Chữ tín được hiểu là lời hứa, lời nói và việc làm song hành với nhau. Ai đã từng tiếp xúc hoặc làm ăn với người Nhật đều có nhận định chung rằng, họ giữ “chữ tín” rất nghiêm. Chưa có một cuộc khảo sát tổng thể về chữ tín của người Việt, nhưng quan sát từ cuộc sống hằng ngày của người dân, đến các vấn đề của cộng đồng như các dịch vụ tư nhân, dịch vụ công… đều thấy hình như chữ tín của ta chưa được nhiều người coi trọng, hoặc lấy đó làm phương châm sống hay nguyên tắc hành động của mình.
Chính vì nói và làm không song hành với nhau nên đôi khi mục tiêu trở thành khẩu hiệu, ít có hiệu lực, kết quả không như những gì đã hứa hẹn. Chẳng hạn rất nhiều xe khách liên tỉnh ghi xe “chất lượng cao”, “tính mạng con người là trên hết”, nhưng hành khách lên xe mới biết đó là “chất lượng quay”- tức cứ chạy vòng quanh bến nhiều lượt trước khi xuất bến để “cò” thêm khách, lại còn phóng nhanh vượt ẩu. Tương tự, không ít đơn vị hành chính công ghi là “vì dân phục vụ”, nhưng thái độ công chức rất lạnh nhạt, khó dễ với người dân. Hoặc không ít vị, trước khi ứng cử đề ra một chương trình hành động thuyết phục mọi người, nhưng rồi lời hứa cứ chìm dần theo năm tháng, tinh thần phục vụ yếu kém, có khi còn bè cánh, kèn cựa, tư lợi.
Chính vì “nói vậy mà không phải vậy” nên không ít doanh nghiệp Việt khó lọt khỏi hàng rào vệ sinh an toàn thực phẩm để xuất khẩu vào các thị trường khó tính như Nhật Bản, EU, cụ thể như hàng nông, thủy sản. Một số đơn vị cũng làm mất luôn uy tín trên thị trường nội địa như đưa rau bẩn vào siêu thị nhưng dán tem rau sạch; làm tour du lịch chặt chém khách nước ngoài với giá dịch vụ cắt cổ mà chất lượng rất thấp, không như quảng cáo, khiến du khách không muốn trở lại Việt Nam… Vì đánh mất chữ tín nên đôi khi tinh thần phục vụ thiếu vắng ở rất nhiều nơi, nhất là không gian hành chính công. Nhiều dẫn chứng trong thực tiễn cho thấy có những phát ngôn như “đề xuất tăng giá VAT không ảnh hưởng đến người nghèo”; hay “đánh thuế nhà ở là đảm bảo sự công bằng” đã tạo ra nhiều dư luận trái chiều. Nếu người có chức trách theo đuổi tư lợi mà nói rằng “đang phục vụ”, “đồng trách nhiệm”, “cùng chia sẻ”, thật khó có thể chấp nhận!
Một số nhà nghiên cứu đặt câu hỏi, đâu là căn tính của người Việt? Nếu cứ mãi nói rằng đó là cần cù, chịu khó,… thì người ta đều có thể tìm thấy những đức tính đó ở bất cứ dân tộc nào, không riêng gì người Việt. Nhưng nếu sớm kết luận rằng người Việt “trọng chữ tín” và luôn đề cao “tinh thần phục vụ” như kiểu người Nhật, sợ rằng khó thuyết phục người nghe!
Ngô Quốc Ðông
Bình luận