Ngày tôi còn nhỏ, đâu đã có điện nên cũng không có những chiếc quạt máy chạy vù vù xua tan cái nóng như ngày nay, cuộc sống của hầu hết người ở quê trong mùa hè oi nồng, vẫn chỉ quẩn quanh bên những chiếc quạt đan nan, quạt giấy và quạt mo cau mà thôi.
Những loại quạt mộc mạc bình dị ấy xuất hiện trong bất cứ nhà ai, làm bớt đi cái nóng hầm hập trong bữa cơm hay lúc nghỉ ngơi, cũng như trong giấc ngủ ban trưa, buổi đêm.
![]() |
Nhà tôi có 3 anh chị em, cả bố mẹ với ông bà nội là 7 thành viên, vì thế mà trong nhà ít nhất cũng phải có 7 chiếc quạt các loại. Khi đi chợ phiên bên làng lúc đầu mùa hè, bao giờ mẹ cũng không quên mua mấy chiếc quạt giấy và quạt nan về để phân phát cho mỗi người một cái. Những chiếc quạt này nhẹ và mang lại nhiều gió nhưng thường rất nhanh hỏng. Có khi chỉ được dăm bữa, nửa tháng là đã rách rồi và mẹ lại phải mua loạt quạt mới. Thấy việc mua quạt liên tục gây tốn tiền nên bà nội tôi đã nói mẹ không phải mua nữa, bà sẽ nhặt những cái mo cau tách bẹ từ trên cây cau xuống để làm quạt cho bền. Nhà tôi có hàng cau gần chục cây trồng ở phía trước sân để lấy quả dùng cho việc cúng giỗ, tết nhất hay khi nhà có tiệc tùng, vì thế mà mo cau rất nhiều. Hầu như tháng nào các cây cau cũng thay một vài tàu lá và khi cái nào vừa rụng xuống, bẹ còn trắng nõn là bà tôi đã vội mang dao ra cắt làm quạt. Chỉ cần một loáng là nội đã cắt, làm được một chiếc quạt mo cau có hình bầu dục, to hay nhỏ là tùy vào chiều rộng của cái bẹ tàu lá. Phía đầu quạt bao giờ nội tôi cũng “thiết kế” nhỏ hơn và có chỗ tay cầm nhô lên to bằng bàn tay, còn phía dưới, nội xén to dần trở xuống để chiếc quạt đón được nhiều gió hơn. Khi cắt xén và định hình xong là công đoạn rửa nước cho sạch rồi mang quạt ra phơi nắng khoảng 3-5 ngày cho khô để chống nấm mốc, sau đó ép dưới vật nặng chừng vài tiếng đồng hồ cho phẳng phiu, bởi khi phơi nắng, nó thường bị co cong tròn lại.
Quạt mo cau không chỉ nhẹ, tạo được nhiều gió mát cho người quạt, mà còn rất bền, thậm chí là siêu bền nếu như nó được “gia cố” thêm đường vải viền khâu bao xung quanh lề ngoài của quạt, cùng đoạn que nẹp làm khung xương theo chiều dài của chiếc quạt. Thường chỉ vào mùa đông, nhà tôi mới không sử dụng tới quạt, còn suốt cả ba mùa với gần chục tháng ròng rã, quạt mo “hoạt động” hết công suất. Khi dùng lâu quá, màu quạt xỉn đi, nội tôi mới làm những chiếc quạt mới. Khi đó, anh chị em chúng tôi hay tranh những chiếc quạt mới, vứt bỏ mấy cái cũ. Nội thấy tiếc nên hay mang chúng giặt lại, phơi khô rồi cho những nhà hàng xóm thiếu quạt.
Khi còn ở tuổi mẫu giáo, mỗi lần tàu bẹ cau rơi xuống, tôi vẫn thường tranh “hàng” với nội, bởi bọn nhỏ trong xóm vẫn thường rủ tôi chơi trò ngồi kéo mo cau quanh sân, quanh ngõ. Vì nhà nhiều cau, lắm tàu bẹ lá nên nội thường cười tươi nhường tôi ngay. Bà có thể làm quạt lúc nào cũng được mà.
Ai sinh ra và lớn lên ở làng quê Việt mà chẳng có những kỷ niệm đầy ăm ắp về những chiếc quạt mo cau xua đi cái nóng bức mùa hè! Giờ đây sống ở thành phố với đủ đầy những kiểu quạt điện hiện đại, thậm chí cả máy lạnh nhưng thi thoảng tôi vẫn nhớ về cái thời quạt mo nghèo khó, vất vả mà đẹp mà thơ…
HOÀNG THANH PHONG
Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, tòa soạn sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng cgvdt.vn của mình.
Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn”.
Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Công giáo và Dân tộc.