Vào cái thời trai gái yêu sớm, sống thử, phá thai, ly dị, hiếm muộn, vô sinh khá phổ biến này thì trinh tiết của cô dâu dường như bị đặt xuống hàng thứ yếu sau khả năng truyền sinh! Từ đó sinh ra bao kiểu có con mà cha mẹ-chưa-trưởng-thành…
1.
Những cặp đôi “ăn chưa no, lo chưa tới” vì yêu đương quá đà nên buộc phải cưới sớm. Trong tình huống ấy thôi thì “các con đặt đâu cha mẹ ngồi đấy”. Có những ông bố bà mẹ trẻ vẫn còn ngồi giảng đường, ông bà nội ngoại phải thay nhau nuôi cháu.
Có cặp tự lo thân không nổi nhưng vẫn cưới và có con, kẻo sau này “cứng tuổi đẻ khó, con không thông minh, nguy cơ dị tật cao”. Với lại “trời sinh voi sinh cỏ”, khắc nuôi khắc lớn, không bơi nổi thì gửi nội, ngoại. Loại này cho dù “18+ bao nhiêu” chăng nữa thì vẫn chưa “đủ tuổi” làm cha mẹ.
Chưa kể có nhiều phụ huynh rắp tâm cưới vợ gả chồng cho con với một niềm tin tất thắng rằng “có con mới biết lo, mới chí thú làm ăn”.
2. Ðến tuổi thì yêu, yêu thì cưới, cưới xong là đẻ thôi. Không đẻ con thì cưới làm gì? Ðằng nào chẳng thế, xong sớm nghỉ sớm. Thậm chí con gái mới vượt ngưỡng 30 đã bị cả họ giục giã cưới, lý do xác đáng là để kịp… đẻ!
Thế là sau đám cưới chừng 1 năm là ông bà nội ngoại đã nhắc nhở cặp đôi tranh thủ đẻ ngay đi. Ðám nào kết hôn 2, 3 năm vẫn chưa bầu bí là bị đặt vấn đề “hay là chồng yếu sinh lý”, “vợ bị điếc” hoặc “sống ích kỷ, chỉ biết hưởng thụ” rồi dễ dàng kết luận “hỏng máy”, “tịt đẻ”, “nhà vô phước”. Ðẻ đứa đầu xong thì lại xúi “làm đứa nữa cho có chị có em”. Ðẻ hai mặt con rồi thì “phấn đầu đẻ thêm cho đủ trai đủ gái”.
Thành ra có anh chồng coi chuyện làm vợ có bầu là cách chứng minh hùng hồn “bản lĩnh đàn ông” của mình. Có cô vợ chỉ có niềm tự hào duy nhất với nhà chồng và với các cô gái độc thân cùng trang lứa là “biết đẻ”, “máy chạy tốt”.
Nhiều cặp vợ chồng cứ đẻ đẻ đẻ mà chưa thực sự chuẩn bị tốt về mọi mặt để nuôi con ra sao, dạy con thế nào?
3. Nhiều người quan niệm “có con cho vui cửa vui nhà”. Ô hay! Trẻ con là đồ chơi của các anh chị đấy à mà bảo đẻ cho... vui? Cứ cho rằng nhà có, xe có, tiền có nhưng sẽ ra sao khi cả hai mất tự do với bao thứ trách nhiệm và nghĩa vụ, vướng bận giờ giấc, nhan sắc xuống cấp? Sẽ thế nào khi con ươn người, đau ốm, mệt mỏi? Con đi học?... Ðẻ con đã khó, nuôi lại càng khó, dạy con còn khó gấp bội. Trong nhà không vui thì tìm vui bên ngoài hôn nhân. Hoặc mau chóng tung hê dẫn đến tan cửa nát nhà mặc đứa con khuyết cha thiếu mẹ.
Lúc ấy còn vui nữa không hay lại tiếc đời độc thân? Hay lại tặc lưỡi an ủi: “Lấy chồng lãi mỗi đứa con”?
4. Thông điệp “It’s a child, not a choice” (Ðó là một đứa trẻ, không phải là một lựa chọn) từ phong trào “phò sinh” (prolife) không chỉ ý nghĩa trong việc chống phá thai mà cho cả việc “khoan hẵng đẻ” nữa.
Nhiều người quan niệm đẻ con là cách để neo giữ hôn nhân, ràng buộc vợ chồng, để sau này “già cậy con”, thậm chí chọn giờ sinh cho con hoặc quyết định cả việc cho ra đời hay bỏ. Trẻ con ở đâu trong mỗi tính toán của người lớn?
Ðừng hồn nhiên ngỡ chỉ cần sinh con ra đã thành cha mẹ! Cần chuẩn bị tốt cho thiên chức thiêng liêng này!
Ths - Bs LAN HẢI
Bình luận