Thứ Sáu, 17 Tháng Hai, 2017 15:01

Chồng “quản gia” có... nữ tính hóa?

Chẳng phải bây giờ mà ngay từ thời các cụ, đã có nhiều câu ca dao nói về những người chồng bi quan, yếm thế: “Làm trai rửa bát quét nhà. Vợ gọi thì: Dạ, bẩm bà tôi đây” hoặc: “Chồng người đi ngược về xuôi. Chồng em ngồi bếp sờ đuôi con mèo”... Thời nay nam nữ bình quyền, các đấng mày râu đạt danh hiệu “giỏi việc nước, đảm việc nhà” không còn là chuyện xưa nay hiếm, điều đáng bàn ở đây là một số ông “chủ hộ” sẵn sàng lùi về “sân sau” làm nội tướng, coi “nội trợ”, “lao động tự do”, “quản gia” là “nghề nghiệp” trong bản khai lý lịch trích ngang.

Lý do các ông chọn nghề nội trợ cũng có dăm bảy đường:

“Trai nuôi vợ bệnh gầy mòn”

Sau khi sinh khó, bà xã ngã bệnh và đau ốm liên miên, anh Huỳnh V. Tr. (Gò Vấp) “gà trống nuôi con” và chăm vợ bệnh. Với tâm niệm: mình đàn ông sức dài vai rộng phải là chỗ dựa cho vợ con, anh Tr. nghỉ làm Nhà nước để toàn tâm toàn ý lo gia đình, không dám café thuốc lá chứ đừng nói nhậu với anh em bạn bè. Có điều áp lực của gia đình và dư luận cứ bủa vây anh tứ phía, bên nội thì xót con trai phải “hầu vợ” nên bực lây sang con dâu, hàng xóm láng giềng thì chép miệng thương hại nói ra nói vào, thậm chí bạn cùng công ty còn xúi bỏ vợ, giải thoát cho mình...

Thực ra nhiều chị em cũng đang nuôi chồng nằm liệt giường sau tai nạn lao động hoặc tai nạn giao thông nhưng họ không bị thiên hạ xúi bỏ chồng mà ngược lại còn được động viên giúp đỡ. Cùng một hoàn cảnh mà có sự “phân biệt đối xử” là do xưa nay cái nhìn của xã hội cho rằng, trai “hầu vợ” là của hiếm còn vợ nuôi chồng là lẽ đương nhiên.

Nhường cơ hội cho vợ

Về dự kỷ niệm 35 năm tốt nghiệp phổ thông, các bạn cũ ái ngại không nhận món tiền đóng quỹ lớp của anh Công (Hà Nội) - người có thâm niên bán tào hũ hơn 1/4 thế kỷ. Vậy mà hàn huyên nửa buổi, mọi người phục anh sát đất. Là bộ đội xuất ngũ, bà xã là y tá của đơn vị, anh Công chẳng nề hà về làm “phó thường dân”. Xoay xở đủ đường, rốt cuộc anh học nghề làm tào hũ. Mới đầu gánh trên vai đi bán rong khắp vỉa hè, về sau sắm chiếc xe đạp lúc đi lúc dắt vào các ngõ phố. Ấy vậy mà anh “nuôi” được vợ học y sĩ rồi lên bác sĩ tại chức, con trai con gái tốt nghiệp đại học và dựng vợ gả chồng đâu ra đấy.

Khi các bạn chồng hỏi tại sao khách quan nhìn vào có vẻ “đũa lệch” mà vợ chồng êm ấm thành đạt như thế, “bác sĩ vợ” tâm sự: chị nể trọng bản lĩnh và tính điềm đạm của chồng. Một lần chị đem hết tiền tiết kiệm của nhà góp vốn làm ăn và bị lừa mất trắng, anh chẳng xót của chửi mắng một lời, chỉ bảo “lần sau mình đừng buôn bán gì cho tôi nhờ” và lại cặm cụi “cày cuốc” vực dậy kinh tế gia đình. Chị kết luận: vợ có thể yêu chồng nhiều hay ít nhưng nhất định phải nể phục chồng thì gia đình mới hạnh phúc.

Là một chọn lựa

Anh Trần Minh H. là kỹ sư của một phòng trên Quận, lương tháng vài triệu làm 8 giờ hành chính, chưa kể thời gian đi về kẹt xe. Vợ giáo viên quần quật với ba đứa con nhỏ. Khi tổ dân phố họp bàn thuê người làm vệ sinh môi trường, thu mỗi hộ 25 ngàn đồng/ tháng, anh đã quyết định nghỉ chờ hưu và nhận công việc này. Hằng ngày anh thức sớm lái xe 3 gác máy đi thu gom rác trên địa bàn rồi chở về nơi tập kết. Anh phân ra: bao tải đựng lon bia, bao đựng nilon, bao đựng giấy,... cuối tháng bán cho vựa ve chai. Nhiều gia đình cho đồ cũ hoặc nhờ anh chở xà bần, anh lại có thêm thu nhập. Anh đường hoàng đổ thùng rác ở cả trường vợ lẫn trường con mình đang theo học.

Vì “có đầu óc” và biết thu xếp, mỗi ngày anh chỉ mất 4 tiếng là xong việc. Thời gian còn lại, anh kèm con học và tề gia nội trợ xuất sắc. Có hôm đang kho cá, đồng nghiệp cũ gọi điện hỏi thăm đang làm gì đó, anh đáp vui: “Đang làm chuyên môn!”.

“Làm trai đứng ở trong trời đất, phải có danh gì với núi sông” (Nguyễn Công Trứ), có người cho rằng, sinh ra làm thân nam nhi chỉ biết đến bản thân và gia đình mà quên trách nhiệm với xã hội, với đất nước... còn đâu ý chí và bản lĩnh của người đàn ông? Người đàn ông có tài trí không nghĩ đến việc tạo ra một giá trị gì đó cho xã hội thật là lãng phí. Chẳng nhẽ đàn ông chỉ có thể làm tốt một trong hai, muốn có sự nghiệp thì phải bỏ bê gia đình hoặc ngược lại hay sao? Anh Trần Minh H. đều trả lời ngắn gọn: “Một thảo dân như tui lo được cho những người thân cận nhất là đã làm tốt sự nghiệp làm cha rồi”.

Có người vợ “làm chồng”

“Lúc mới cưới, chồng tôi khá giàu. Vài năm sau, ảnh thua lỗ liên tiếp nên tôi kêu nghỉ làm, tôi thay anh gánh vác kinh tế lo gia đình. Thoạt đầu anh cũng vui với việc đi chợ, nấu ăn, đưa đón con. Còn tôi thì mở công ty và làm ăn phát đạt. Về sau, tính tình anh thay đổi hẳn, cọc cằn, thường xuyên cáu gắt, hay phật ý mỗi khi gặp chuyện lặt vặt. Chắc tại suốt ngày quanh quẩn trong nhà nên anh... đổi tánh” – một độc giả nữ chia sẻ.

Bản tính người đàn ông là mạnh mẽ, không thích bị lệ thuộc, không muốn nghe nói nhiều hoặc bị sai khiến. Hoàn cảnh khiến chị phải gồng mình để có được cái “chất đàn ông” ấy khiến trong nhà dường như có thêm một... ông chồng nữa! Khi người vợ nắm quyền cai quản kinh tế và kiếm tiền nuôi cả nhà, người chồng cảm thấy bị lép vế và khó chịu vì bị vợ “qua mặt”, tính nết cứ dần thay đổi. Chị đâu biết rằng, người đàn ông ngồi vào mâm cơm mà bị vợ bình phẩm món ăn do chính tay mình làm ra thì quả là chịu không thấu. Sự bất ổn còn nằm ở chỗ, hằng ngày, anh lo giặt giũ cơm nước đưa đón con, chị thì đi giao dịch với đối tác, ngồi lì ở công ty hoặc gọi điện thoại trao đổi việc làm ăn. Khoảng cách vợ chồng cứ xa dần.

Có thể anh cũng nhiều lần ấm ức, bị bạn bè khích bác vì không đi làm mà ở nhà để vợ nuôi. Điều khiến chồng chị thất vọng là mỗi lần đối thoại, bàn bạc, chị ít chịu lắng nghe như người bạn đời cùng chia bùi sẻ ngọt với nhau, mà như một bà sếp đầy quyền lực và... độc tài. Có thể anh mặc cảm anh hùng thất thế, không làm chủ về kinh tế nên lời nói kém trọng lượng, lâu dần thành thụ động, đánh mất vai trò chỉ huy trong mắt vợ và các con.

Liệu có… nữ tính hóa?

Các bậc chính nhân quân tử thường so sánh người anh em nào làm nội tướng giỏi thì có đầu óc tổ chức và kỹ năng chẳng kém gì sếp lớn điều hành công ty! Nhưng cũng nhiều kẻ chế giễu rằng, xét nghiệm máu những “ông nội trợ” không ra kết quả “âm tính” hay “dương tính”, mà là nữ tính!

Giữa hai phái có những sự khác biệt về giới: Trai thích hợp với những công to việc lớn, gái làm việc tỉ mỉ. Trai sức bật tốt, gái sức bền tốt. Trai có ý chí tranh đua vượt khó, gái nhiều nghị lực kiên nhẫn.

Nếu đàn ông không kiếm được nhiều tiền bằng vợ nhưng vẫn làm trọn công việc của mình và là tấm gương tốt cho con thì hoàn toàn có quyền tự tin với thiên chức làm chồng làm cha của mình. Nếu phải lui về hậu phương để lo chuyện bếp núc lâu dài cũng chẳng có gì đáng buồn, công việc nào cũng có giá trị riêng của nó, “chất đàn ông” không bao giờ bị bào mòn khi người chồng làm việc nhà.

Trên thực tế, một người đàn ông vẫn là trụ cột nếu chứng tỏ được khả năng trở thành chỗ dựa vững chắc cho gia đình. Người phụ nữ dù tài giỏi đến đâu, về đến nhà nên lui về đúng vị trí của mình: một người vợ chịu thương chịu khó, biết tôn trọng chồng. Còn có chỗ dựa nào tốt hơn bờ vai chồng mình, phải không ạ? Nếu người vợ cậy mình “mạnh vì gạo, bạo vì tiền”, đưa ra quyết sách cho cả nhà, lấn quyền chồng thì chẳng hóa ra “cực âm” đã biến thành “cực dương”, mà cả hai đều là “cực dương” thì đẩy nhau là cái chắc.

Ai đó đã nói rằng, đàn ông hay phụ nữ làm nội trợ đều được cả, quan trọng là người đi làm bên ngoài kiếm tiền phải nhớ cơm mình ăn ai nấu, người ở nhà nội trợ phải hiểu đồng tiền mình tiêu thấm mồ hôi ai.

THẠC SĨ - BÁC SĨ LAN HẢI

Ý kiến bạn đọc ()
Tin khác
Xem thêm