Phong tỏa chống dịch Covid-19 tất nhiên gây nên tổn thất về kinh tế và ảnh hưởng đời sống người dân, nhưng nếu ngược lại, cái giá phải trả sẽ thảm khốc hơn về khía cạnh kinh tế lẫn nhân mạng.
Ðợt phong tỏa gần đây ở Victoria, bang đông dân thứ hai của Úc, đã gây tổn thất hơn 100 triệu AUD/ngày, theo Tạp chí Financial Review dẫn số liệu của chính quyền bang. Trong khi đó, bang New South Wales ước tính mất khoảng 143 triệu AUD/ngày trong giai đoạn phong tỏa từ 26.6 đến 9.7. Tổng thiệt hại kinh tế trong cuộc phong tỏa mới nhất dự kiến lên đến hàng tỉ AUD, ảnh hưởng sinh hoạt của người dân ở Sydney, Darwin, Brisbane và Perth.
![]() |
Liệu có cách khác?
Nhiều chuyên gia dịch tễ học nhất trí biện pháp đang được Úc áp dụng, bao gồm phát hiện và phong tỏa sớm, là cách tốt nhất nếu muốn đối phó hiệu quả dịch Covid-19, cho đến khi hoàn tất chiến dịch tiêm chủng toàn dân. Nhưng một số nhà kinh tế học lại hoài nghi về cách làm trên. “Nếu phong tỏa gây hại nhiều hơn mặt lợi ích thì sao?”, ông Adam Creighton, nhà báo chuyên về mảng kinh tế của tờ The Australian, chất vấn. Một báo cáo của Mỹ cũng cho rằng “không tìm thấy chứng cứ cho thấy các biện pháp siết chặt phong tỏa giúp cứu lấy nhiều mạng sống hơn”.
Tuy nhiên, các chuyên gia của Ðại học Melbourne (Úc) đã công bố một nghiên cứu cho thấy quyết định “sống chung với siêu vi” sẽ mang lại tổn thất về nhân mạng và kinh tế nặng nề hơn chiến lược mà chính phủ Úc đang áp dụng (đóng cửa biên giới và phong tỏa theo cụm).
![]() |
Phong tỏa sớm và mạnh |
Nghiên cứu từ thực tế
Nghiên cứu mới, được đăng trên cổng thông tin medRxiv và đã được bình duyệt, xây dựng mô hình 4 kịch bản sử dụng dữ liệu từ cuộc phong tỏa ở bang Victoria. Hai trong số này là chiến lược phong tỏa, từ nghiêm ngặt đến vừa phải. Phương án nghiêm ngặt được áp dụng khi số trường hợp dương tính mới tăng khoảng 8 ca/ngày, còn vừa phải được thực hiện khi số ca tăng lên 30 trường hợp mỗi ngày. Hai cách tiếp cận lại được thực hiện với số ca 120 hoặc 700 mới quyết định phong tỏa, gọi là nhóm kiểm soát bằng cách trấn áp.
Toàn bộ 4 kịch bản đều áp dụng một số dạng phong tỏa được triển khai trong đời thực. Chẳng hạn, ở nhóm quốc gia áp dụng biện pháp trấn áp dịch bệnh, như Mỹ và Anh, chiến lược phong tỏa được triển khai nhằm giành lại quyền kiểm soát vào thời điểm dịch Covid-19 đang lan rộng và số ca nhập viện tăng mạnh, đẩy hệ thống y tế của những nước này đến bờ vực tê liệt. Như thực tế tại Anh cho thấy, đây là cách làm khó thu hoạch kết quả như ý. Những biện pháp được thực hiện chỉ là nhất thời. Một khi được thả lỏng, siêu vi một lần nữa trỗi dậy và buộc chính phủ phải tiếp tục đóng cửa lần nữa.
Không ngạc nhiên khi cách tiếp cận trên gây ra tổn thất nặng nề hơn so với trường hợp siết chặt ngay từ đầu. Chi phí điều trị những người nhập viện vì Covid-19 luôn cao hơn trong hai kịch bản trấn áp so với biện pháp “làm sớm, làm mạnh”, theo báo cáo của Ðại học Melbourne. Sau hàng trăm lần nhập dữ liệu, 77% số lần đều cho kết quả tương tự, các nhà nghiên cứu cho biết.
![]() |
Xét nghiệm diện rộng |
Chứng cứ vững chắc
Báo cáo ở Úc cung cấp kết quả nhất quán như các cuộc nghiên cứu mới đây, được thực hiện ở Úc và trên toàn cầu. Theo báo cáo đăng trên chuyên san Plos One tháng 6, các nhà nghiên cứu của Ðại học Melbourne và Ðại học Quốc gia Úc tính toán được tổn thất kinh tế trong trường hợp không kiểm soát dịch bệnh sẽ cao từ gấp 4 đến 8 lần so với cách khống chế mạnh ngay từ đầu.
Một cuộc nghiên cứu đăng trên chuyên san The Lancet so sánh kết quả về kinh tế và y tế của nhóm nước lựa chọn chống dịch sớm như Úc, Iceland, Nhật Bản, Hàn Quốc với 35 quốc gia thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD). Theo đó nhóm đầu có tỷ lệ tử vong vì Covid-19 thấp hơn gấp 25 lần so với nhóm dùng biện pháp trấn áp khi dịch bệnh đã lan tràn. Tỷ lệ tăng trưởng GDP theo tuần cũng cao hơn.
Vậy thì cuộc nghiên cứu ở Mỹ được nhà báo Creighton dựa vào để hoài nghi biện pháp “làm sớm, làm mạnh” là như thế nào? Báo cáo này so sánh tỷ lệ tử vong theo sau quyết định áp dụng phong tỏa tại 50 tiểu bang của Mỹ và 42 quốc gia khác. Kết quả cho thấy việc kéo dài thời gian phong tỏa thêm một tuần có liên quan đến 2,7% số ca tử vong tăng thêm. Tuy nhiên, do nhiều nước trong số này đều áp dụng biện pháp trấn áp, và phong tỏa chỉ được thực hiện khi dịch bệnh đã lan rộng, điều tất yếu số ca tử vong phải tăng cao.
Tại Úc và New Zealand, hai quốc gia quyết định phong tỏa ngay từ đầu, giới hữu trách ghi nhận số ca tử vong thấp và kinh tế cũng ít bị ảnh hưởng cũng như ít “bị sẹo” hơn. Cụ thể, tính đến ngày 5.7, Úc (25 triệu dân) có tổng số ca nhiễm là 30.757 và số ca tử vong là 910, rất thấp nếu so với các nước phương Tây khác: Anh (hơn 56 triệu dân), 4,9 triệu ca nhiễm, 128.000 người tử vong; Hà Lan (hơn 17,6 triệu dân), 1,69 triệu ca nhiễm, 17.756 ca tử vong…
Như vậy, bài học “làm sớm, làm mạnh” hiện vẫn cho thấy tác dụng cho đến khi tỷ lệ tiêm vắc xin ngừa Covid-19 được đẩy mạnh và phần lớn dân số được tiêm phòng.
ÐỊNH NGUYỄN
Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, tòa soạn sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng cgvdt.vn của mình.
Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn”.
Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Công giáo và Dân tộc.