Du lịch Việt Nam phát triển rất nhanh và đang trên hành trình trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước. Ngành du lịch cũng đặt ra vấn đề phát triển bền vững, trong đó nhấn mạnh việc bảo vệ môi trường ở các điểm tham quan trên toàn quốc. Việt Nam hiện nay đang ở trong số các nước xả rác thải nhựa nhiều nhất ra môi trường, đặc biệt là môi trường biển. Trong năm 2017, lượng rác được nhân viên Ban Quản lý vịnh Hạ Long thu gom lên đến hơn 2.000 tấn. Ước tính ở Phú Quốc mỗi ngày có khoảng 300 tấn rác thải sinh hoạt, nhưng chỉ thu gom và xử lý được 50%, số còn lại một phần trôi nổi ra biển, trong đó có nhiều rác thải nhựa khó tiêu hủy… Do đó, việc hạn chế, giảm thiểu rác thải nhựa để bảo vệ môi trường, trả lại vẻ đẹp tự nhiên cho những điểm du lịch đang trở thành thông điệp được du khách hưởng ứng.
![]() |
Trong các cách hưởng ứng bảo vệ môi trường, một xu hướng gần đây ở Việt Nam được nhiều bạn trẻ khởi xướng đó là thực hiện “du lịch xả strees nhưng không xả rác”. Họ đến các khu vực thiên nhiên cảnh đẹp ghi lại những bức hình và trải nghiệm. Họ giản tiện tối đa sử dụng rác thải nhựa và họ luôn mang bên mình những túi đựng rác để không bao giờ để lại rác thải khi rời mỗi điểm dừng chân. Tất cả rác thải cá nhân đều được thu gom và đưa về đúng nơi quy định. Những hành động này tạo ra thông điệp bảo vệ môi trường du lịch tới cộng đồng, với hy vọng sẽ ảnh hưởng đến nhiều du khách, tác động vào ý thức và dần chuyển đổi hành vi của họ.
Có thể những hành vi nhỏ này chỉ là khát vọng về một môi trường xanh trong tương lai. Nhưng để đạt tới hiệu quả nơi cộng đồng rộng lớn với những khác biệt về nhận thức, rõ ràng những thông điệp là chưa đủ. Ngành du lịch ngoài việc truyền thông cũng cần phải thực hiện những “chuyển đổi” để hạn chế việc xả thải ra môi trường. Kinh nghiệm từ Singapore cho thấy họ xử phạt rất nặng đối với du khách xả rác bừa bãi. Thái Lan thì chọn phương án hạn chế tối đa các rác thải ngay từ khách sạn. Chẳng hạn, ở các khách sạn ba sao không có những gói dầu gội đầu, không có bàn chải và kem đánh răng. Khách phải tự mua hoặc mang đi và tái sử dụng. Bởi vì ước tính với hàng chục triệu khách du lịch tới Thái Lan mỗi năm mà mỗi người lại sử dụng bàn chải đánh răng một lần, thì chẳng mấy chốc, đất nước này sẽ trở thành bãi rác thải nhựa. Đúng là một chính sách vừa giúp tiêu dùng hàng địa phương, vừa không mất công thu gom rác thải nhựa.
Du lịch Việt Nam có thể là một ngành kinh tế chủ đạo trong tương lai. Nhưng để có một sự tăng trưởng bền vững rõ ràng cần phải có những bài toán có tính chất chiến lược. Việc xếp hạng tăng trưởng du lịch cũng cần phải tính tới cả các chỉ số môi trường, sinh thái. Hy vọng trong một tương lai gần, mỗi khi du khách tới Việt Nam sẽ không chỉ nhắc về kỳ quan cảnh đẹp, ẩm thực và các đặc trưng văn hóa, mà còn đánh giá tốt về chất lượng môi trường du lịch như một điểm nhấn về thương hiệu du lịch Việt.
Ngô Quốc Đông
Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, tòa soạn sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng cgvdt.vn của mình.
Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn”.
Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Công giáo và Dân tộc.