Gần đây, chúng ta thấy các hiện tượng bạo lực gia đình ở mức độ nghiêm trọng được lan truyền khá nhiều trên các trang mạng. Như đánh vợ, đánh con, xô xát, thậm chí có những trường hợp chồng đâm chết vợ ngay trong bữa ăn, hay anh em chém nhau chỉ vì nửa mét đất!… Một cuộc tọa đàm ở Hà Nội đã đưa ra thông tin, cứ khoảng 2 - 3 ngày có một người chết vì bạo lực gia đình; và cũng ghi nhận có khoảng từ 18 - 20% các vụ án mạng xảy ra trong các gia đình. Ðiều này cho thấy xung đột gia đình ngày nay đã không còn dừng ở việc đánh, chửi thông thường mà mức độ nghiêm trọng ngày càng gia tăng.
![]() |
Ở góc độ xã hội, nạn nhân thường là phụ nữ và trẻ em. Thủ phạm của bạo lực thường là đàn ông, độ tuổi cũng không giới hạn, gồm cả người lớn tuổi và trẻ vị thành niên. Các hình thức cũng đa dạng, diễn biến bất thường, đôi khi bất chợt, không báo trước, xu hướng dùng bạo lực tăng lên… Nếu nói gia đình là tế bào của xã hội thì rõ ràng bạo lực gia đình hiện đang phản ánh một hiện tượng phức tạp, đa chiều của xã hội và rất nhiều tế bào đang ẩn chứa những nguy cơ bất ổn.
Người ta cũng truy tìm động cơ của bạo lực, thấy có mấy vấn đề. Trước tiên, sự mất kiểm soát trong hành vi đã dẫn đến bạo lực. Dường như người Việt bây giờ kém kiềm chế. Ðôi khi chỉ một cái nhìn, một vị không may va quệt xe… cũng dẫn đến án mạng. Có lẽ xã hội hiện đại làm cho người ta trở nên căng thẳng và mất tự chủ trong hành vi hơn! Cũng có thể do không có một nền tảng luân lý làm thước đo và rào cản. Mặt khác, đôi khi bạo lực xuất hiện từ những bất đồng âm ỉ, đặc biệt từ những mối quan tâm về quyền lợi vật chất. Sự ích kỷ, hẹp hòi, đề cao cái tôi quá mức dễ dẫn đến việc người ta không nhìn thấy cách hành xử khác ngoài lựa chọn bạo lực, khiến các mối quan hệ máu mủ, vợ chồng, thân thuộc đều trở thành thứ yếu.
Thật không dễ can thiệp bằng pháp lý để điều chỉnh hành vi của con người trong gia đình sao cho chuẩn mực, bởi việc gia đình thường là chuyện cá nhân. Ðôi khi các vụ bạo lực xảy ra nhanh đến mức tổ hòa giải chẳng có cơ hội can thiệp. Rõ ràng thật khó có giải pháp triệt để cho vấn đề này. Người ta chỉ trông chờ luân lý được giáo dục tốt hơn để mà nhớ lại cái bầu khí của thời xưa, với các giá trị của truyền thống như yêu thương, đùm bọc, chia sẻ lẫn nhau. Tiếc rằng hiện tại đang tiếp diễn với nhiều nhức nhối, còn quá khứ không bao giờ trở lại.
Ðã đến lúc phải chú trọng hơn vai trò của dòng họ, của hương ước, gia phong hay các cộng đồng tôn giáo. Ðó là nơi vẫn cung cấp cho con người một hệ giá trị luân lý cho các hành vi của mỗi thành viên trong cộng đồng, giúp cho họ biết suy nghĩ, kiểm soát hơn trong lời ăn tiếng nói và hành động.
Ngô Quốc Ðông
Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, tòa soạn sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng cgvdt.vn của mình.
Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn”.
Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Công giáo và Dân tộc.