Hơn 30 năm trước, mỗi lần các cháu nội ngoại về thăm, bà nội tôi thường nấu chè bánh canh gạo đãi. Món này bà cũng hay làm trong những lần giỗ chạp. Quê tôi xứ Nẫu, ở tận vùng ven trồng lúa nên gạo vẫn là nguyên liệu chính xay thành bột để chế biến các món ăn. Trong đó, món chè bánh canh gạo dễ nấu, nhanh tiện, dễ ăn.
![]() |
Người ta thường chọn gạo có tinh bột nhiều (không dùng gạo dẻo), ngâm cho mềm, đem xay bằng cối, sau đó đổ vào bao vải để ráo nước cho vừa khô rồi lăn bột lên mặt thớt, cán dẹp và cắt thành sợi. Công đoạn tiếp theo là nấu nước đường (theo tỷ lệ 1,5 kg đường vàng/1 kg gạo, hoặc ít đường hơn tùy khẩu vị), bỏ một ít gừng xay nhuyễn vào, đun sôi 15 - 20 phút rồi trút bánh canh vào nồi, lấy một ít bột đánh vào cho dẻo nước đường. Chè chín thì vớt ra chén để nguội, khi dùng có thể cho thêm nước cốt dừa hoặc rắc mè lên nếu thích.
Tôi còn nhớ ông nội rất hảo món này, mỗi lần đi câu về là ông ăn ngay vài chén, có khi chẳng buồn ăn cơm. Bà nội tôi chẳng nói gì mà chỉ cười vì biết đó là món ông thích, nó vừa dân dã, đạm bạc nhưng bổ cho cơ thể gầy yếu của ông.
Chiều Sài Gòn, đi qua con hẻm nhỏ chợ Tân Bình, chợt thấy cô bán chè dạo với món chè bánh canh gạo, lòng tôi bỗng bùi ngùi nhớ ông bà và chén chè ngày xưa. Bây giờ khắp quán xá chỉ thấy bày bán sâm bổ lượng, chè đậu thập cẩm, cocktail, gần đây có thêm chè khúc bạch. Nhưng với tôi, món chè thơ ấu mộc mạc “bánh canh gạo” vẫn không quên. Và tôi nghĩ chắc ai đó cũng vậy, chẳng thể nào quên món ăn tuổi thơ mà mình ưa thích.
HỒ NGUYÊN LỄ
Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, tòa soạn sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng cgvdt.vn của mình.
Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn”.
Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Công giáo và Dân tộc.