Thứ Năm, 02 Tháng Sáu, 2022 13:25

Chơi cùng cháu

 

Chăm cháu đôi khi khiến ông bà mệt mỏi… Thế nhưng chơi đùa với cháu thường là niềm vui của ông bà, nhất là với những người đã về hưu.

 

Những người ở tuổi hưu trí có thời gian thảnh thơi, họ không còn bận tâm với công việc nên thoải mái chơi cùng cháu đến lúc đứa bé mệt đòi ăn hoặc ngủ. Chơi với cháu giúp cháu dễ ngủ và dễ đói hơn vì đứa trẻ có sự vận động, tiêu hao năng lượng... Việc này cũng khiến người cao tuổi bớt buồn, không cảm thấy trống vắng khi không còn trách nhiệm làm việc trong xã hội nữa. Tiếng cười trong trẻo của trẻ khiến bậc ông bà càng thêm vui vẻ, thấy mình trẻ và vẫn “còn sống động, nhanh nhẹn” không thua ai…

 

Bà Nguyễn Thanh Hào, 58 tuổi (Q.3, TPHCM) kể lại một cách thích thú rằng bà có cháu gọi bằng dì bằng cô lúc còn đi học, vì chị gái và anh trai bà có gia đình rất sớm. Bận học và làm việc, bà ít khi có cơ hội bồng ẵm, chơi đùa cùng cháu. Mãi đến khi về hưu được 3 năm thì người cháu gái gọi bà bằng cô, sinh con. Sống độc thân và lúc này rảnh rỗi, bà mới chú ý thằng cháu nhỏ mấy tháng mới biết lật, mấy tháng biết bò… và có dịp vui đùa cùng bé. “Nhiều lúc ba mẹ bận rộn, thả nó chơi trong nhà, tôi lân la nói chuyện. Thằng bé cũng líu lo. Lớn tí, nó chập chững và cùng với tôi đi những bước chân đầu đời. Và rồi hai bà cháu có những trò chơi với nhau. Vui nhất là lúc bé biết bò. Hai bà cháu cùng “bò đua” thật vui, có lúc bà giả bộ mệt té để cháu thắng rồi vỗ tay khen bé”, bà Hào vui vẻ nhắc đến cháu trai.

Ông Phạm Cường, 60 tuổi (Gò Vấp, TPHCM) luôn khoe cháu nội cùng mọi người. Ông nói, bồng từng đứa cháu nội ra đời và chơi đùa với chúng, cảm giác thật hạnh phúc: “Mình đã là ông rồi! Ngày xưa mình bế bồng đùa giỡn với bố nó, giờ đến nó. Trong lúc chơi với cháu, nghe cháu gọi bập bẹ từ ‘ông’ hoặc ‘nội’… Ôi, muôn vàn cảm xúc!”. Ông Cường thường bày xe lửa, xe hơi đồ chơi ra chơi cùng cháu trai; bày búp bê chơi cùng cháu gái. Với cháu trai, ông cùng bé chạy đua xe trên đoạn đường dài của một căn phòng hoặc giúp cháu lái xe cứu hỏa chữa cháy. Với cháu gái, ông phụ cháu chữa bệnh, khám bệnh cho búp bê. Hôm nào vợ ông rảnh rang chuyện cơm nước, bà cũng tham gia nhóm vui đùa cùng các cháu nội. Nhờ vậy căn nhà ông luôn vang tiếng cười. Chỉ thi thoảng cháu gái khóc vì “lỡ chữa bệnh búp bê không hết, búp bê không qua khỏi”. Hay cháu trai khóc vì trên đường đua, xe của cháu bị…lật! Không chỉ chơi đùa tại nhà, ông bà nội còn dạy các cháu bơi ở hồ bơi hoặc bãi biển. Bà Cường chia sẻ: “Đọc báo thấy trẻ em chết đuối ở những ao hồ không có người lớn. Thế là chúng tôi đưa cháu đến hồ bơi, dạy cháu nín thở, và từ từ là các thao tác bơi. Khi đã bơi được, các cháu đùa giỡn, tung nước vào nhau hoặc đuổi bắt ông bà nội dưới nước… Sau những lần đi bơi, không chỉ cháu mà cả ông bà đều thấy…khỏe!

Như vậy, ngoài niềm vui từ chơi đùa cùng cháu mang lại, ông bà còn cảm thấy mình rất khỏe! Đó cũng có thể là một cách rèn luyện sức khỏe nơi người già. Bà Trần Thị Năng (Q.Bình Thạnh, TPHCM) thường đặt hai cháu ngoại sinh đôi của mình vào hai cái thúng trống không và gánh đi khắp nhà. Tiếng cười rộn ràng của hai đứa trẻ  2 tuổi khiến căn nhà như vui hơn. Bà Năng nhờ hoạt động cũng trở nên dẻo dai hơn ở tuổi 67.

Ông bà nội hoặc ngoại chơi với cháu là hình ảnh phổ biến ở nhiều gia đình. Có những nhà giữ truyền thống nhiều thế hệ sống với nhau nên bà cố, ông cố cũng có thể vui đùa cùng chắt. Chị Nguyễn Trúc, 35 tuổi (Q.3) kể: “Thỉnh thoảng, bà nội tôi bảo tôi mang chắt của bà vào phòng để bà thăm. Tôi không ngờ nội tôi cũng biết đùa giỡn cùng chắt. Xem ra nội còn ‘tay nghề’ cao và ‘điêu luyện’ hơn con cháu nhiều. Cũng phải thôi, nội từng chăm và vui đùa cùng ba tôi, rồi đến tôi. Và giờ là con trai tôi. Nội vỗ tay, nắm tay chắt cười, trò chuyện cùng chắt…”

Dù cách nhau nhiều thế hệ nhưng bằng tình yêu thương, các ông bà cố, ông bà nội ngoại vẫn có thể chơi với các cháu nhỏ một cách hòa hợp. Từng trải qua thời chơi với con, giờ đến cháu, nhiều người có đầy trải nghiệm, nói như chị Nguyễn Trúc: “Chơi đùa với chắt được một lát, nội bảo tôi cho con bú hoặc bế nó đi ngủ vì bà nhìn mặt là biết chắt muốn gì. Nội có kinh nghiệm đầy mình!...”.

Có tiếng cười của con trẻ, căn nhà bớt đi sự quạnh hiu, người già thấy vui hơn. Con trẻ có ông bà chơi cùng, cũng ấm áp hẳn. Nhiều người lớn lên, vẫn luôn nhớ về ông bà với nhiều trò chơi và cả kho tàng cổ tích đầy thú vị của một thời thơ bé...

 

Nguyễn Ngọc Hà

 

Ý kiến bạn đọc ()
Tin khác
Xem thêm