Sau một ngày mang giày đến trường, không chỉ các kẽ ngón chân mà ngay cả nách và miệng cũng bị có mùi khiến con cảm thấy ngại. Có loại dung dịch “đa năng” nào xử lý được cả 3 chuyện đó hợp với túi tiền của sinh viên xa nhà không bác sĩ?
(Một bạn đọc ở trường ĐHKHXH & NV TPHCM)
Nếu chỉ có điều kiện “đầu tư” cho một loại “thuốc đặc trị” cả ba “món” đó của đời sinh viên, có lẽ cháu nên chọn cho mình chai nước súc miệng - dung dịch thường được dùng sau khi đánh răng, để hỗ trợ cho việc chăm sóc sức khỏe răng miệng hằng ngày, tính năng chính là loại trừ vi khuẩn trong khoang miệng, làm trắng răng, đem lại cho chủ nhân hơi thở thơm tho kéo dài trong vòng vài giờ. Nó không thể thay thế việc đánh răng và chỉ nên chọn những loại nước súc miệng có nồng độ cồn thấp, trong suốt, không màu cháu nhé (các loại “màu mè” trong đó không có một giá trị sức khỏe nào cho răng miệng mà có khi khiến hàm răng nhanh chóng bị ngả màu).
![]() |
Mỗi nhãn hàng có công thức khác nhau nhưng thường có hai loại nước súc miệng: loại cho hơi thở thơm tho và loại chữa bệnh răng miệng (có thành phần chlorhexidine, cetylpyridinium chloride và fluoride). Dùng nước súc miệng này có thể giúp cháu loại bỏ mảng bám, ngừa sâu răng và chống viêm nướu. Cũng như kem đánh răng, cháu không nên lạm dụng nước súc miệng. Mỗi lần súc miệng khoảng 30 giây là đủ và chỉ nên dùng 1-2 lần/ ngày, với nước có chứa fluor, chỉ dùng 1 lần mỗi ngày, vì ngậm lâu thì chất cồn sẽ làm cho khoang miệng bị khô.
Ngoài nước muối pha loãng 0,9% rất quen thuộc để súc họng “từ hồi nào tới giờ”, các dung dịch súc miệng thường dùng hiện nay là: T-B (thành phần chủ yếu là axít boric nồng độ 0,3%, tinh dầu quế, tinh dầu bạc hà, có tác dụng sát khuẩn nhẹ trong vệ sinh răng miệng), Betadin, Givalex, Listerine...
Nói riêng về Listerine, hầu hết chúng ta vẫn nghĩ đó chỉ là một loại dung dịch súc răng miệng, chữa hôi miệng đúng không? Nhưng thực ra, công dụng này chỉ được nhấn mạnh vào những năm 1970. Công thức Listerine được tìm ra từ năm 1879 và lúc ban đầu, nó được dùng làm chất khử trùng trong phẫu thuật và các ứng dụng tương tự. Với các nguyên liệu như xạ hương, khuynh diệp, cồn... Listerine có rất nhiều công dụng khác ngoài làm chất súc miệng:
- Khử mùi hôi nách (như Deodorant nhưng hiệu quả và tự nhiên hơn).
- Trị chứng hôi chân hoặc nấm móng chân: Dùng nước ấm pha Listerine, cho thêm muối Baking soda để ngâm chân. Nên nhớ, đôi bàn chân (cũng như tay, mặt) rất cần chăm sóc và quan tâm, từ việc chọn một đôi giày, đôi tất chân thích hợp (chứ không phải đẹp, thời trang) đến việc làm vệ sinh cho bàn chân. Sinh viên đi giày suốt nên việc ngâm chân rồi hong khô càng phải làm thường xuyên.
- Chấm vào các chỗ do bị côn trùng đốt sẽ hết ngứa và giải độc.
- Bôi lên tóc để trị gàu.
- Dùng lau chùi các loại màn hình TV, laptop, computer, gương soi, kiếng đeo mắt.
- Khử trùng và làm sạch bồn cầu.
- Khử mùi thùng rác hoặc dùng như một loại xà bông tắm rửa cho thú cưng.
Vì thứ nước “đa năng” này chứa một hàm lượng lớn chất cồn (ethanol) với tỷ lệ từ 6 - 27% nên nếu dùng không đúng cách trong thời gian dài có thể gây cảm giác nóng rát ở má trong, nướu, lưỡi, tăng nguy cơ nhiễm nấm, sâu răng, các bệnh về nướu, chứng khó nuốt và thậm chí lại làm hơi thở bị... hôi! Cháu nên hỏi ý kiến nha sĩ và nhà chuyên môn trước khi chọn lựa và sử dụng nhé.
THẠC SĨ- BÁC SĨ LAN HẢI
Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, tòa soạn sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng cgvdt.vn của mình.
Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn”.
Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Công giáo và Dân tộc.