Thứ Ba, 16 Tháng Giêng, 2018 13:52

Cho con sự an toàn khi đến lớp

LTS: Trang “Gia đình” (CGvDT số 2135) có bài “Khi những búp non bị bạo hành” (Nguyễn Ngọc Hà), đã đề cập những nỗi lo của các bậc phụ huynh trước tình trạng con cháu bị bạo hành ở một số trường mầm non và ước mong về một môi trường an toàn cho trẻ. Trong số báo này, chúng tôi tiếp tục gởi đến bạn đọc bài “Cho con sự an toàn khi đến lớp” của tác giả Võ Lê, ghi nhận những kinh nghiệm trong việc tìm kiếm sự an toàn cho con từ chính các bậc cha mẹ.

 

Dành thời gian quan sát nơi gởi con

Không phải cha mẹ nào cũng có tâm trạng vui vẻ thoải mái khi ngày ngày cho con đi nhà trẻ, nhất là sau những vụ bạo hành ở các trường mầm non được báo chí phanh phui. Chính vì thế,  khi cho con trẻ đến lớp, việc chọn nhà trẻ công, tư hay thậm chí là thuê bảo mẫu trực tiếp thì phụ huynh cũng nên có những kiến thức cần biết và dựa vào đó để đánh giá độ tin cậy, an toàn mà gửi gắm con mình.

Giờ chơi của các bé tại một trường mầm non ở Thủ Đức - ảnh: CTV

Muốn có một môi trường tốt cho con, trước hết cha mẹ cần phải có thời gian để chọn trường và quan sát chứ không chỉ nghe một phía từ nhà trường cũng như các phụ huynh khác. Chị Nguyễn Thị Mây (Q7, TPHCM) cho biết, mình đã dành cả tháng để tìm kiếm những ngôi trường phù hợp cho con theo học. Tới mỗi trường, ngoài việc tham quan không gian học, nhà vệ sinh, khu nấu ăn thì quan trọng nhất vẫn là xem cách các cô giáo tương tác và dạy các bé thế nào: “Thường thì tôi hay đến các trường vào tầm 9 giờ sáng hoặc 3 giờ chiều, thời gian này các bé được sinh hoạt tập thể, cô giáo hay cho các bé chơi đùa. Khi thấy các cô vui vẻ, cho bé vào trong lòng như chính ba mẹ ruột, tôi rất vui”.

Còn anh Trần Quang Nam (Thủ Ðức, TPHCM) thì kiểm tra thông tin về trường học của con có phần khác. Ngay từ khi cho con đến lớp mầm non, anh đã so sánh cách dạy học của nhà trường xem có “cùng hệ” với gia đình mình hay không. Người cha này cũng bỏ ra một tháng trời để theo dõi máy quay (camera) xem khi con mình nghịch phá, cô giáo đã kỷ luật bằng cách nào, có quát mắng hay cho phạt đứng vào góc tường; giáo viên có mở tivi cả ngày hay có thời gian cụ thể; mỗi lần cho ăn thì có ép hoặc đánh các bé hay không; khi đến giờ ngủ, nếu trẻ không ngủ thì các cô sẽ làm gì... Ngoài ra, vào mỗi ngày đưa con đến lớp, anh Nam cũng hay quan sát xem lớp có đủ cô giáo không, nếu một ngày nào có cô bị ốm, hay nghỉ vì việc riêng thì anh lại đặt câu hỏi xem ai là người thay thế, họ có đủ trình độ về giảng dạy hay không… Anh chia sẻ thêm: “Thay vì hỏi thăm giáo viên cũng như ý kiến phụ huynh khác thì tôi thường trực tiếp ghé trường đột xuất xem sự tương tác của giáo viên với trẻ, xem giờ sinh hoạt, vệ sinh thế nào. Vì dù trường có camera nhưng tôi cũng không an tâm vì có rất nhiều trường hợp bạo hành trẻ ở góc khuất, ở nhà không xem được. Với những chuyến kiểm tra đột xuất như thế, phụ huynh sẽ ghi nhận được tình hình thực tế hơn ”.

Kết nối với giáo viên

Có bao nhiêu giáo viên giữ trẻ trong một lớp? Ðây là vấn đề mà chị Trần Thị Hiếu, một phụ huynh ở Nhà Bè (TPHCM) hay để tâm. Ðối với chị, thường một lớp mầm thì khoảng 20 - 30 bé và nên có ít nhất 2 cô để dễ quan sát và tiện sinh hoạt khi cần. “Nếu cô giáo này lo cho các bé vệ sinh cá nhân thì cô giáo kia hỗ trợ và theo dõi các bé, tránh tình trạng để trẻ nô đùa quá mức gây tai nạn như bị té, ngã vào ghế”, chị Hiếu nói. Trước khi gởi hai con mình vào trường mầm non, người mẹ này đã theo dõi rất kỹ trang website, cũng như fanpage của trường. Mục đích của chị không phải xem hình ảnh vui chơi của các bé vì theo chị, những hình ảnh đó không thể hiện được chất lượng của trường, mà quan trọng là để ý xem các giáo viên ai là người có thâm niên lâu, nhân sự có thường xuyên thay đổi hay không. Ðiều đó đã giúp chị có được câu trả lời về sự uy tín của trường mà an tâm gởi con.

Một số phụ huynh quan sát giờ học xem sự tương tác giữa trẻ và giáo viên để an tâm hơn khi gởi con đến lớp - ảnh CTV

Với những trường hợp bé chưa biết nói, các bậc cha mẹ thường rất lo lắng vì lỡ con mình có bị hành hạ thì cũng không biết ra sao. Ðể biết một ngày của con thế nào, ngoài việc quan sát qua máy quay thì phụ huynh cũng nên lắng nghe tâm sự từ phía cô giáo và phải thật thoải mái, thân thiện khi trao đổi. “Ban ngày tôi thường bận và nghĩ giáo viên của con cũng vậy nên mình cứ tranh thủ gọi điện hỏi thăm vào những buổi tối thích hợp”, chị Thanh Thủy, một phụ huynh ở Gò Vấp (TPHCM) kể về cách tạo sự liên kết giữa gia đình và nhà trường. Theo chị, làm như vậy, con mình sẽ được quan tâm, chăm sóc tốt hơn.

Ðôi khi mâu thuẫn giữa phụ huynh và người giữ trẻ cũng xảy ra, một phần cũng do các ông bố bà mẹ thương và xót cho con. Chị Trần Lê Vân (Thủ Ðức) cho hay, có những buổi thấy cô giáo đánh con mình nặng tay, chị cũng bực tức và quát mắng cô trước mặt các bé. Sau khi hiểu được nguyên nhân do con mình nghịch nhiều, chị đã gặp mặt giáo viên và xin lỗi. Ðiều này giúp hai người xóa bỏ được hiểu lầm. “Giờ đây mỗi khi có vấn đề gì, cô giáo cũng gọi điện xin phép để có hướng giải quyết cho bé tốt hơn, như vậy tôi cũng an tâm, không quá lo lắng”, chị thật thà.

Không ít phụ huynh từng có nhiều trải nghiệm còn cho rằng, trong những trường hợp cảm thấy người giữ trẻ không có năng lực, cũng như có nhiều biểu hiện bạo hành thì các cha mẹ hãy mạnh dạn nói thẳng với phía đại diện nhà trường, chỉ ra những lỗi sai của họ. Trong cuộc họp phụ huynh, mỗi người cứ bày tỏ quan điểm của mình xem ý kiến chung có thống nhất hay không. Chỉ cần mang đến cho con mình sự an toàn là cha mẹ nào cũng đồng ý.

 

VÕ LÊ

Ý kiến bạn đọc ()
Tin khác
Xem thêm