Chảy máu nghiêm trọng là nguyên nhân chính gây tử vong ở những bệnh nhân bị chấn thương, theo báo cáo của các chuyên gia Mỹ trên chuyên san JAMA Surgery. Hơn 35% số bệnh nhân bị chảy máu quá nhiều đã thiệt mạng trước khi họ được chở đến bệnh viện. Nguy cơ chảy máu dữ dội có thể xảy ra đối với bất cứ ai và tại những địa điểm sinh hoạt hoặc làm việc thường ngày, như tai nạn xe cộ, chấn thương tại xưởng, nhà máy hoặc sự cố ở nhà.
Để có thể sơ cứu tốt, người hỗ trợ cần phải biết được họ đang đối mặt với một ca có thể bị xếp vào tình trạng chảy máu nghiêm trọng hay không, theo bác sĩ Matthew Levy, trợ lý giáo sư y học cấp cứu thuộc Đại học Johns Hopkins (Mỹ). Các dấu hiệu có thể quan sát được bao gồm máu trào ra khỏi vết thương với tốc độ nhanh chóng, có thể làm ướt sũng quần áo hoặc tạo nên vũng máu trên nền đất. Nếu người bị chảy máu dầm dề không hành xử như bình thường, nạn nhân có thể đang bị sốc về mất máu quá nhiều, theo bác sĩ Levy.
Các bác sĩ cho biết để máu chảy chậm lại, một người không cần phải có trong tay bất cứ dụng cụ đặc biệt nào hay bộ sơ cứu cầm máu (gồm gạc và ga rô). Điểm mấu chốt là tìm được nơi đang tuôn máu và ngăn chặn nó, đồng thời gọi cho tổng đài cấp cứu. Điều đầu tiên người sơ cứu cần làm là đặt tay lên vết thương và tạo sức ép. Lý tưởng nhất là người thực hiện động tác này cần mang theo găng y tế, nhưng nếu không có sẵn, cố gắng tìm một số vật gì che chắn để ngăn chặn nguy cơ nhiễm trùng, như khăn vải sạch. Nên nhớ cần phải tạo sức ép mạnh và liên tục lên miệng vết thương, thậm chí nếu cần cũng phải quỳ gối lên nơi đang chảy máu. Bác sĩ Levy giải thích “điều này này rất đơn giản, giống như trường hợp ống nước bị thủng: lỗ thủng sẽ ngưng chảy nước ào ạt nếu áp lực mà chúng ta tác động lên nó lớn hơn áp suất vọt ra”.
Nếu vết thương trải dài trên diện tích rộng, cần phải nhanh chóng tìm kiếm nơi gây chảy máu dữ dội để tạo áp lực đúng chỗ. Đối với những miệng vết thương lớn, người cấp cứu cũng nên biết cách chèn vết thương bằng cách dùng gạc hoặc vải sạch để máu đông nhanh. Trong những trường hợp hành động chèn vết thương cũng không giúp cầm máu, hoặc cần phải di chuyển người bị thương, người cấp cứu nên cân nhắc sử dụng ga rô. Thông thường, ga rô chỉ nên được buộc trên tay hoặc chân, nhưng phải gần tim hơn vết thương nên đôi khi biện pháp này gây vấn đề lúc xử lý. Ví dụ, nếu vết thương nằm ở nách hoặc háng, có thể nói người thực hiện sơ cứu vô phương buộc được ga rô.
Nếu không có công cụ sơ cứu cần thiết, người hỗ trợ có thể tận dụng những vật dụng tại hiện trường để giảm lượng máu chảy, như trong vụ khủng bố tấn công Paris, một số người đã lấy dây nịt của mình thay cho ga rô trong lúc chờ xe cấp cứu đến. Nếu buộc phải sử dụng ga rô tự tạo, bác sĩ khuyên nên chọn những sợi dây có bề ngang ít nhất 3,8 cm. Những sợi có bề ngang nhỏ hơn nhiều khả năng sẽ càng gây thêm thương tổn cho nạn nhân hơn là giúp cầm máu. Điều cần lưu ý, buộc ga rô là biện pháp sau cùng nếu những cách cầm máu khác không hiệu quả và việc tháo ga rô cần phải do bác sĩ làm vì có thể có nhiều biến chứng nguy hiểm mà người thường không xử lý được.
NHÀN VÂN
Bình luận