Chăm sóc F0 tại nhà và phòng chống Covid-19 tại cộng đồng

Đây là Hội thảo trực tuyến do Trường Đại học Y khoa (ĐHYK) Phạm Ngọc Thạch phối hợp với Hội Quân y Việt Nam và Hội Giáo dục, chăm sóc sức khỏe Cộng đồng Việt Nam tổ chức vào sáng 4.9.2021. Hội thảo thu hút 5.300 người tham gia, gồm các y bác sĩ, điều dưỡng, tuyên truyền viên giáo dục sức khỏe cộng đồng, tình nguyện viên, người bệnh và thân nhân bệnh nhân thuộc các tỉnh thành trong cả nước.


Điều trị tại nhà sao cho hiệu quả

Các nội dung chính của chương trình gồm: Tầm quan trọng và tính cấp thiết triển khai các chương trình chăm sóc F0 tại cộng đồng (PGS.TS.BS. Nguyễn Thanh Hiệp, Hiệu trưởng Trường ĐHYK Phạm Ngọc Thạch trình bày); Cập nhật chẩn đoán và điều trị Covid-19 tại cộng đồng - Nhận diện sớm các dấu hiệu chuyển nặng của bệnh nhân F0 theo dõi tại nhà (TS.BS. Hồ Đặng Trung Nghĩa, Trưởng Bộ môn Nhiễm Trường ĐHYK Phạm Ngọc Thạch); Một số vấn đề về sức khỏe tâm thần trên bệnh nhân F0 theo dõi tại nhà (ThS.BS. Lê Thành Tân, Phụ trách điều hành Bộ môn Tâm thần Trường ĐHYK Phạm Ngọc Thạch); Vai trò của điều dưỡng trong theo dõi và chăm sóc F0 tại nhà (TS. Đặng Trần Ngọc Thanh, Trưởng Khoa điều dưỡng - Kỹ thuật y học Trường ĐHYK Phạm Ngọc Thạch).

Bên cạnh việc hướng dẫn chăm sóc và điều trị bệnh nhân F0 tại nhà, chương trình cũng chú trọng đến các lãnh vực liên quan qua các chuyên đề: Bảo vệ và chăm sóc cho đối tượng yếu thế trước bệnh dịch Covid-19 (TS.BS. Hoàng Thị Bạch Dương, Giám đốc Trung tâm Giáo dục chăm sóc Sức khoẻ cộng đồng Hà Nội); Tổ chức khám bệnh từ xa (Telemedicine) trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 (TS.BS. Võ Thành Liêm, Phó Trưởng điều hành Bộ môn Y học gia đình, Phó Trưởng Phòng khám Trường ĐHYK Phạm Ngọc Thạch); Hiệu quả, kinh nghiệm triển khai mô hình hoạt động của “Tổ Y tế từ xa” của Trường ĐHYK Phạm Ngọc Thạch (ThS.BS. Đỗ Cao Vân Anh, Phó Trưởng Bộ môn Nhiễm Trường ĐHYK Phạm Ngọc Thạch).

Trong khuôn khổ hội thảo, vấn đề nhận diện sớm và can thiệp kịp thời nhằm giảm tỷ lệ tử vong của người bệnh là một trong những nội dung được quan tâm cách đặc biệt. Trong phần thuyết trình chuyên đề “Cập nhật chẩn đoán và điều trị Covid-19 tại cộng đồng - Nhận diện sớm các dấu hiệu chuyển nặng của bệnh nhân F0 theo dõi tại nhà”, TS.BS. Hồ Đặng Trung Nghĩa cho biết, theo quy định của Bộ Y tế, những người có kết quả xét nghiệm dương tính, không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ (sốt, mệt mỏi, đau nhức, ho, hắt hơi, nghẹt mũi, mất mùi, mất vị), người đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin, hoặc 14 ngày sau tiêm mũi 1 (đã có miễn dịch một phần) thì được điều trị tại nhà. Phương tiện cần có trong quá trình điều trị tại nhà là điện thoại, máy tính và các ứng dụng thông dụng như Zalo, Viber dùng để kết nối giữa bệnh nhân với đội ngũ y tế phụ trách chăm sóc.

Mỗi ngày, bác sĩ Nghĩa lưu ý cần cho bệnh nhân đo sinh hiệu ít nhất 2 lần/ngày (đo mạch, huyết áp, nhịp thở, nhiệt độ, SpO2), cho bệnh nhân nghỉ ngơi tại giường, vệ sinh mũi họng, giữ ấm, uống đủ nước, đảm bảo dinh dưỡng, hướng dẫn bệnh nhân cách tập thở với tư thế nằm sấp để cải thiện oxy… Tuy nhiên, việc nhận diện sớm các dấu hiệu chuyển nặng là rất quan trọng, vì liên quan đến vấn đề sống còn của bệnh nhân. Theo đó, nếu thấy bệnh nhân có dấu hiệu bị viêm phổi (thở nhanh trên 25 lần/phút, SpO2 dưới 96%); bị suy hô hấp (thở rên, thở khò khè, cánh mũi phập phồng, thở co rút lồng ngực…), đau ngực, ho ra máu, tím đầu chi, rối loạn ý thức… phải liên hệ ngay với trạm y tế lưu động, đội phản ứng nhanh tại địa phương, gọi số điện thoại đường dây nóng của trung tâm cấp cứu 115 để hỗ trợ đi bệnh viện, hoặc liên hệ tổng đài 1022, đường dây nóng 028.99999.115 của Tổ Y tế từ xa Trường ĐHYK Phạm Ngọc Thạch để được hỗ trợ kịp thời.

Vấn đề chăm sóc điều trị F0 tại nhà theo bác sĩ Nghĩa chủ yếu là điều trị triệu chứng và kháng siêu vi. Tuy nhiên nếu chuyển qua giai đoạn vừa và nặng, khi bệnh nhân có biểu hiện hụt hơi, khó thở tăng khi vận động, đếm nhịp thở khi nghỉ ngơi >20 lần/phút, SpO2 dưới 95% thì cần sử dụng thuốc kháng viêm và thuốc kháng đông. Theo hướng dẫn của Bộ Y tế và Sở Y tế TPHCM, hiện có 3 gói thuốc điều trị với 7 loại thuốc. Trong đó, gói thuốc A (điều trị triệu chứng là chủ yếu) gồm có paracetamol; các Vitamin B,C,D, kẽm; nước muối súc họng. Gói thuốc B (kháng viêm và kháng đông). Điểm cần lưu ý của gói thuốc B là có thể sử dụng từ 3-7 ngày (theo hướng dẫn của nhân viên y tế); một số đối tượng không được sử dụng thuốc kháng đông và kháng viêm là trẻ em, phụ nữ có thai, phụ nữ cho con bú, hoặc mắc một số bệnh như viêm loét dạ dày - tá tràng, suy gan, suy thận, bệnh dễ chảy máu. Gói thuốc C (thuốc kháng siêu vi). Loại thuốc này được dùng cho F0 nhẹ (từ 18 đến 65 tuổi); những người không được sử dụng là phụ nữ có thai, phụ nữ cho con bú, người suy gan, viêm gan siêu vi cấp, suy thận, viêm tụy cấp hoặc mạn tính.


Tổ Y tế từ xa: “Bạn đồng hành” trong mùa dịch

Theo phản ứng thông thường, khi bệnh nhân biết mình bị nhiễm SARS-CoV-2 thường bị khủng hoảng tinh thần, do đó hội thảo đặc biệt chú trọng vấn đề chăm sóc sức khỏe tâm thần cho các F0 điều trị tại nhà. Đặc biệt, mô hình “Tổ Y tế từ xa” của Trường ĐHYK Phạm Ngọc Thạch đã nhận được sự ủng hộ của đông đảo tham dự viên tại hội thảo. Ths.Bs Đỗ Cao Vân Anh cho biết, mô hình này được thành lập từ ngày 10.8.2021, nhằm theo dõi, chăm sóc và điều trị từ xa cho các bệnh nhân Covid-19 đang cách ly tại nhà, góp phần giảm tải cho các bệnh viện điều trị Covid-19 trên địa bàn thành phố. Với sự tham gia của 184 bác sĩ và 1.072 sinh viên, “Tổ Y tế từ xa” được dàn trải khắp các quận huyện và thành phố Thủ Đức với quy mô 10 cụm lớn, được chia thành 311 tổ. Thông qua số điện thoại đường dây nóng 02899999115, tổ tiếp nhận chuyển thông tin bệnh nhân về quận/huyện - cụm tương ứng, nhận bệnh và liên lạc với bệnh nhân qua Zalo; thăm khám và tư vấn hướng giải quyết phù hợp; theo dõi bệnh nhân nhằm phát hiện giai đoạn chuyển độ, can thiệp, kê toa, tư vấn sức khỏe; hỗ trợ thông tin liên lạc nguồn ôxy, bệnh viện dã chiến và xe cấp cứu chuyển bệnh nhân đến tuyến điều trị phù hợp… Tính đến nay, Tổ Y tế từ xa đã khám và tư vấn cho 2.057 bệnh nhân, 54 ca đã khỏi bệnh, 1.695 ca đang quản lý và theo dõi.

Đúc kết hội thảo, PGS.TS.BS Nguyễn Thanh Hiệp (Giám đốc ĐHYK Phạm Ngọc Thạch) khuyến khích những người đang chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi đại dịch hãy bình tĩnh sử dụng những kênh thông tin chính thức của trường cũng như các địa phương, để được hỗ trợ kịp thời. Xác định Covid-19 là mối nguy lớn cho cộng đồng, nhưng Bs Hiệp nhấn mạnh: “Đây cũng là cơ hội để chúng ta ứng dụng công nghệ thông tin, triển khai hội thảo hữu ích. Sắp tới nhà trường sẽ tổ chức những chương trình hội thảo liên tục, để chuyển giao kiến thức cho y tế cơ sở, biến nguy thành cơ, là cơ hội phát triển y tế cơ sở, phát triển mạng lưới bác sĩ gia đình. Tin rằng trải nghiệm hiện tại sẽ giúp cho chúng ta định hướng, và có một cách làm tốt nhất để tăng cường y tế cơ sở trong thời gian sắp tới. Việc tăng cường y tế cơ sở là tất cả các chuyên ngành cùng chung tay, từ các chuyên ngành y khoa, điều dưỡng, vật lý trị liệu, tâm lý trị liệu, đến những nhà xã hội học của các địa phương. Hy vọng đây là cơ hội để chúng ta phát triển mạnh mẽ hơn, hướng cộng đồng chăm sóc cộng đồng và vì sức khỏe cộng đồng”.

Ghi nhận những đóng góp của đội ngũ y bác sĩ của Trường ĐHYK Phạm Ngọc Thạch, PGS.TS.BS Phạm Lê Tuấn (Nguyên thứ trưởng Bộ Y tế, Chủ tịch Hội Quân Dân y Việt Nam) nhận định Hội thảo Tập huấn chăm sóc F0 tại nhà và phòng chống Covid tại cộng đồng là dịp để cập nhật kiến thức, chia sẻ kinh nghiệm, qua đó góp phần nâng cao năng lực cho lực lượng tuyến đầu, bảo vệ chăm sóc sức khỏe cho người dân tại nhà và trong cộng đồng, đặc biệt trong tình hình hiện nay. Nguyên thứ trưởng Bộ Y Tế cũng khẳng định: “Kinh nghiệm của đội ngũ y bác sĩ của Trường ĐHYK Phạm Ngọc Thạch trong công tác phòng chống dịch Covid-19 tại TPHCM là những bài học rất quý giá, góp phần giúp các tỉnh khác có thể sẵn sàng hơn trong quá trình phòng chống dịch bệnh”. Tại hội thảo, Tiến sĩ Nguyễn Quốc Triệu (Nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế) cũng nhận định: “Hội thảo không chỉ giúp cho đội ngũ y tế cơ sở cập nhật kiến thức, kỹ năng và thái độ tiếp cận đối với người bệnh, mà còn góp phần đẩy mạnh phòng chống Covid-19 từ cơ sở chăm sóc sức khỏe ban đầu. Qua đó tăng cường truyền thông để người dân hiểu và thay đổi hành vi phù hợp trong cuộc sống hằng ngày, nhằm có lợi cho việc hạn chế nhiễm mới, hạn chế thấp nhất tử vong và chất lượng cuộc sống của nhân dân ngày càng được đảm bảo tốt hơn”.

Bích Vân

Chia sẻ:

Bình luận

có thể bạn quan tâm

Liên hoan Tiếng hát đồng bào Công giáo Quận 3   
Liên hoan Tiếng hát đồng bào Công giáo Quận 3  
Liên hoan “Tiếng hát đồng bào Công giáo Quận 3” lần 4 năm 2024 đã diễn ra trong hai đêm 30 và 31.10.2024 tại Trung tâm Văn hóa Quận 3, do Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam Quận 3 phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ Thành...
Dành thời gian cho con
Dành thời gian cho con
Một buổi chiều nọ, trong lúc cả nhà đang dạo chơi công viên, tôi bắt gặp một đôi vợ chồng trẻ đang nô đùa với đứa con nhỏ của mình.
Chọn đối diện,  đừng chọn lảng tránh!
Chọn đối diện, đừng chọn lảng tránh!
Cô gái sinh trưởng trong một gia đình hòa thuận, cha mẹ đều tiến bộ, tâm lý trong cách dạy con, từ bé đã tự tin, dạn dĩ, năng động và có chính kiến. Đến tuổi thiếu nữ, cô đem lòng yêu một anh chàng khác hẳn mình: Hiền lành,...
Liên hoan Tiếng hát đồng bào Công giáo Quận 3   
Liên hoan Tiếng hát đồng bào Công giáo Quận 3  
Liên hoan “Tiếng hát đồng bào Công giáo Quận 3” lần 4 năm 2024 đã diễn ra trong hai đêm 30 và 31.10.2024 tại Trung tâm Văn hóa Quận 3, do Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam Quận 3 phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ Thành...
Dành thời gian cho con
Dành thời gian cho con
Một buổi chiều nọ, trong lúc cả nhà đang dạo chơi công viên, tôi bắt gặp một đôi vợ chồng trẻ đang nô đùa với đứa con nhỏ của mình.
Chọn đối diện,  đừng chọn lảng tránh!
Chọn đối diện, đừng chọn lảng tránh!
Cô gái sinh trưởng trong một gia đình hòa thuận, cha mẹ đều tiến bộ, tâm lý trong cách dạy con, từ bé đã tự tin, dạn dĩ, năng động và có chính kiến. Đến tuổi thiếu nữ, cô đem lòng yêu một anh chàng khác hẳn mình: Hiền lành,...
Ba tôi ở nhà thờ Thánh Phaolô
Ba tôi ở nhà thờ Thánh Phaolô
Chúng tôi trao đổi danh thiếp. Nhìn dòng địa chỉ, tôi buột miệng: “Chị ở khu Tên Lửa à? Ba em nghỉ ngơi ở nhà thờ Thánh Phaolô, nên em cũng thường ngang hướng đó”.
Nhớ quê
Nhớ quê
Sáng nay đi tập thể dục về ngang qua dãy nhà trọ, chị chợt xao xuyến khi nghe câu hát ru vẳng ra: “Gió đưa, gió đẩy về rẫy ăn còng - Về sông ăn cá, về giồng ăn dưa…”. Ðã từ lâu, chị chưa về thăm vùng sông nước...
Trong làn khói hương
Trong làn khói hương
Em bé theo chân mẹ thắp hương nơi nghĩa trang các linh mục thuộc dòng Mẹ Chúa Cứu Chuộc trong một buổi sáng rực nắng vàng. Bé gái nói lý do muốn phụ mẹ thắp nhang vì nghĩa trang có rất nhiều ngôi mộ…
Nhớ kinh cầu Ðức Bà
Nhớ kinh cầu Ðức Bà
Tuổi thơ tôi lớn lên trong một xóm lao động ở Gò Vấp, ngay sau lưng ngôi thánh đường cổ kính Hạnh Thông Tây, gọi là “xóm nhà thờ”, nhưng có chưa đến phân nửa số gia đình trong xóm theo đạo Công giáo.
Từ việc tăng, giảm nguồn nhân lực trong Giáo hội
Từ việc tăng, giảm nguồn nhân lực trong Giáo hội
Vatican vừa công bố thống kê về nhân lực trong Giáo hội. Số tín hữu gia tăng ở những vùng truyền giáo, nhưng lại giảm ở Âu châu. Số nữ tu và chủng sinh giảm.
Cơn sốt hàng giá rẻ
Cơn sốt hàng giá rẻ
Tuần qua, một vấn đề thời sự có sức thu hút, lôi kéo sự quan tâm của không chỉ người trẻ hay trung niên, mà cả những người lớn tuổi, không phân biệt đàn ông hay phụ nữ, đã bàn tán rôm rả, vui có mà lo âu cũng có,...