Ứng phó khi đối mặt bài toán mang tên “thời bão giá” để đảm bảo cuộc sống với người sống ở các đô thị lớn không hề dễ dàng.
NGẠI ĐIỀU CHỈNH TĂNG GIÁ
![]() |
Chị Lê Ngọc Lan (quận Bình Thạnh, TPHCM): Vợ chồng tôi mở quán cơm nhiều năm nay và phải thừa nhận rằng chưa thời điểm nào buôn bán khó khăn như bây giờ. Suốt nhiều tháng dịch đóng cửa nghỉ đã đành, nhưng sau ngày bình thường trở lại, việc buôn bán cũng không còn như xưa. Khách đến ăn cơm, mua cơm giảm đáng kể. Từ sau Tết, nguồn rau củ, cá thịt, gạo dầu, mắm muối… đều nhỉnh giá lên. Ban đầu, tôi chấp nhận lời ít lại để giữ khách ổn định nhưng gần đây hết gồng nổi, tiệm cơm cũng phải chỉnh tăng giá lên mỗi lần một chút, nếu không thì thu không đủ bù chi. Người bán hàng như chúng tôi lại cũng không được trợ giúp gì khi vật giá tăng như vậy cả. Trong khi tiền thuê nhà để bán hàng chỉ có tăng thêm chứ nào giảm. Mỗi lần phải treo bảng nói lý do tăng và giải thích cho khách, vợ chồng tôi chẳng vui xíu nào.
THIỆN NGUYỆN CŨNG THÊM ÁP LỰC
![]() |
Chị Đào Thị Minh Lệ (quận Tân Bình, TPHCM): Là người điều hành Tổ chức tình nguyện Y Tâm, tôi cùng các cộng sự trong các dự án cộng đồng gặp ít nhiều khó khăn khi các nguồn hỗ trợ trở nên eo hẹp hơn. Hiện một số quỹ xã hội của các doanh nghiệp bị cắt giảm nên không thể gây quỹ từ nguồn này như trước mà buộc phải gây quỹ cá nhân. Ví dụ, dự án khuyến học trước đây là doanh nghiệp chung tay giúp nhiều, nay nhà tài trợ là cá nhân. Về mô hình, chúng tôi cũng phải gom dự án lại. Trước làm dự án lớn, nay thu lại vừa và nhỏ để có thể duy trì. Mọi thứ đều tăng giá khiến người làm công tác xã hội cũng đau đầu, nhiều khi phải tính toán kỹ lưỡng, cũng như tìm phương cách. Như chương trình bếp cơm phải tìm nguồn thực phẩm giá ổn định, lên danh sách kỹ lưỡng mọi khoản chi để tránh lãng phí. Vốn dĩ khi thực hiện một chương trình từ thiện cụ thể đã đau đầu tính toán sao cho tiết kiệm nhất những khoản phát sinh nhưng lại đạt được hiệu quả tốt, nay lại càng phải tính kỹ hơn.
BỮA SÁNG THỜI VẬT GIÁ TĂNG
![]() |
Anh Hà Kim Sỹ (quận 7, TPHCM): Thói quen chi tiêu của tôi có nhiều thay đổi kể từ khi đại dịch hoành hành kéo theo nhiều hệ lụy. Nhân viên văn phòng với lương mới ra trường vài năm như tôi cũng phải tính toán lại những khoản cần chi tiêu. Từ đầu năm nay, xăng tăng giá và nhiều thứ khác cũng tăng theo đáng kể, nên tiết kiệm trở thành điều bắt buộc khi mà số tiền mình kiếm được không tăng. Thay vì sẽ chi 30.000đ đến 50.000đ ăn sáng tại quán mỗi ngày, tôi sẽ giảm số ngày ăn bên ngoài và tăng nấu bữa sáng ở nhà. Tôi không giỏi đi chợ, nấu nướng nên bữa trưa vẫn phải chọn ăn ngoài. Tôi thấy nhiều đồng nghiệp nữ nấu ăn mang theo bữa trưa, cũng bởi sẽ tiết kiệm được nhiều hơn. Để ý kỹ, thấy mọi người dường như giảm đặt nước uống, thức ăn so với năm ngoái, vì cả tiền đồ ăn thức uống lẫn phí giao hàng cũng tăng. Ngoài ra, để trụ ở thành phố thì làm thêm cũng là cách nhiều người, trong đó có tôi đang chọn.
MƯU SINH THÊM VẤT VẢ
![]() |
Bà Nguyễn Thị Kiểu (TP Thủ Đức, TPHCM): Đi bán vé số hay lao động chân tay bấp bênh như chúng tôi thì chắt bóp mới trụ bám qua ngày được. Cuộc sống thêm chật vật vì thức ăn tăng giá. Tôi thì đi bộ và chỉ nấu ăn ngày một bữa tối nên không tốn xăng, ít hao gas, nhưng mà đi mua đồ ăn cũng thấy các hàng ăn chỗ nào cũng tăng giá, ít thì vài ngàn, nhiều thì lên năm ngàn, mười ngàn. Trong khi đó, tiền lời được từ mỗi tờ vé số bán ra cũng chỉ vậy thôi, không tăng. Mà có khi bây giờ tiền bán còn ít hơn trước vì tôi thấy người mua ít hơn. Đi bán dạo nên tôi cũng xin được suất ăn cơm trưa từ thiện, đỡ được bữa nào hay bữa đó. Ở thành phố, khi cái gì cũng đắt đỏ hơn thì sẽ chẳng tiết kiệm được nhiều.
NGƯỜI BUÔN BÁN TÌM CÁCH DUY TRÌ
![]() |
Chị Trương Thị Ngọc Giàu (quận Tân Phú, TPHCM): Bất kỳ ngành nghề kinh doanh nào cũng có sự cạnh tranh. Cạnh tranh càng gay gắt hơn trong bối cảnh sau biến đổi của dịch bệnh, kinh tế nhiều thành phần bị ảnh hưởng, sức mua ít, giá cả nguyên liệu tăng. Tất cả các yếu tố đó tác động lớn tới việc kinh doanh và đòi hỏi nhiều điều chỉnh mới có thể trụ vững. Bán thức uống được giới trẻ yêu thích là trà sữa, mọi người nghĩ sẽ thoải mái kinh doanh, nhưng khi vật giá tăng mà làm ra tiền thì lại khó, không ít người tiêu dùng đã chắt bóp chi tiêu. Người ta sẽ cân nhắc nhiều hơn khi mua, thậm chí còn có sự so sánh về giá tiền giữa các loại, các cửa hàng… Đồ uống ngon chưa đủ để giữ chân khách trong thời buổi khó khăn. Cho nên người bán cũng buộc phải nghĩ ra nhiều cách thức như các chương trình giảm giá, tặng thêm cho khách hàng. Dù các biện pháp khuyến mãi này ảnh hưởng lợi nhuận nhưng trong tình hình chung là vậy, vẫn phải thực hiện nếu muốn trụ lại.
Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, tòa soạn sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng cgvdt.vn của mình.
Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn”.
Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Công giáo và Dân tộc.