Không ít người vẫn nhắc đến gia đình như một hậu phương vững chắc, nâng bước cho sự thành công và là chốn tựa nương yên bình những lúc mệt mỏi, thất vọng trong cuộc sống.
Cùng nhau đồng hành
Vào mùa thi, dễ bắt gặp cảnh các bậc phụ huynh đưa đón con đến trường thi với tất cả sự chăm chút. Họ cũng nôn nao, lắng lo như thể chính mình là người trong cuộc vậy. Nhiều bạn trẻ sau khi “vượt vũ môn” đã không quên thời khắc được cha mẹ đồng hành và xem đó chính là điểm tựa giúp mình có được kết quả tốt. Nhắc lại mùa thi đại học năm nào, chị Hoàng Thị Hoa (Tân Bình, TPHCM) cứ nhớ mãi hình ảnh cha mình đã chạy chiếc xe máy cà tàng vượt trăm cây số từ quê lên Sài Gòn đưa con đi thi: “Ngày ấy, ba xin nghỉ việc mấy bữa để lên thành phố cùng tôi. Hai cha con tá túc ở nhà một người quen và tự ba đã đưa đón tôi đến điểm thi mỗi ngày. Trong ký ức tôi, chuyện đậu đại học năm ấy luôn gắn liền với hình bóng người cha thân yêu”.
![]() |
Không chỉ trong chuyện học hành mà với việc phát triển năng khiếu, nhiều bậc cha mẹ cũng luôn kề cận bên con. Cô bạn trẻ Yến Vân (Q8, TPHCM) luôn tự hào về điều này. Sở thích chụp hình của Vân luôn có bóng dáng bố bên cạnh từ bé. Chính ông là người mua máy, hướng dẫn, chụp cho cô những tấm hình dễ thương và theo thời gian, lại trở thành “người mẫu” thường xuyên trong những bức ảnh nghệ thuật của con, giúp con đạt giải trong các cuộc thi ảnh.
Với những người đã lập gia đình, sự đồng hành của vợ, chồng là niềm khích lệ lớn lao trong công việc và cuộc sống, như chia sẻ của chị Trần Thanh Uyên (Q3, TPHCM): “Tôi là người thích sinh hoạt đoàn thể, tham gia hướng đạo, công tác xã hội, còn ông xã thì ngược lại. Nhưng vì để hỗ trợ vợ nên anh luôn đi cùng tôi, rồi dần dần nhập cuộc và đảm nhận những nhiệm vụ cụ thể. Trong các buổi hoạt động với nhóm, mạnh ai nấy lo việc của mình song tôi rất yên tâm vì chồng cũng đang ở đâu đây”. Chị Ngô Hồng Phương, một nhân viên văn phòng thì tìm được sự đồng hành của chồng từ những việc nhà: “Mấy việc nho nhỏ thôi như phụ dọn cơm hay giành rửa chén, nhưng mình cảm thấy rất vui”.
Sẻ chia và động viên
Hồi tưởng lại thời còn độc thân, anh Minh Dương (Bình Thạnh, TPHCM) vẫn ấn tượng với những lời động viên của bố mình. Trước những chọn lựa lớn, anh hay tìm đến bố để xin ý kiến. Sau khi phân tích các hơn thua, ông thường giao cho anh quyền chọn lựa với câu “chốt”: “Bố tin tưởng vào con”. Với Dương, đây vừa là động lực vừa là áp lực, nhưng cũng nhờ thế mà anh trưởng thành hơn qua những biến cố cuộc đời. Giờ đã thành gia thất, người cha ngoài 40 này tâm sự: “Khi lập gia đình rồi, trước các lựa chọn, tôi luôn đặt quyền lợi, tình cảm của vợ con lên trên để đưa ra các quyết định. Thực tế cho thấy rằng, trước đây mình cứ ‘lập trình’ phải có điều kiện này kia về cơ sở vật chất mới cưới vợ, sinh con, song khi đã có vợ con rồi thì những điều kiện kia tự nhiên lại đến nhanh hơn. Thế mới càng khẳng định gia đình thực sự là điểm tựa”.
![]() |
Đôi khi quan điểm giữa các thành viên trong nhà không giống nhau nhưng sự chia sẻ sẽ giúp vợ chồng, con cái xích lại gần và trở thành chỗ dựa cho nhau. Như trường hợp gia đình chị Ngô Hồng Phương, có chuyện vui buồn gì ở cơ quan, chị cũng hay kể với chồng để tìm sự đồng cảm và lời khuyên. Ông xã có thể có những suy nghĩ khác với vợ nhưng chị lại cảm thấy yên tâm khi cùng anh mổ xẻ vấn đề tới nơi tới chốn. “Tôi luôn toàn tâm toàn ý với việc làm ở cơ quan cũng nhờ có chồng là chỗ dựa. Anh ấy luôn cố gắng trở thành trụ cột về kinh tế để sao cho vợ không phải lo lắng chuyện tiền nong, thế nên đầu óc tôi cũng thoải mái, không bị áp lực lương bổng trong công việc”, chị Phương giãi bày.
“Khi vợ chồng cùng sẻ chia những khó khăn nhọc nhằn và động viên nhau, hiệu quả công việc mình làm rất cao” - câu khẳng định chắc nịch của chị Trần Thanh Uyên được rút tỉa từ kinh nghiệm bản thân. Đó cũng là điều mà nhiều người đã cảm nghiệm được từ thực tế cuộc sống, bởi một điều giản dị: sự vất vả sẽ nhẹ đi khi được chia sớt và niềm vui được nhân lên khi san sẻ cùng nhau.
Trong tâm tình cảm nhận gia đình như một điểm tựa, nữ tu tiến sĩ tâm lý Trần Thị Giồng (dòng Đức Bà) đã nhắc đến những câu hát trong bài “Ba ngọn nến lung linh” của nhạc sĩ Ngọc Lễ với sự tâm đắc và gợi mở: “Chắc rằng mỗi người trong chúng ta, dù ở bất cứ địa vị nào cũng vẫn luôn mong ước gia đình mãi là nơi “vương vấn bước chân ra đi, và ôm ấp trái tim quay về”. Muốn được như thế, chắc hẳn ngoài tình thương sâu đậm của tình thân còn cần sự chung vai xây đắp tối đa và tích cực của mỗi thành viên lớn nhỏ trong nhà. Tình thương là sợi dây gắn kết, đem đến sức sống, sự vui tươi, tự do và phát triển mọi mặt trong cuộc đời của mỗi người”. Nữ tu còn nhấn mạnh thêm, để gia đình có thể tạo nên sự “vương vấn bước chân ra đi” thì đó phải là chốn an bình, nơi người ta sống cho nhau, vì nhau, lắng nghe và thấu hiểu. Nơi đó có đầy sự cảm thông, nâng đỡ, tôn trọng lẫn nhau và tế nhị, san sẻ mà không so đo tính toán, nơi chấp nhận nhau vô điều kiện, không sợ sệt và nghi ngờ nhau. Nơi đó phải vắng bóng bạo lực, đạo đức phải là giá trị luôn cần được theo đuổi, quý hơn bạc vàng, và nhất là người ta tin, yêu nhau chân thành, luôn “bên nhau những khi đớn đau”...
LIÊN GIANG
Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, tòa soạn sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng cgvdt.vn của mình.
Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn”.
Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Công giáo và Dân tộc.