Thứ Sáu, 19 Tháng Giêng, 2018 16:35

Chi tiêu mùa Tết của người xa quê

Đối với những người rời quê đi đến đất khách học và mưu sinh, Tết là mùa họ mong ngóng được quay trở về quê nhà, sum vầy với người thân nhất. Thế nhưng để  được một mùa vui trọn vẹn, cuối năm có biết bao điều phải lắng lo, trong đó có bài toán chi tiêu.

 

\1. Sắp sửa đón cái Tết đầu tiên sau năm đầu đi làm, chị Trịnh Thị Quỳnh Thi (Tân Bình, TPHCM) háo hức: “Mới năm trước mọi chi phí của tôi đều phải do ba mẹ lo. Tết năm nay thì tôi đã có thu nhập riêng nên cảm giác rất khác, vừa nôn nao mà cũng vừa ái ngại. Năm đầu đi làm lương còn ít, vả lại cả năm cũng chưa tích cóp được gì nên Tết năm nay sẽ cố tiết kiệm mấy khoản như sắm quần áo, giày dép... Vả lại, quê tôi ở Long An, cách Sài Gòn chừng 50 cây số thôi nên chi phí đi về xe không tốn nhiều. Bởi vậy tiền tiêu Tết có lẽ sẽ dành lì xì cho ba mẹ, em, cháu... trong nhà”. Cùng chung một tâm trạng mong chờ Tết, nhưng với những người có quê ở quá xa, Xuân đến đồng nghĩa với trăm nghìn nỗi lo về chi tiêu. Chị Lê Thị Hằng quê ở Thanh Hóa, hiện đang làm nhân viên Ðiện Máy Chợ Lớn (chi nhánh Thủ Dầu Một, Bình Dương), tâm sự ngày sắp Tết, khoản làm chị bận tâm nhất là tiền vé tàu xe về quê. “Vì công việc nên phải mua vé cận Tết. Thường thì tôi sẽ về trong khoảng từ ngày 25 - 27 âm lịch, mà mấy ngày đó thì vé khá đắt. Năm ngoái đi tàu, chiều ra và chiều vô tổng cộng 3 triệu đồng. Năm nay vì ngày 27 mới được về nên tôi mua vé máy bay khứ hồi, mất gần 7 triệu, hơi xót, nhưng nhà xa nên phải chịu. Chi đậm cho việc đi lại rồi nên mấy khoản khác mình phải dè xẻn, như khoản sắm quần áo Tết, vì ở quê lạnh lắm, mặc quần áo ấm cũ được rồi chứ mua thêm nữa khi vào Sài Gòn cũng không mặc”, chị Hằng chia sẻ.

Tiền vé đi lại chiến một khoản không nhỏ của người xa quê trong chi phí mùa Tết

Không chỉ riêng chi phí đi lại mà ngay cả các khoản mua sắm, biếu tặng cũng gây đau đầu không ít người. Sắp sửa đón cái Tết mới sau khi về chung một nhà, đôi bạn trẻ Nguyễn Hoàng Sơn và Lâm Thị Thu Nguyệt cho biết, không khí Tết năm nay không còn thảnh thơi như những năm độc thân: “Vợ Bắc chồng Nam nên cái Tết đầu tiên hai đứa hơi khó xử, tính mãi mới chia được thời gian về quê cả hai. Riêng về quê chồng thì phải đi thăm họ hàng nhiều do phong tục dành cho hai vợ chồng mới cưới. Mà đi ra mắt thì phải có chút ít quà, thế nên trước Tết cả tháng chúng tôi đã phải tính chuyện mua quà sao cho phù hợp với từng người và cân đối cho hợp với túi tiền”. Còn với những đôi lập gia đình lâu, đã có con cái thì mọi khoản chi tiêu cho việc về quê đón Tết đều phải gấp đôi, gấp ba, như chị Nguyễn Thị Nga (Tân Phú, TPHCM):  “Năm trước chúng tôi không về quê do cháu thứ hai còn nhỏ quá. Năm nay gia đình 4 người dự định về nội, để các cháu thăm ông bà. May là có kế hoạch nên đã dành dụm một ít trước để xoay sở chi phí đi lại cho cả nhà. Còn phần thưởng Tết của cả hai vợ chồng thì sẽ trích ra biếu ông bà và mua sắm cho các con”.

2. Bên cạnh những người có kế hoạch cũng như điều kiện để về thăm nhà dịp Tết, cũng có không ít người tha hương phải bấm bụng đón Xuân nơi đất khách. Ở lại thành phố đón Tết đồng nghĩa với việc dân tứ xứ tiết kiệm được nhiều khoản chi tiêu. Không chỉ vậy, thời gian này còn là cơ hội để nhiều người tìm kiếm thêm thu nhập. Nhiều bạn sinh viên ở các gia đình khó khăn, quê tận miền Bắc, miền Trung đã chọn ở lại làm thêm, với mong muốn chia sẻ gánh nặng cho gia đình. Do thiếu nhân lực nên vào thời điểm Tết, các cửa hàng thuê người với thù lao rất cao, có khi gấp 3 - 4 lần so với những ngày bình thường. Bạn Thành Tâm quê ở Hà Tĩnh tiếc nuối: “Tết này em nói với gia đình không về để ba mẹ khỏi xoay xở tiền vé cho em. Quyết định ở lại lâu rồi mà giờ nghe bạn bè nôn nao Tết, em cũng có chút buồn, nhưng thôi cố gắng làm, ra Tết có thời gian thì về sau!”.

Sinh viên làm thêm trong những ngày Tết

Tết nơi đất lạ, cho dù có làm cách gì niềm vui cũng không thể trọn vẹn. Dù vậy, những người con đi xa vẫn đau đáu nhớ thương quê nhà. Họ không tiêu xài ngày Tết nhiều, mà chỉ dành ra chút ít trong khoản tiết kiệm, tổ chức bữa tiệc nhỏ rồi cùng anh em chung cảnh ngộ, chia sẻ nỗi niềm nhớ quê. Anh Nguyễn Duy Phương, đang làm việc tại thành phố Nagano (Nhật Bản) kể: “Tôi sang đây mới 6 tháng. Cái Tết này là Tết đầu tiên xa nhà, nhiều cảm xúc lẫn lộn lắm. Bên này không có ngày nghỉ, nên tôi chỉ có thể cùng mấy anh em đồng hương Việt Nam vào siêu thị mua ít đồ ăn cùng đón giao thừa. Sang hơn chút thì tính mua con gà, rồi cả đám xúm lại làm nồi lẩu. Tết năm nay không phải chi tiêu nhiều, nhưng cũng không dám phung phí, vì chỉ có mấy năm làm bên này nên cũng tính toán tiêu xài hợp lý, để ngày về có dư. Không bõ công mình đi làm xa”.

Mỗi một mùa Tết đến, bài toán về chi tiêu vẫn làm bận lòng nhiều người. Ðể rồi, sau khi không khí ngày Xuân nô nức qua đi, họ sẽ lại trở về với guồng quay và nỗi lo khác từ công việc và những sinh hoạt thường nhật.

ÐỖ YÊN

Ý kiến bạn đọc ()
Tin khác
Xem thêm