Sự xuất hiện bất ngờ và thần tốc của biến thể Omicron phản ảnh những hậu quả đến từ tình trạng thiếu công bằng trong việc tiếp cận vắc xin trên toàn cầu.
Giới chuyên gia cho rằng cần nhiều đối thoại hơn nữa chứ không phải chỉ dựa vào các nguồn viện trợ nếu muốn giải quyết vấn đề một cách rốt ráo.
![]() |
Hủy vắc xin quá hạn sử dụng ở Nigeria |
Câu chuyện từ Nam Phi
Bác sĩ Angelique Coetzee, Chủ tịch Hiệp hội Y khoa Nam Phi, cảm nhận sự bất thường vào thời điểm bà tiếp nhận một bệnh nhân nam giới, 29 tuổi, vào ngày 18.11. Người này bị chứng đau đầu hành hạ, cơ thể mệt rũ. Ban đầu, đây là những triệu chứng có vẻ liên quan đến sốc nhiệt. Thế nhưng, đến cuối ngày, bà phát hiện tổng cộng 7-8 ca xuất hiện triệu chứng tương tự. Và họ đều mắc Covid-19.
Trong vòng một tuần, các nhà nghiên cứu xác định nhóm bệnh nhân trên mắc một dạng biến thể mới của SARS-CoV-2. Hiện được gọi là Omicron, biến thể mới có nhiều đột biến ở protein gai và lây lan với tốc độ nhanh hơn hẳn so với các biến thể trước đó. Omicron nhanh chóng trở thành biến thể chủ đạo gây Covid-19 tại Nam Phi và nhiều nước khác, bao gồm Mỹ.
Sự trỗi dậy đáng sợ của Omicron tiếp tục kích hoạt cuộc thảo luận về những biện pháp đảm bảo toàn thế giới tiếp cận nguồn vắc xin. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đặt mục tiêu chủng ngừa 70% dân số thế giới vào giữa năm 2022. Tuy nhiên, trong khi những nước giàu như Mỹ đã tiêm ít nhất 2 mũi cho hơn 60% trên tổng dân số, thậm chí Israel đã bắt đầu chiến dịch tiêm mũi thứ 4, tỷ lệ tiêm vắc xin ở các quốc gia thu nhập thấp vẫn chưa được cải thiện. Tại Nam Phi, chỉ 27% số dân được tiêm 2 mũi, trong khi Nigeria, Papua New Guinea và Sudan chỉ chưa đến 3%.
Vấn đề không chỉ dừng lại ở nguồn cung thiếu thốn. Giới chuyên gia cho hay các nước nghèo đối mặt những thách thức khổng lồ về cơ sở hạ tầng để có thể phân bổ vắc xin nhanh hơn, bao phủ nhiều vùng miền hơn. Theo họ, đối với các nước giàu, việc hỗ trợ nhóm nước thu nhập thấp tiếp cận nguồn vắc xin không chỉ dừng lại ở khía cạnh đạo đức, mà còn nhằm cứu được chính mình. Ðức Thánh Cha Phanxicô cũng đã từng nhiều lần nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tạo điều kiện cho mọi người, mọi quốc gia được tiếp cận vắc xin vì “tất cả chúng ta đều ở trên cùng một chiếc thuyền”. Nếu SARS-CoV-2 tiếp tục lan khắp nơi, cơ hội đột biến và lây lan càng tăng cao. Nguy cơ dịch bệnh sẽ tiếp diễn.
![]() |
Nhà máy sản xuất siêu vi
Ðột biến là chuyện thường ngày của siêu vi trùng. Mục đích duy nhất của các sinh vật này là xâm nhập tế bào của vật chủ và tiếp tục sinh sôi. Trong một cơ thể người, SARS-CoV-2 ắt hẳn tự sao chép bộ gien di truyền gấp ít nhất hàng ngàn lần. Quá trình sao chép có cơ chế “sửa lỗi”, để tránh sai sót. Thế nhưng, nếu để vi rút có cơ hội lây lan càng nhiều, sao chép càng tăng thì nhiều sai sót vẫn “lách” được cơ chế sửa lỗi, sinh ra đột biến.
Ða số các đột biến đều vô dụng hoặc thậm chí có thể đẩy siêu vi vào tình trạng tự hủy, theo bà Wendy Barclay, nhà siêu vi trùng học của Ðại học Hoàng đế London (Anh). Nữ chuyên gia nhận định xác suất xảy ra đột biến có lợi cho siêu vi, chẳng hạn như tăng cường năng lực lây lan hoặc đủ sức tránh thoát sự tấn công của hệ miễn dịch, dao động ở mức 1:100.000. Dù vậy, xác suất này sẽ tăng trong trường hợp siêu vi được phép sao chép bên trong cơ thể người mà không bị hệ miễn dịch can thiệp. Ðó là lý do một số chuyên gia gọi cơ thể người chưa tiêm vắc xin là “nhà máy sản xuất siêu vi”. Và khi một siêu vi mang đột biến có lợi cho chúng tiếp tục sinh sôi thì có khả năng sẽ dần trở thành một biến thể mới.
Cách hiệu quả nhất để ngăn chặn các biến thể phát sinh là chối bỏ cơ hội để siêu vi lây lan và sao chép. Ðiều đó có thể thực hiện bằng các biện pháp như giãn cách xã hội, đeo khẩu trang, xét nghiệm thường xuyên. Trên hết, con người cần được tiêm vắc xin phòng Covid-19. “Cho đến khi nào châu Phi chưa được tiêm đủ, con người sẽ không thể ngủ ngon”, bác sĩ Coetzee cảnh báo.
![]() |
Bất bình đẳng về vắc xin
Vắc xin có hai công dụng chính: Cứu sống mạng người và kiểm soát năng lực sao chép của siêu vi. Ở người đã tiêm vắc xin và mắc Covid-19, SARS-CoV-2 sẽ có ít thời gian hơn để sao chép, từ đó rút ngắn cơ hội lây lan cho phần còn lại của dân số. Bà Ingrid Katz, trợ lý giám đốc Viện Y tế toàn cầu Harvard (Mỹ) cho biết cách để đối phó hiệu quả dịch Covid-19 là tiêm vắc xin cho toàn thế giới.
Ấn Ðộ là trường hợp điển hình. Nước này là “quê hương” của biến thể Delta. Khi biến thể Delta xuất hiện vào tháng 3.2021, chưa đến 1% dân số gần 1,4 tỷ người của Ấn Ðộ được tiêm 2 mũi. Thực tế cho thấy số ca Covid-19 mới liên tiếp bứt phá kỷ lục theo ngày, số trường hợp nhập viện và tử vong lan rộng. Ðến nay, Ấn Ðộ ghi nhận gần 35 triệu ca, trong đó hơn 480.000 người chết, và con số trên thực tế được phải cao hơn. Không may là cơ chế phân phối bất bình đẳng vắc xin đã tồn tại ngay từ buổi đầu, trước khi có bất kỳ vắc xin Covid-19 nào được WHO phê chuẩn. Các nước giàu nhanh chóng đặt mua hàng trăm triệu liều vắc xin, đẩy những nước thu nhập thấp vào tình trạng không có nguồn cung trong thời gian dài.
“Chúng ta đã thiết lập cơ chế bất bình đẳng ngay từ vạch xuất phát”, bà Katz nhắc nhở. WHO phối hợp với các tổ chức phi lợi nhuận triển khai chương trình COVAX, với hy vọng rút ngắn tình trạng bất bình đẳng trong việc tiếp cận vắc xin. Thế nhưng, một lần nữa, khi các nước giàu đẩy nhanh tiêm mũi 3 và thậm chí có nước tiêm mũi 4, nguồn cung cấp vắc xin lại bị giới hạn.
Một số nước tăng tốc độ viện trợ vắc xin, nhưng ông K. Srinath Reddy, Chủ tịch Quỹ Y tế Công cộng Ấn Ðộ, tiết lộ không phải nguồn hỗ trợ nào cũng hợp lý. Một số nước đối mặt chỉ trích khi bị phát hiện đã chia sẻ vắc xin gần hết hạn sử dụng cho các nước nghèo. Ví dụ, Nam Sudan phải phá hủy gần 60.000 liều vắc xin hồi tháng 4, và gần 1 triệu liều đã bị Nigeria vứt rác trong tháng 11. “Ðó không phải là từ thiện, đó là hành động đổ rác”, ông Reddy nói.
Theo bác sĩ Coetzee, các nước giàu hơn nên triển khai những chương trình cho phép công dân của họ tài trợ vắc xin cho các nước nghèo. Bên cạnh đó, người có cơ hội tiêm vắc xin thì nên đi tiêm, mang khẩu trang, rửa tay thường xuyên và thực hiện giãn cách xã hội. Chống dịch không chỉ là trách nhiệm của các chính phủ mà còn phụ thuộc vào mỗi công dân của địa cầu. Và trên hết, hãy chia sẻ vắc xin để mang đến cơ hội sống sót khỏe mạnh cho mọi người.
HỒNG HOANG
Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, tòa soạn sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng cgvdt.vn của mình.
Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn”.
Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Công giáo và Dân tộc.