Ở cả ba miền Bắc - Trung - Nam, ngày đầu năm mới luôn là dịp thân bằng quyến thuộc đến nhà nhau chúc Tết. Những lời chúc tốt đẹp làm nên nét độc đáo trong dịp Tết cổ truyền của dân tộc Việt.
Chiếc bánh nhà làm
![]() |
Bà Nguyễn Thị Quỳ (Gx Thanh Hóa - GP Xuân Lộc): Tôi nhớ trước đây, khi đời sống kinh tế còn khó khăn thì quà Tết mà mọi người tặng nhau thường thấy là gói đường, bịch bột ngọt hay cái bánh chưng tự gói. Ngày đầu năm, tất cả mọi thành viên trong gia đình cùng tề tựu thật ấm cúng. Bây giờ thì đời sống đã khá giả hơn, mọi người ăn Tết cũng lớn hơn, dường như hình ảnh truyền thống có nhiều thay đổi. Chiếc bánh đơn sơ mộc mạc ngày xưa được thay bằng những hộp bánh bóng loáng, sang trọng. Dĩ nhiên, vấn đề không phải ở chỗ tặng bánh gì, nhưng thú thực nhìn chiếc bánh chưng tự gói vẫn thấy ấm áp hơn hẳn. Tôi nhớ việc bình phẩm, khen ngợi chiếc bánh kéo dài có khi đến hết cả năm.
Đi chúc Tết ngày xưa
![]() |
Bà Lê Thị Nữa (Đức Hòa - Long An): Chúc Tết là phải đến tận nhà nhau, nói với nhau những lời tốt đẹp chất chứa hy vọng trong năm mới. Lời chúc của người xưa thường mang tính tập thể chứ không cá nhân nhiều như bây giờ, nhưng dù sao ở thời nào cũng đều mang ý nghĩa trao gởi niềm vui, may mắn. Người Việt đến giờ vẫn giữ được phong tục đẹp này thực đáng vui mừng. So sánh xưa với nay, tôi thấy nếu trước đây khi đến nhà nhau chúc Tết, chủ nhà thường mang mâm cơm ra mời, đó là những món ngon nhất mà gia đình chuẩn bị; còn nay việc tiếp đón khách rút gọn lại, chủ yếu mời trà nước, kẹo mứt. Tôi cũng nhớ trước kia ông bà thường nói phụ nữ có thai thì kiêng đi chúc Tết, bây giờ ít ai để ý chuyện này. Ngoài ra, trước kia nhà cửa không chia riêng phòng ngủ, phòng ăn, phòng khách… nên khách tới chúc Tết có khi vẫn thấy người nằm trên giường ngủ nướng vì đêm Giao thừa thức khuya. Đi chúc Tết mà gặp người nằm ngủ chưa dậy thì phải đợi họ dậy mới nói lời chúc. Nếu không thể đợi được thì khách nên chờ dịp khác bởi ngày Tết không nên đánh thức bất cứ ai để họ tránh bị hối thúc cả năm.
Như một lời nhắc nhớ
![]() |
Chị Nguyễn Ngọc Anh Thư (An Giang): Chúc Tết người lớn tuổi không chỉ thể hiện lòng hiếu kính với ông bà cha mẹ, mà còn là mong uớc gia đình được hòa thuận, bình an. Thật tiếc vì giới trẻ thời nay dường như dần xao lãng việc chúc tuổi ông bà do quá chú tâm vào các thú vui khác, một phần cũng bởi mối gắn kết giữa các gia đình hiện đại không còn quá bền chặt như những gia đình tam, tứ đại đồng đường ngày xưa. Lời chúc sức khỏe ông bà, cha mẹ cũng là lời nhắc nhở con cháu chăm sóc các bậc đáng kính nhiều hơn khi họ còn ở bên mình.
Có chút tiếc nuối
![]() |
Bà Lê Thị Lượm (Càng Long, - Trà Vinh): Người ta hay nói “mùng Một là Tết ông bà, mùng Hai Tết nhà, mùng Ba dành cho thầy cô”. Chính vì vậy, việc đi xông đất, thăm nhà, chúc Tết người thân, người quen vô cùng quan trọng. Ngày xưa, con cháu đi chúc tuổi ông bà thường hẹn nhau đi một lượt. Nếu ở chung thì từ sáng sớm đã dậy chuẩn bị quần áo chỉnh tề rồi xếp hàng lần lượt nói những lời chúc mừng. Chúc tuổi phải theo vai vế, anh cả hoặc người con lớn nhất trong nhà sẽ chúc ông bà (người lớn nhất) trước rồi đến những thành viên khác. Khi nhận được lời chúc, tùy vào điều kiện, hoàn cảnh gia đình mà các cụ ông, cụ bà sẽ lì xì lại cho con cháu chút lộc may mắn ngày đầu năm. Còn với họ hàng, xóm giềng thì mấy ngày Tết đơn giản chỉ là đến nhà nhau dâng hương rồi chúc mừng Xuân mới, ít khi đem theo quà cáp. Thời nay, dường như lời chúc nhau năm mới ít được xem trọng hơn. Người ta chú ý vào việc tặng quà, lì xì thay vì giữ gìn cách chúc Tết nề nếp như xưa. Xã hội hiện đại đã phai lạt nhiều nét xưa khiến tôi có chút tiếc nuối.
Không khí Xuân
![]() |
Anh Phan Chí Dũng (Cần Thơ): Sáng sớm mùng Một Tết, con cháu tụ họp ở nhà người lớn nhất họ để chúc ông bà, cô chú bác và mừng tuổi lẫn nhau. Theo tục lệ, cứ năm mới tới, kể cả người lớn lẫn trẻ con, mỗi người tự nhiên tăng lên một tuổi. Bởi vậy ngày đầu năm còn là ngày con cháu “chúc thọ” ông bà và các bậc cao niên, cầu ơn trên ban cho mạnh khỏe. Dịp này nhiều gia đình con cháu còn biếu quà ông bà, cha mẹ để thể hiện lòng hiếu thảo và người lớn mừng tuổi lại trẻ nhỏ bằng phong bao đỏ kèm theo lời nhắn nhủ. Không khí ba ngày Tết dường như rôm rả bởi lời chúc Xuân trao gởi cho nhau.
Nghĩ đến nhau
![]() |
Chị Dương Thị Hà Vi (Quảng Nam): Xứ Quảng quê tôi cũng giống nhiều vùng miền khác, cứ mỗi độ Xuân về, năm hết, người ta vẫn đến nhau chúc Tết, hỏi thăm sức khỏe ông bà, chú bác, láng giềng thân thuộc. Sau những tất bật trong việc dọn dẹp nhà cửa, mâm quả cúng ông bà, ngày mùng một Tết ai cũng mong nhận được những lời chúc Xuân để cảm thấy may mắn, vui vẻ. Đất miền Trung hằng năm dù thời tiết những ngày này có khi lạnh, mưa vô cùng khắc nghiệt nên đi thăm hỏi nhau cũng đôi khi bất tiện, song chính vì vậy mà những lời chúc dành cho nhau đầu năm mới lại thêm ý nghĩa, nhất là với những người phải đi làm ăn xa đến ngày Tết mới trở về gặp gỡ, sum vầy.
Niềm vui ngày đầu năm
![]() |
Chị Phạm Nguyễn Quỳnh Dương (Q4 - TP.HCM): Dù có nhiều cái hẹn du Xuân với bạn bè nhưng tôi đều gác lại sau ngày mùng Ba vì trước đó theo cha mẹ đi chúc họ hàng. Là con út nên tôi được “ưu tiên” từ bé đi theo cha mẹ. Thú thực lúc nhỏ, điều duy nhất khiến tôi hào hứng trong chuyện này là được nhận phong lì xì đỏ, còn điều sợ nhất là phải nói lời chúc người lớn. Tôi thường chỉ chúc được vài câu đơn giản mà bố mẹ chỉ như sức khỏe, an khang, thịnh vượng… Sau này lớn hơn, tôi cảm thấy thích thú khi hiểu được ý nghĩa mỗi lời chúc tôi nhận lại. Ước gì bầu khí vui vẻ, thân tình khi mọi người đến thăm nhau ngày Tết đừng bao giờ mai một !
Nhắc nhau giữ phong tục đẹp
![]() |
Ông Nguyễn Tiến Thịnh (Long Xuyên): Gia đình tôi vẫn duy trì phong tục chúc Tết đầu năm vì đó là nét đẹp văn hóa của dân tộc mà tôi muốn con cháu phải lưu giữ. Tết đến Xuân về là dịp gia đình vui vầy sum họp, dành cho nhau những lời chúc tốt đẹp. Sáng mùng Một con cháu thường tập trung lại chúc thọ ông bà cha mẹ. Ông bà cha mẹ sau đó sẽ mừng tuổi lại cho con cháu. Mọi người ai cũng vui vì một năm mới được bắt đầu từ sự yêu thương. Tiếc là phong tục này đang dần bị biến đổi bởi nhiều yếu tố. Xã hội công nghiệp, thời đại thông tin khiến một bộ phận người trẻ lại quên đi truyền thống đó. Tôi cũng sợ con cháu mình bị cuốn theo nên luôn nhắc nhở người trong gia đình dù đi đâu, làm gì thì nét đẹp ba ngày Tết này vẫn cần phải được gìn giữ và phát huy.
Lời chúc ý nghĩa
![]() |
Chị Phạm Thị Trường Dung (Phan Thiết): Ông bà tôi đều không còn nên năm nào ngày mùng Một, mùng Hai tôi dành đi chúc Tết họ hàng và thầy cô giáo cũ. Tôi cũng đến nhà bạn bè, đồng nghiệp để chúc Tết, mừng Xuân mới. Tính ra có khi đến thăm gần hai chục gia đình. Cũng chính vì vậy tôi luôn chuẩn bị những câu chúc dành cho nhiều lứa tuổi khác nhau và tùy cơ “ứng biến” cho phù hợp. Lời chúc Tết chính là lời mang lại may mắn, thể hiện sự quan tâm, tôn trọng lẫn yêu thương nên cũng phải lưu tâm nói sao cho người nghe cảm thấy hài lòng. Với những người ở xa hoặc không tiện đến nhà, tôi sưu tầm những lời chúc hay, lạ trên mạng và gởi tin nhắn cho họ. Có những tin nhắn tôi gởi từ đêm Giao thừa.
Nhận lại và trao đi
![]() |
Bà Vũ Thị Tiến (Q3 - TPHCM): Bên cạnh việc chúc Tết những người thân trong gia đình, tôi cũng khuyên các con, cháu đến nhà thầy cô, bạn bè, đồng nghiệp để chúc mừng năm mới. Đối với các thành viên nhỏ tuổi, người lớn trong nhà sẽ dạy cho các bé những câu chúc, những bài hát quen thuộc để dành tặng cho người khác khi gặp họ vào dịp đầu năm. Với tôi, tất cả những điều đó sẽ giúp gắn kết mọi người với nhau và giúp cho niềm vui ngày Xuân thêm nồng ấm. Tôi nhận thấy rằng ngày nay, có một số người vì nhiều lý do nên không còn chú trọng việc chúc Tết như trước, mà dành thời gian đi du lịch ở nơi xa, điều đó khiến bầu khí Tết có phần ảm đạm. Trong năm, nhiều người bận rộn chuyện học, chuyện làm đã ít hỏi han thân hữu nên dịp Tết chính là cơ hội thể hiện sự quan tâm dành cho nhau… Tôi cũng rất vui khi nhận được những lời chúc từ người khác nên tôi cũng mong muốn trao cho mọi người như vậy.
Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, tòa soạn sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng cgvdt.vn của mình.
Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn”.
Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Công giáo và Dân tộc.