Những ngày này, các giáo phận Xuân Lộc, Qui Nhơn, TGP TPHCM… đã tổ chức những khóa huấn luyện giáo lý viên ngắn hạn để trang bị thêm kiến thức, kỹ năng cho những người nhận sứ vụ giảng dạy đức tin tại địa phương. Qua đó, có thể thấy việc dạy giáo lý luôn đòi hỏi người dạy phải thường xuyên trau dồi kiến thức, trang bị các kỹ năng hầu có thể tổ chức giờ học sinh động và đem giáo lý của Hội Thánh đi sâu vào lòng học viên. Các giáo lý viên đang tham gia công việc giảng dạy cho thiếu nhi tại các xứ đạo đã chia sẻ cùng CGVDT.
HỌC CÁCH KỂ CHUYỆN VÀ LÀM GIÁO CỤ GIẢNG DẠY
Chị Nguyễn Thị Hằng (Gx Gò Mây, TGP TPHCM): Các bạn nhỏ trong lớp tôi dạy chỉ 8, 9 tuổi nên rất thích thú khi được nghe các anh chị kể chuyện. Vậy nên, việc học cách kể chuyện sao cho thu hút và làm các giáo cụ giảng dạy như bộ hình các con vật, hình minh họa các câu chuyện trong Thánh Kinh… là bước đầu chuẩn bị để chúng tôi tạo nên một giờ học sinh động. Trong lớp, các bé được nghe anh chị thuyết minh và nhìn vào hình ảnh trực quan nên nhanh chóng đi vào bài, hứng thú đưa ra câu hỏi hơn. Những ví dụ tôi thường kể cho các em là chuyện về các bạn nhỏ đó đây đang gặp khó khăn, sau đó gợi ý cho các bé xem có thể làm gì để giúp bạn, hay là những mẩu chuyện nhỏ dạy các em phải biết giúp đỡ cha mẹ khi ở nhà… Ðơn giản, ngắn gọn, ý nghĩa là tiêu chuẩn chung cho mỗi bài học thực tế được nêu lên trong lớp. Tất cả mọi thứ chúng tôi làm đều vì mong ước cho các bé được thêm yêu mến Chúa và có thêm kỹ năng xử lý tình huống trong cuộc sống.
ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ
Anh Ðinh Quang Ðạt (Gx Bùi Chu, GP Xuân Lộc): Trong thời đại hiện nay, việc ứng dụng công nghệ vào giảng dạy đã không còn xa lạ. Ở mỗi giờ học, tôi cho các em xem phim hoạt hình về các dụ ngôn của Chúa Giêsu, các câu chuyện trong Thánh Kinh… Ðó là những câu chuyện đơn giản, dễ nhớ và khi được xem qua phim ảnh sống động, đầy màu sắc thì dễ dàng gợi lên sự hứng thú và đọng lại lâu dài trong học viên bài học cốt lõi. Thêm vào đó, tôi đưa ra những câu đố và trò chơi để tạo bầu khí lớp học vui vẻ, sinh động. Hiệu quả nhận được nhanh chóng là trẻ thêm hứng thú và nhớ bài lâu hơn nhiều. Dạy giáo lý không chỉ là nói về Chúa cách thao thao bất tuyệt. Công việc hữu ích này đòi hỏi người đứng lớp phải đầu tư nhiều tâm sức và biết tận dụng các phương tiện sẵn có để làm cho bài học thấm nhuần nhẹ nhàng mà bền lâu trong tâm trí học viên.
MỖI NHÓM TUỔI CÓ PHƯƠNG PHÁP TRUYỀN ÐẠT RIÊNG
Chị Nguyễn Tường Anh (Gx Ða Minh, TGP TPHCM): Tôi từng được đứng lớp dạy 2 nhóm tuổi khác nhau, nên nhận thấy ở mỗi nhóm tuổi thì cần có cách riêng để truyền đạt kiến thức cho các em chú ý và hiểu bài. Nhóm đầu tiên tôi dạy là các bé 5, 6 tuổi. Các em tuổi này thường có thời gian tập trung ngắn, nên tôi chia bài ra nhiều phần nhỏ, xen kẽ vào đó là thời gian cùng hát, nhảy múa, chơi trò chơi đố vui, ô chữ… Tất cả các hoạt động đều sát với nội dung bài gốc, nhưng tạo cho trẻ nhiều hoạt động để vừa được vui, vừa được học. Khi đứng lớp của các em 14 - 16 tuổi thì tôi buộc phải thay đổi cách tổ chức giờ học. Tôi thường đưa ra những sự kiện, tin tức nổi bật từ thực tế cuộc sống và mời các em nói lên suy nghĩ. Quy trình quen thuộc là để trẻ nói những ý kiến riêng về sự việc, đưa ra cách giải quyết và liên hệ đến bản thân. Sau tất cả, giáo lý viên sẽ là người đúc kết, rút ra bài học liên quan đến nội dung giáo lý. Sau mỗi giờ lên lớp, tôi sẽ để ý xem các em có vui, thích, hiểu bài hay không để nếu chưa đạt hiệu quả thì tìm kiếm, chọn lựa cách khác cho phù hợp. Tôi cũng nhận được phản hồi từ phía phụ huynh rằng các bé thường xuyên kể lại những điều được học ở nhà và nhờ đó nhớ bài học rất lâu. Với tôi, việc tìm hiểu phương pháp dạy mới thay cho cách dạy học truyền thống là cần thiết để giúp thiếu nhi tập trung hơn, đồng thời thêm thích thú với việc học biết về Chúa và Hội Thánh.
CHIA THỜI GIAN THÀNH NHIỀU PHẦN VỚI NHIỀU HOẠT ÐỘNG
Anh Lê Tuấn Hiếu (Gx Ðông Quang, TGP TPHCM): Tôi tham gia dạy giáo lý tại xứ đạo cũng được 5 năm rồi. Hiện tại, tôi được giao dạy lớp Nghĩa sĩ 2, lớp của các em trong độ tuổi 13 - 15 với những phát triển không chỉ về suy nghĩ mà về cả thể chất. Vì vậy, không thể áp dụng cách giảng dạy đơn giản từ các lớp nhỏ mà phải làm sao cho mỗi bài học có sức thuyết phục và thực tế hơn. Tôi cố gắng tổ chức buổi học dù ngắn ngủi nhưng chia đều thời gian cho việc truyền đạt kiến thức về giáo lý, Hội Thánh, chia sẻ Lời Chúa và kể chuyện. Những câu chuyện từ thực tế, những sự kiện lịch sử ý nghĩa đều có thể đem vào bài học để minh họa cách gần gũi, dễ hiểu. Tôi nghĩ rằng trẻ ở tuổi dậy thì thường dành nhiều thời gian quan sát, nghe nhiều hơn, nên dẫn dắt các em hiểu bài qua những câu chuyện. Từ đó, chúng tôi tạo ra bầu khí học không nhàm chán, giúp các bạn nhỏ dễ tiếp thu. Ðể đạt được hiệu quả đó, người giáo lý viên phải soạn bài thật chắc, tìm kiếm những câu chuyện liên quan đến mọi khía cạnh cuộc sống và có ý nghĩa sát với bài, luôn thay đổi cách truyền tải như kể chuyện qua lời nói, qua tranh ảnh, phim…
Theo sáchHướng dẫn tổng quát về việc dạy giáo lýcủa Bộ Giáo sĩ ban hành năm 1997: “Việc dạy giáo lý cũng mở ra cho sự năng động truyền giáo và cố gắng làm thế nào để các môn đệ Chúa Giêsu biết hiện diện với tư cách là người Kitô hữu trong xã hội, trong đời sống nghề nghiệp, văn hóa và xã hội. Nó cũng chuẩn bị cho họ cộng tác trong các việc phục vụ khác nhau của Hội Thánh, tùy theo ơn gọi của mỗi người.”(HDTQ 86) “Việc dạy giáo lý được trình bày như một tiến trình, một lộ trình, một dấn bước theo Ðức Kitô của Tin Mừng, trong Thánh Thần, đến với Chúa Cha, đạt tới sự trưởng thành Ðức tin ‘tùy theo mức độ ân sủng Ðức Kitô ban cho’(Ep 4,7), cũng như đạt tới những khả năng và những nhu cầu của mỗi người”.(HDTQ 143) “Trong việc dạy giáo lý, người đón nhận phải có thể tỏ ra là một chủ thể tích cực, ý thức và cùng chịu trách nhiệm, chứ không như một máy thu thanh im lặng và thụ động”.(HDTQ 167) |
YÊN LAM
Bình luận