Câu đối hay “đối liên” là thể văn có hai vế đối xứng, với số chữ trên dưới bằng nhau và xếp theo luật bằng, trắc nhất định, được coi là một loại hình nghệ thuật độc đáo hấp dẫn, một thú chơi văn chương tao nhã lâu đời của người Việt.
Thời trước, câu đối thường được dùng một cách rộng rãi để phản ảnh tâm tư tình cảm, thái độ, tư tưởng, hoàn cảnh của con người trong mọi tình huống gặp phải của đời sống hằng ngày. Thường nhất là dùng trong những dịp hiếu hỉ, vào những lúc cần chia buồn (tang ma...) hoặc chúc tụng nhau (cưới xin, mừng thọ, mừng thi đỗ, khánh thành nhà mới, trụ sở mới, khai trương cửa hàng...), nhưng đôi khi cũng chỉ để bày tỏ một ước vọng, bộc lộ hoài bão chí hướng cá nhân, tự chế giễu mình hoặc giễu cợt kẻ khác, hay thậm chí châm biếm thế sự... Câu đối cũng được dùng như một hình thức tao nhã để trang hoàng nhà cửa trong những ngày Tết đến.
![]() |
Theo cụ Ôn Như Nguyễn Văn Ngọc (1890 - 1942), viết trong lời Tựa sách Thú chơi câu đối (NXB Văn Hóa Thông Tin in lại, năm 2001), thì : “Câu đối, chẳng qua, chỉ là một lối văn vụn vặt, tính từng chữ, chớ không đếm từng trang, từng tờ. Tuy vậy mà câu đối là một thể văn rất cần (...). Văn câu đối tuy vụn vặt, mà không phải là khinh thường, cứ kể ra lại thật là khó, chữ rất ít, rất gọn mà ý nghĩa bao hàm rộng rãi, càng xem càng nghĩ mới càng rõ được hết cái hay. Bởi vậy làm một câu đối cho nên, xưa nay hồ dễ đã được mấy người…”.
Câu đối rất được phần nhiều người Việt Nam ưa chuộng. Trước đây, cứ “mỗi năm hoa đào nở”, người ta lại trông thấy hình ảnh ông thầy đồ bày mực tàu giấy đỏ trên những góc phố tấp nập đông người qua lại, ngồi viết chữ Hán như phượng múa rồng bay, để bán câu đối cho những người dân đi chợ sắm Tết, rồi người ta xúm lại mua chữ của thầy, mang về treo trước cửa, trên bàn thờ tổ tiên, bàn thờ ông Táo, ông thần tài, hoặc dán ở nhà khách :
“Duyên với giang sơn nên dán chữ
Nợ gì trời đất phải trồng nêu”
![]() |
Cặp câu đối Tết trên đây tương truyền của Bà Huyện Thanh Quan (1805 - 1848) thời đầu nhà Nguyễn, làm để dán nhà dịp Tết, cho thấy thú chơi câu đối Tết đối với người dân Việt đã trở thành một truyền thống lâu đời.
Nội dung câu đối Tết theo thời gian có khuynh hướng chung ngày càng mở rộng ra đến các vấn đề xã hội để phản ảnh hiện thực cuộc sống, như đôi câu đối cũ sau đây mô tả rất sinh động tâm trạng và tình cảnh của người dân nghèo :
“Hành niên qua đến cùng xương, nào tiền nhà, nào tiền học, nào tiền thuế, nào tiền ăn, nghĩ đời sống lắm phen bớ phở
Mùi Tết mới tha hồ béo mỡ, này chén rượu, này chén chè, này chén anh, này chén chú, gặp ngày Xuân thỏa xác đá gà” (Khuyết danh)
Về sau, tuy mỗi năm mỗi vắng bớt hình ảnh các ông đồ nho đeo kính trắng, chữ Hán được thay bằng chữ Nôm rồi chữ Quốc ngữ, nhưng thú chơi câu đối Tết của người Việt vẫn tiếp tục tồn tại cho đến ngày hôm nay, dưới hình thức thư pháp tiếng Việt hiện đại. Vì thế vẫn còn thấy hằng năm, vào những ngày cận Tết, các ông đồ hiện đại cũng bày mực tàu giấy đỏ bên phố đông người qua, mặc dù có phần ế ẩm hơn so với mấy chục năm về trước, và cách “mua - bán” câu đối Tết hiện đại cũng có phần biến dạng theo chiều hướng bớt tao nhã hơn.
Loại câu đối tân thời nêu trên từ vài chục năm nay vẫn được ưa chuộng ở cả trong lẫn ngoài nước. Về hình thức, ngoài chữ Việt hiện đại thay cho chữ Hán, chữ Nôm, còn có sự đơn giản hóa bằng cách viết cả hai vế đối chung trên một mảnh giấy, thay vì trên hai mảnh dài để treo thành cặp song song như xưa. Sự phá cách này tuy có làm giảm bớt phần nào nét cổ kính truyền thống và có thể không làm vừa lòng một số người hoài cổ, nhưng nói chung vẫn không hại lắm đến giá trị cả về hình thức lẫn nội dung của câu đối Tết. Nếu không quá câu nệ, chúng ta sẽ thấy trong các bức thư họa loại tân thời này vẫn chứa đựng sắc thái độc đáo và nét mới mẻ riêng, đặc biệt thích hợp cho những người thuộc thế hệ trẻ tuy phải sống theo thời hiện đại, nhưng trong lòng vẫn còn chút vương vấn những giá trị xưa cũ của tổ tiên, và vì thế đã cân bằng cuộc sống của mình bằng một thú vui chơi đạm bạc lành mạnh, không có tính báng bổ như đua xe, cờ bạc...
![]() |
Tuy nhiên, câu đối Tết không chỉ được làm riêng cho việc trang hoàng nhà cửa ngày Tết, mà còn được sáng tác với mục đích tương tự như khi viết văn làm thơ vậy. Ngoài ra, trên báo chí thời hiện đại, cũng như trên các trang mạng xã hội, người ta vẫn còn mượn hình thức câu đối Tết để bộc lộ mọi thứ tâm tư tình cảm, hoặc đôi khi cũng để châm biếm. Và rồi cũng giống như thời xưa, trừ một số câu đăng báo có ghi tên tác giả, không ít câu đối Tết thời hiện đại vẫn được lưu truyền khá rộng rãi nhưng không còn biết rõ ai là tác giả.
Có những câu rất bình dị mà đọc lên cảm thấy vui vui như :
- “Già trẻ gái trai đều khoái Tết
Cỏ cây hoa lá cũng mừng Xuân”
- “Giao thừa hái lộc, cung kính ông bà, rượu rót đôi ly, nghe lời chúc
Mùng Một đơm hoa, nhớ ơn cha mẹ, trà dâng ba chén, nhận lì xì”
Đa số câu đối Tết hiện đại được sáng tác vẫn là để nói lên niềm thiết tha hy vọng cho cuộc sống tốt đẹp hơn trong tương lai, nên phần nhiều ít khi ra khỏi những từ ngữ quen thuộc như “phát tài”, “đắc lộc”, “thành công”, “như ý”…:
- “Nâng cốc chúc năm mới phát tài
Cạn ly mừng năm qua đắc lộc”
- “Mừng Xuân sang vạn sự thành công
Chúc Tết đến trăm điều như ý”
Hoặc:
“Xuân an khang đức tài như ý
Niên thịnh vượng phúc thọ vô biên”
Câu sau đây rất có thể do một nhà sư nào đó sáng tác :
“Mừng Xuân hỷ xả thêm công đức
Đón Tết từ bi bớt não phiền”
Tuy nhiên cũng có loại câu đối Tết chứa đựng nội dung ít phấn khởi hơn, nói lên tâm trạng, niềm ước mong của các thành phần đời sống kinh tế khó khăn, trong những ngày Tết đến :
“Tết đến gượng cười, mong con cháu chăm ngoan, nhà có dư gạo thóc
Xuân sang gắng vui, cầu vợ hiền mạnh khỏe, vườn đủ quả đủ rau”
Một số người Việt làm ăn sinh sống ở nước ngoài, Tết đến cũng thật nhiều tâm tư, và cũng làm câu đối treo trong nhà, chủ yếu để bày tỏ tình cảm của người tha hương. Không ít câu đọc nghe thật cảm động :
“Ngào ngạt mùi hương, dẫu tại đất người, không mất gốc
Lung linh ánh lửa, dù xa quê cũ, chẳng quên nguồn”
Rồi những câu khác nữa, thảy đều có ý tương tự, và rặt một giọng buồn nhớ về quê cha đất tổ :
- “Trời đất giao mùa, lòng bâng khuâng hướng về đất tổ
Đông tàn Xuân đến, dạ ngẩn ngơ nhớ Tết quê nhà”
- “Xuân tha hương, vấn vương thương đất mẹ
Tết xa nhà, xao xuyến nhớ quê cha”
Xuân Huy
Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, tòa soạn sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng cgvdt.vn của mình.
Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn”.
Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Công giáo và Dân tộc.