Trong những cái chộn rộn lo Tết, chưng Tết nghe đơn giản vì nhiều người quan niệm miễn sao cho đẹp, cho mới… Thực tế, đằng sau trưng bày còn chứa đựng những mong muốn, gởi gắm điều tốt đẹp trước khởi đầu của một năm. Chưng Tết còn là nét văn hóa có tính truyền thống, đặc trưng vùng miền và thói quen của dòng tộc, gia đình...
BÀY BÁO XUÂN TRONG DỊP TẾT
![]() |
Ông Phan Thành Minh (Lâm Đồng): Bây giờ dân trí đã cao, nhiều gia đình kinh tế dồi dào, sung túc, cho dù không thật sự là người thường xuyên đọc báo hay yêu thích báo, người ta cũng mua vài tờ báo Xuân chưng bày trong ba ngày Tết. Đặt chúng trên bàn nước cùng chậu mai trông đẹp và tao nhã. Tôi thường nhận được báo biếu vào dịp Xuân về vì có cộng tác cho một số tòa soạn. Vì thế, việc chưng báo Xuân cũng lạ hơn nhiều nhà một chút. Khi có nhiều tờ khác nhau thì sẽ thấy được sự phong phú của làng báo Xuân, mỗi bìa báo mỗi kiểu, màu sắc đa dạng… Việc có thêm một bàn báo Xuân cũng làm tăng thêm sắc màu và không khí Xuân cho căn nhà khi Tết đến. Mình có gì thì bày nấy thôi chứ cũng không cầu kỳ.
GÓC CHỤP HÌNH GIA ĐÌNH
![]() |
Bà Nguyễn Thị Diệp (Đồng Nai): Trang hoàng nhà cửa mang màu của Tết từ cây cảnh, bình hoa, dọn bàn khách... thường thể hiện nếp nhà của mỗi gia đình. Ngoài ra, nhà tôi hằng năm có chút đặc biệt hơn khi các con cùng xúm tay vào sửa sang bày biện, đại loại như phông nền, tiểu cảnh… để không chỉ đẹp ba ngày Tết mà còn có nền chụp chung với nhau mấy tấm ảnh đại gia đình. Một công đôi chuyện là vậy. Nhờ đó, không gian phòng khách năm nào cũng mới mẻ bởi mỗi năm lại có khác đi. Cả nhà góp ý tưởng, mỗi người một tay, tạo ra không khí vui nhộn. Có năm con gái bày đôi quang gánh có hoa cúc ở hai đầu, rồi làm băng pháo bằng lon nước ngọt màu đỏ; con trai thì tìm chọn một cành khô gắn mai giả, bao lì xì…, cũng vui mắt.
TẾT KHÔNG THỂ THIẾU HOA
![]() |
Chị Nguyễn Thị Hằng (Hà Nội): Chưng hoa Tết đã là nét đặc trưng, không kể ở miền nào. Từ nhỏ, ngày cuối năm đã thấy mẹ bận rộn chuẩn bị Tết và nhà không khi nào thiếu cành đào. Thấy đào hoa chúm chím phớt hồng trong nhà là thấy Tết. Và cành đào ấy năm nào cũng kèm theo những câu chuyện: xuất xứ từ đâu, dáng đẹp thế nào, nụ nhiều ít ra sao...? Cứ thế, xôn xao mà thấy nhớ. Sau này, các loại hoa được chọn chưng Tết đa dạng hơn, có năm mọi người chuộng hoa nhập khẩu lạ mắt nhưng có năm lại theo trào lưu tìm hoa xưa, bởi nhà năm đó trang trí theo phong cách Tết xưa. Hoa lay-ơn, nụ tầm xuân, đồng tiền... chưng Tết cũng mang lại cảm giác bồi hồi.
CHƯNG LÀ ĐỂ ĐẸP, ĐỂ NGẮM
![]() |
Bà Trần Thị Tiện (Cần Thơ): Ngày Tết thì ai cũng muốn nhà đẹp, tươm tất…, nên nhu cầu chưng cho đẹp, chưng để ngắm nó nhiều hơn là để dùng. Chưng mâm quả ba ngày Tết ngoài mang ý nghĩa ước mong sự đủ đầy, cũng phần nào giúp bàn thờ gia tiên thêm đẹp, trang trọng. Như trái dư chưng vào mâm ngũ quả vì đẹp, vì cái tên mang nghĩa dư dả, chứ nào có ăn được trái này. Còn có khi mọi người chưng những giỏ quà đủ món trong đó, hay tháp bánh, tháp nước ngọt…, cốt cũng cho xinh xẻo. Không biết mùng nào người ta hạ xuống chứ mấy mùng chính thì nguyên xi như vậy. Nhà càng sung túc thì chưng bày càng nhiều. Tết mọi người còn chú ý đến hoa, đến tranh. Tết lại là dịp hay để mua tranh, thay tranh. Tranh tứ thời có Mai, Lan, Cúc, Trúc nhìn thế nào cũng thấy đẹp. Ngoài miền Bắc, Tết người ta còn hay mua treo tranh Đông Hồ để mong điều tốt lành nữa…
CHƯNG TẾT PHẢI CHỌN THÀNH CẶP THÀNH ĐÔI
![]() |
Ông Hà Minh Chính (Bình Định): Ngày Tết, mua cái gì chưng ông bà đều dạy mua theo cặp, tròn đôi như thế theo quan niệm xưa mới cân xứng, nhìn vừa đẹp lại vừa không cảm thấy đơn lẻ. Nhà tôi có năm chọn cặp bưởi, năm khác lại là cặp dưa hấu tròn, và cũng có năm mua cặp dừa đẹp để trên tủ thờ. Mỗi vùng miền lại có cách chưng Tết khác nhau, nhưng để ý vẫn có điểm chung là luôn đủ cặp. Hoa cúc trước nhà một cặp, đôi bình hoa trên bàn thờ, cặp bánh trưng hay tét, cặp rượu... Năm nay kinh tế có khó hơn và theo thời gian cũng có nhiều thay đổi trong cách dọn đón Tết, ăn Tết… Dù theo xu hướng phải gọn nhẹ nhưng Tết nhà không có chút bông hoa, bánh trái mang hơi thở Xuân thì cũng buồn. Vả chăng, chưng bày một chút nó khiến mình vui hơn khi đón năm mới. Tết cổ truyền thì muốn chưng vẽ gì theo tôi cứ chọn kiểu truyền thống nhìn vẫn thích nhất. Dù nhiều người bây giờ có xu hướng Tây hóa, không phải nhìn không đẹp nhưng thấy có khi không ra hồn Tết Việt.
CHƯNG ĐÔI CÂU ĐỐI
![]() |
Chị Huỳnh Thị Huyền (Vũng Tàu): Trong ký ức đọng lại ở nhiều người, hình ảnh Tết ngày xưa ở quê nhà dường như ít khi thiếu đôi câu đối. Những gian thờ trong mỗi nhà khi Tết về sẽ thường thắm đỏ màu câu đối mới còn thơm mực. Treo câu đối cũng là một cách làm tươi mới không gian nhà đầu Xuân. Tôi hỏi người lớn, họ kể ngày xưa đi xin chữ trên câu đối thường sẽ nói ý muốn của gia chủ như bình an, an khang, thịnh vượng… Câu đối thì cũng sẽ gồm hai vế đối biểu thị quan điểm, tình cảm, khát vọng. Bây giờ thì chưng câu đối Tết không còn được chuộng như xưa. Dù vậy, mỗi năm có dịp du Xuân, tôi vẫn thấy có người bán và viết câu đối theo lối thư pháp và cũng nhiều người quan tâm mua về chưng Tết cho đẹp. Chưa nói tới nội dung, cứ có đỏ có vàng nổi bật giữa không gian nhà là có không khí rồi.
NHÓM PHÓNG VIÊN CGVDT THỰC HIỆN
Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, tòa soạn sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng cgvdt.vn của mình.
Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn”.
Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Công giáo và Dân tộc.