Thứ Năm, 06 Tháng Sáu, 2019 15:12

Chuyện của người giúp việc nhà Chúa

 

Tới lui nơi thánh đường giáo xứ mỗi ngày, những người giúp việc Nhà Chúa chứng kiến, cảm nghiệm, ấp ủ biết bao tâm tình về con người, đời sống đạo…

 

BÌNH AN TUỔI GIÀ

Ông Nguyễn Văn Tiền (Gx Vĩnh Hội, TGP TPHCM): Nhà tôi không xa nhà thờ và hiện cũng không vướng bận việc gì nhiều nên mỗi ngày đến nhà thờ giúp việc chung cho giáo xứ đó là niềm vui nho nhỏ của bản thân. Ban đầu tôi cũng chỉ ra vào khi thì sửa điện, lúc lại tham gia vào hội quét dọn của giáo xứ..., rồi dần dà thành thói quen, không ghé vô nhà thờ lại cảm thấy thiếu vắng. Nay mỗi ngày tôi đều có mặt phụ giúp  những việc trong khả năng. Lớn tuổi rồi, tôi cũng không lo nghĩ nhiều nữa ngoài việc cảm thấy yêu hơn ngôi thánh đường mình đã gắn bó gần như cả cuộc đời.

MỘT PHẦN CUỘC SỐNG

Ông Nguyễn Văn Cát (Gx Chánh tòa, GP Hải Phòng): Nhiều năm qua, nhất là sau khi nghỉ hưu, tôi có dịp gắn bó với nhà thờ bằng việc tham gia vào tổ bảo vệ. Ðược ở gần Ðức Giám mục địa phận, các linh mục, tu sĩ, tiếp xúc nhiều anh chị em giáo dân giúp tôi thêm yêu mến việc Nhà Chúa. Không chỉ thế, ở cái tuổi gần tám mươi này, công việc đang làm khiến tôi thấy mình như gần gũi với Chúa hơn. Hay đến nhà thờ, tôi có thể cầu nguyện bất kỳ lúc nào. Trong nhà nguyện, tôi dễ lắng lòng, nói chuyện với Chúa và với chính mình. Thời trẻ, vì làm ăn, vì bận bịu gia đình mà đôi khi sao nhãng bổn phận thì bây giờ mình bù lại. Trò chuyện với các cha, các sơ nơi đây hằng ngày với những đề tài xung quanh đời thường đã gợi mở cho tôi nhiều nghĩ suy. Ðôi lúc ngẫm nghĩ, một ngày nào không còn sinh hoạt ở nhà thờ chắc hẳn sẽ rất buồn, bởi từ lâu với tôi đây là một phần quan trọng của cuộc sống.

 

GỢI LÒNG MẾN CHO BẢN THÂN

Ông Liêng Hot Hà Yang (Gx Ðạ Tông, GP Ðà Lạt): Cách đây hơn chục năm, ở vùng đất này chưa có nhà thờ, hằng tháng tôi với anh Ða Căt Hà Dương, Chủ tịch Hội đồng Mục vụ đi bộ, băng rừng lên Tòa Giám mục, cách 60 cây số để rước Mình Thánh Chúa về cho bà con. Ngày đó đường đi rất vất vả, thậm chí gặp cả thú dữ nhưng trong suốt mọi hành trình đều bình an, và luôn cảm nhận được ơn thiêng từ Chúa Thánh Thể giữ gìn. Sau này khi giáo xứ thành lập, có nhà thờ, tôi được bà con tin tưởng bầu vào Ban Hội đồng Mục vụ. Mình phải hết lòng vì việc chung, nhưng hơn hết, chính khi gần gũi Nhà Chúa, tôi mới cảm nhận thêm được rất nhiều điều hay, giúp cho đời sống đạo của mình. Ngày trước và cả bây giờ, cuộc sống của bà con trong vùng vẫn còn nhiều vất vả nhưng mỗi lần giáo xứ có công chuyện gì, mọi người sẵn sàng lui tới giúp rất đông. Nhiều người tới với cái bụng đói nhưng sẵn sàng làm việc với sự vui tươi... Những con người nhiệt thành này như truyền thêm lửa nhiệt tình cho tôi.

 

NIỀM VUI

 

Ông Bùi Viết Tân (Gx Vinh Sơn 6, TGP.TPHCM): Làm việc chung nơi Nhà Chúa, gặp những va chạm, bất đồng ý kiến là chuyện bình thường nhưng tôi hiểu những ý kiến của anh em, cách này hay cách khác suy cho cùng cũng để xây dựng cộng đoàn. Gần gũi với cộng đoàn, tôi cảm thấy thoải mái, bình an khác lạ. Hơn nữa, sinh hoạt Nhà Chúa còn cho mình nhiều ơn ích thiêng liêng, mà điều trước tiên và dễ nhận thấy là niềm vui tuổi già, sau là tăng thêm lòng mến. Mỗi lần ngồi trực văn phòng nhà xứ, nghe tiếng cha dâng lễ hay những lời râm ran kinh nguyện của cộng đoàn, dù không tham dự nhưng tôi cũng cảm thấy tâm hồn nhẹ nhàng và thúc đẩy sự hăng say.

 

“Giáo dân hiệp nhất với các linh mục và tu sĩ nam nữ, làm nên một Dân duy nhất của Thiên Chúa, một Thân Thể duy nhất của Ðức Kitô.

Là “chi thể” của Giáo hội, điều đó không cản trở mỗi người Kitô hữu vẫn là một “hữu thể độc nhất và không thể thay thế”; ngược lại, điều đó làm cho tính độc nhất bất khả thay thế của mỗi người có được ý nghĩa sâu xa nhất, vì tính độc nhất này là nguồn gốc của sự đa dạng và phong phú cho toàn thể Giáo hội. Chính theo nghĩa đó mà Thiên Chúa, qua Ðức Giêsu Kitô, kêu gọi đích danh từng người trong chúng ta, mà không thể lẫn lộn. Lời mời gọi của Chúa Giêsu: “Cả các anh nữa, vào làm vườn nho cho tôi đi” nói với từng cá nhân và có nghĩa là “cả anh nữa, cũng vào làm vườn nho cho tôi đi!”.

Chính vì thế mà mỗi người chúng ta, với tính cách độc nhất không thể thay thế của mình, hiến thân làm cho sự hiệp thông Giáo hội được tăng trưởng, bằng bản thân và hành động của mình, cũng như đón nhận và đồng hóa theo cách riêng mình, sự phong phú của Giáo hội toàn cầu. Chính đó là sự “Hiệp thông các Thánh” mà chúng ta tuyên xưng trong kinh Tin Kính: thiện ích của mọi người trở thành thiện ích của mỗi người và thiện ích của mỗi người trở thành thiện ích của mọi người. Thánh Grêgôriô Cả đã viết: Trong Hội Thánh, mỗi người nâng đỡ các người khác và các người khác nâng đỡ lại họ”.

(Trích Tông huấn Kitô hữu giáo dân của Ðức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II,
ngày 30.12.1988, số 28)

 

Ý kiến bạn đọc ()
Tin khác
Xem thêm