Tôn giáo của Ủy ban Trung ương MTTQVN; Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân và đại diện 43 tổ chức tôn giáo trên khắp cả nước đã cùng tham gia hội nghị. Về phía Công giáo, linh mục Giuse Đào Nguyên Vũ, Chánh văn phòng HĐGMVN; linh mục Giuse Ngô Sĩ Đình (OP), Giám đốc Caritas Việt Nam đã đến tham dự.

 

Đại diện các tôn giáo ký kết chương trình bảo vệ môi trường - ảnh: HL

 

Phát biểu khai mạc, ông Võ Tuấn Nhân, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường thông tin tình trạng ô nhiễm môi trường hiện nay. Theo đó, các nguồn ô nhiễm tăng nhanh về số lượng, quy mô và mức độ tác động xấu đến môi trường đất, nước, không khí. Ô nhiễm không khí diễn biến phức tạp, nhất là ô nhiễm bụi mịn ở các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM. Chỉ số chất lượng không khí có thời điểm vượt ngưỡng an toàn mà nguyên nhân chính do khí thải công nghiệp, khí thải giao thông. Tổng lượng nước thải được thu gom, xử lý tại các đô thị rất thấp, đạt khoảng 15%, chưa đáp ứng yêu cầu. Lượng chất thải rắn, chất thải nguy hại phát sinh ngày càng lớn. Một số địa phương vẫn chưa có cơ sở xử lý chất thải nguy hại, khó khăn trong việc quản lý ở các địa phương. Tình trạng ô nhiễm, suy thoái đất diễn ra ở nhiều nơi, đặc biệt là do dư lượng hóa chất bảo vệ thực vật. Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân cũng cho biết một số chủ trương, chính sách của Việt Nam liên quan đến bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu. Về vấn đề biến đổi khí hậu, tại Hội nghị Liên Hiệp Quốc về ứng phó biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26) năm 2021, Việt Nam đã đưa cam kết cùng cộng đồng quốc tế, đưa phát thải ròng về 0 vào năm 2025. Sau hội nghị này, Ban chỉ đạo quốc gia triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam tại hội nghị COP26 đã được thành lập do Thủ tướng làm trưởng ban, nhiều quyết sách quan trọng đã được đưa ra như Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu đến năm 2050; Kế hoạch quốc gia giảm thải khí mêtan...

Ông Ngô Sách Thực, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQVN, Trưởng Ban chỉ đạo chương trình phối hợp đã tóm tắt kết quả thực hiện chương trình phối hợp phát huy vai trò của các tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn vừa qua và trình bày dự thảo cho giai đoạn 2022-2026. Cho đến nay, cả nước đã có gần 2.000 mô hình thuộc 43 tổ chức tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm nhẹ rủi ro thiên tai. Ở nhiều tỉnh thành, các tôn giáo đã có các mô hình hiệu quả, cách làm hay, có sự lan tỏa trong cộng đồng. Việc tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức, ý kiến trách nhiệm với bảo vệ môi trường, ứng phí biến đổi khí hậu được thường xuyên tổ chức. Các tổ chức tôn giáo cũng chủ động phối hợp. Riêng giới Công giáo, Tổng Giáo phận TPHCM đã tổ chức tập huấn 3 ngày cho 350 linh mục phụ trách tại các giáo xứ về bảo vệ môi trường. Caritas các giáo phận, giáo tỉnh cũng tổ chức tập huấn và lên kế hoạch hành động, gây ý thức bảo vệ môi trường. Công tác từ thiện, nhân đạo nhằm hỗ trợ đồng bào gặp thiên tai, bão lũ được các tôn giáo tích cực thực hiện. Hoạt động từ thiện, nhân đạo của Giáo hội Phật giáo Việt Nam các cấp năm 2016 đạt hơn 2.000 tỷ đồng; năm 2018 đạt 2.600 tỷ đồng. Các giáo phận thuộc ba giáo tỉnh của Giáo hội Công giáo tại Việt Nam thường xuyên phát động phong trào từ thiện, cứu trợ đồng bào bị lũ lụt, mưa bão với tổng số tiền quyên góp ước tính hàng ngàn tỷ đồng.

Về dự thảo chương trình phối hợp giai đoạn 2022 - 2026, mục tiêu tổng thể nhằm nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu của các cá nhân, tổ chức tôn giáo, thúc đẩy phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ môi trường”; góp phần tích cực, chủ động trong chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2030 và Chiến lược về biến đổi khí hậu đến 2050; khuyến khích nhân dân và các tôn giáo khai thác năng lượng sạch, năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời... Về Chương trình phối hợp, các tổ chức tôn giáo và tổ chức tôn giáo trực thuộc tham gia ký kết 7 mục: cam kết nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cộng đồng tôn giáo, triển khai nhiều giải pháp tích cực, hoạt động cụ thể nhằm bảo vệ môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu; tăng cường xây dựng năng lực tự thích ứng và giúp nhau thích ứng giữa các cộng đồng tôn giáo, người có tôn giáo và không tôn giáo khi có rủi ro thiên tai; khuyến khích các hoạt động bác ái, từ thiện đỡ nâng đồng bào khi gặp thiên tai, bão lụt, cam kết chia sẻ sự chăm sóc bằng hỗ trợ vật chất hoặc tinh thân đối với các cá nhân, cộng đồng bị tổn thương; các tổ chức tôn giáo tiếp tục đưa nội dung bảo vệ môi trường vào chương trình hành động hằng năm, tổ chức triển khai tuyên truyền, tập huấn kêu gọi tín đồ, chức sắc hình thành thói quen bảo vệ môi trường, sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên, sử dụng hạn chế và tiến tới không sử dụng túi nhựa; tổ chức và hưởng ứng các phong trào thi đua, tuyên dương, khen thưởng cá nhân bảo vệ môi trường; phát huy vai trò nêu gương của các chức sắc; thường xuyên phối hợp chặt chẽ với Mặt trận Tổ quốc các cấp và cơ quan tài nguyên môi trường vận động, giám sát việc thực hiện pháp luật bảo vệ môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu.

Tại hội nghị, đại biểu tham dự đã nghe 7 tham luận về các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường. Trong đó, linh mục Giuse Ngô Sĩ Đình, Giám đốc Caritas Việt Nam có bài tham luận chia sẻ các kinh nghiệm trong việc bảo vệ môi trường, đồng thời nêu ra kiến nghị: “Giải quyết những tổn thất và thiệt hại gây ra cho các cộng đồng bị ảnh hưởng bởi tác động bất lợi do ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu; giúp các cộng đồng này tăng cường khả năng bảo vệ chính mình. Ở cấp độ quốc gia, cần có chính sách rõ ràng quy định trách nhiệm đối với các cơ sở sản xuất; lưu ý các cơ sở này trong khi tạo ra sản phẩm cần thiết cũng dành một ngân sách tương xứng với trách nhiệm của họ để giải quyết những tổn thất và thiệt hại gây ra cho các nạn nhân. Chính quyền cần phân bổ nguồn lực hợp lý hơn; giám sát và đánh giá việc thực hiện các dự án trên với sự tham gia của cộng đồng địa phương...”.

Trao đổi với phóng viên báo Công giáo và Dân tộc bên lề hội nghị, cha Ngô Sĩ Đình thông tin, chiến dịch “Together We - Chúng ta Cùng nhau” hướng đến bảo vệ môi trường thiên nhiên và người nghèo kéo dài 3 năm, từ 2022-2024, với khẩu hiệu Hành động hôm nay vì một ngày mai tốt đẹp hơn” do Caritas Quốc tế phát động đang được Caritas 27 giáo phận tại Việt Nam hưởng ứng mạnh mẽ, mỗi năm có một kế hoạch cụ thể. Trong năm 2022, các giáo phận đã khởi xướng, kêu gọi, nâng cao ý thức bảo vệ môi sinh nơi các cộng đoàn, từng cá nhân và đã đạt được hiệu quả tích cực.

Kết thúc hội nghị, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Ngô Sách Thực; Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân cùng 43 vị đại diện các tổ chức tôn giáo đã ký kết Chương trình Phát huy vai trò các tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn 2022 - 2026.

 

 

Hùng Luân

 

 

Ý kiến bạn đọc ()
Tin tức liên quan
Tin khác
Xem thêm