Chủ Nhật, 17 Tháng Tư, 2022 07:00

Cho nhau niềm vui và hy vọng

 

Lễ Phục Sinh cũng như Giáng Sinh, người Công giáo ngoài sự chuẩn bị phần hồn như sám hối, tĩnh tâm, giao hòa cùng Chúa, họ còn muốn mang lại niềm vui và hy vọng cho người khác...

 

Mang lại niềm vui và hy vọng cho ai đó không nhất thiết phải là quà cáp hoặc có mối quan hệ bạn bè hay tình yêu. Mọi người có thể mang niềm vui và hy vọng cho bất kỳ ai và ở bất cứ nơi nào.

Những chiếc xe đạp được trao làm phương tiện đi học, tiếp thêm sức mạnh cho học sinh nghèo miền quê

 

Anh Phạm Quang Hùng, 35 tuổi (quận Bình Tân, TPHCM) cho biết, mình thích mang niềm vui đến những trẻ vùng cao vào các dịp lễ. Và Phục Sinh không ngoại lệ. Trước lễ, anh thường mang những gói quà đơn sơ như chăn mền, bánh kẹo đến các giáo xứ miền xa tại Ðăk Lăk…Ðổi lại, anh thật hạnh phúc khi nhìn những nụ cười rạng rỡ của các em y như ngọn nến Phục Sinh. Chút ít quà bánh với trẻ khá giả nơi thành phố thì chẳng là gì. Thế nhưng với các bé vùng cao, cơm gạo còn không có ăn, thì việc nhận được quà bánh là niềm vui lớn.

Chị Phạm Thị Họa My, 30 tuổi (Q.3, TPHCM) thì lại cùng các bạn quyên góp những số tiền nhỏ từ tiết kiệm của nhân viên văn phòng. Sau đó, nhóm của chị chọn một ngày nghỉ đi đến những xã nghèo thuộc miền Tây tặng xe đạp cho các học sinh đến trường. “Ở quê, trường học nhất là trường cấp 3 thường ở trung tâm huyện, các em học sinh trong những ấp xa xôi khó có điều kiện đến trường. Vì vậy, chúng tôi tặng xe đạp như một cách giúp các em có phương tiện đi lại trên con đường học hành. Có xe, các em hăng hái đi học hơn!”, chị My nói. Thật vậy, các trẻ nơi vùng sâu vùng xa thường đi bộ đến trường, khi đến nơi đã mệt nhoài. Các em phải dậy từ rất sớm để bảo đảm vào lớp đúng giờ. Vì vậy đi học là một quá trình gian khó. Có được chiếc xe đạp để đôi chân bé nhỏ không phải lội bộ, các em như được tiếp thêm sức mạnh. Và hy vọng cho một tương lai thành người giỏi giang không phải là hão huyền, chẳng khác niềm hy vọng Phục Sinh.

Còn cô bạn trẻ Nguyễn Bích Ngân, 22 tuổi (Q.5, TPHCM) là sinh viên ngành y lại chọn cách đến chơi với các trẻ tự kỷ ở bệnh viện nhi. Ngân suy nghĩ, đến với các trẻ có hoàn cảnh đặc biệt vào mùa Phục Sinh cũng là cách mang lại niềm vui không chỉ cho các em, mà còn cho cả những phụ huynh, giúp họ cảm thấy mình không đơn độc trong cuộc chiến tìm tìm lại cho con một cuộc sống bình thường như bao người. Với Bích Ngân, đó cũng chính là hạnh phúc của cô trong dịp lễ Phục Sinh.

Bích Ngân chơi đùa cùng trẻ tự kỷ

 

Có những Kitô hữu không đi đâu xa xôi mà mang lại niềm vui cho người gần hơn. Và gần nhất là gia đình. Như bạn trẻ Mai Văn Lộc, 19 tuổi (Q.3) bộc bạch: “Bà dì tôi 70 tuổi không có gia đình, sống một mình tại khu xóm nhỏ thuộc phường 11 cùng quận với tôi. Thỉnh thoảng chúng tôi vẫn ghé thăm bà. Ngày Phục Sinh, tôi sẽ đặc biệt rủ chị em mình đến nhà bà, mang nguyên liệu tới nấu và cùng ăn với bà nồi lẩu. Chắc chắn bà vui lắm vì cuộc sống độc thân vốn cô quạnh...”. Với người bạn trẻ này, việc mang lại niềm vui cho bà dì trong ngày Phục Sinh thật ý nghĩa biết bao, giúp bà vơi đi sự cô đơn lẻ lo trong chính ngôi nhà của mình.

Có một bộ phận người trẻ có ý nghĩ tặng quà Phục Sinh cho mọi người trong gia đình. Như trường hợp Nguyễn Phúc Hậu, 20 tuổi (Q.1, TPHCM) có kế hoạch mua 10 trứng ngỗng, 10 trứng vịt và cùng anh bạn học chung tại trường Ðại học Mở, sơn nhiều màu lên vỏ trứng, tới ngày Phục Sinh mang ra mời mọi người. Ông bà, cha mẹ sẽ nhận được trứng ngỗng, anh chị em có trứng vịt. Những món quà rất rẻ, dễ kiếm nhưng đặc biệt cho ngày Phục Sinh, chắc hẳn sẽ là niềm vui không nhỏ cho các thành viên trong nhà Hậu.

Không thiếu những cặp đôi yêu nhau do làm việc và tăng ca mỗi ngày, ít có điều kiện bên nhau nhưng vào dịp lễ, họ cũng ít nhiều dành cho nhau sự quan tâm, như lời anh Phạm Văn Trọng, 23 tuổi, làm việc tại một xí nghiệp ở Sài Gòn: “Tôi và cô bạn cùng làm công nhân. Sau đợt giãn cách phải tăng ca liên tục vì gánh nhiều việc của những người f0 và những người bỏ việc về quê, nên chúng tôi ít có thời gian gặp nhau. Ngày Phục Sinh, tôi sẽ mời cô bạn đi ăn sau khi dự lễ tại nhà thờ Ðức Bà. Dịp này, tôi cũng sẽ mua tặng cô ấy một món quà vừa túi tiền. Hẳn cô ấy rất vui. Mà tôi nghĩ vui hơn là chúng tôi được ở bên nhau, bồi đắp cho tình yêu thêm bền vững...

Anh Phạm Quang Hùng và niềm vui bên các trẻ vùng cao

 

Bà Lê Thị Tám, 45 tuổi (Q.3) thì san sẻ niềm vui Phục Sinh cho những người trong khu xóm mình. Trước lễ, bà có ít quà là gạo, cá khô, dầu ăn, trứng gà…dành tặng những gia đình công nhân ở trọ mà bà biết. Trong mùa dịch bệnh, đây cũng là món quà ý nghĩa cho nhiều người, nhất là những ai đang lâm cảnh khó khăn. Có niềm vui hẳn họ sẽ có hy vọng vượt qua tất cả để sống và lao động trong thành phố này. Không chỉ san sẻ với những người nhập cư khốn khó, bà Tám còn vui vẻ, gần gũi với một số người neo đơn. Họ có lương hưu, kinh tế ổn định nhưng đôi khi lại đang cô đơn, rất cần một sự an ủi, chia sẻ của người hàng xóm. Chỉ vài lời hỏi thăm ân cần, một nụ cười thân thiện trong dịp lễ cũng đã là mang niềm vui đến với họ.

Thắp lên một ngọn lửa ấm áp của sự quan tâm, chia sẻ vật chất cũng như dành lời động viên, thăm hỏi nhau..., đem niềm vui và hy vọng cho nhau, tất cả đều mang ý nghĩa sâu xa theo tinh thần Phục Sinh. Và người Kitô vẫn luôn tâm niệm “cho đi là được nhận”. Khi trao nụ cười, niềm vui cho người khác, là chính mình cũng sẽ nhận được điều hạnh phúc, nhiều khi lớn lao hơn.

 

NGUYỄN NGỌC HÀ   

 

Ý kiến bạn đọc ()
Tin khác
Xem thêm