Thứ Tư, 11 Tháng Giêng, 2023 22:33

Chuyện tặng quà Tết

 

Biếu tặng quà dịp Tết đến vốn là việc thường niên, như một cái hẹn trước những ngày đầu năm Âm lịch, nhưng với mỗi người ở mỗi thời điểm lại mang nhiều cách nghĩ suy…


ĐỂ KHÔNG THÀNH GÁNH NẶNG

Chị Phạm Thị Huệ (Hà Nam): Tặng quà Tết có đôi khi đã trở thành gánh nặng về kinh tế và cả tinh thần của nhiều người. Tặng ai, tặng cái gì và tặng như thế nào đều là những câu hỏi không dễ trả lời. Riêng tôi nghĩ rằng, miễn sao món quà phù hợp với khả năng của mình là được. Ngại đắt hoặc ngại rẻ quá sẽ chỉ khiến ta thêm nặng nề, áp lực, mất vui khi đáng lẽ đây nên là một chuyện vui vẻ. Thực tế có không ít người tặng quà Tết đắt đỏ cũng chưa chắc đã khiến người nhận vui lòng và món quà nhỏ không hẳn sẽ không được trân quý. Tặng quà không phải là trách nhiệm mà nên xuất phát từ niềm vui cho cả hai phía cho - nhận. 


MÓN QUÀ VỀ SỨC KHỎE

Chị Nguyễn Thùy Dương (Phú Yên): Mỗi năm, tôi thường chuẩn bị quà Tết biếu ông bà, ba mẹ hai bên gia đình. Món quà thể hiện lòng tri ân bậc sinh thành, bên cạnh đó là sự quan tâm, yêu thương, muốn dành những điều tốt đẹp nhất cho người thân. Do đó, món quà quý giá nhất không phải món đắt tiền mà là món quà thể hiện được điều đó. Tôi thường chọn những món có tính chất bồi bổ hoặc liên quan đến chăm sóc sức khỏe để biếu tặng. Bây giờ chỉ mong ông bà, cha mẹ sống khỏe bên con cháu. Năm nào tặng quà mà được nghe khen là khéo chọn, mình cũng vui. Ông bà, cha mẹ sẽ cảm thấy tiếc tiền giùm con cháu nếu biết con cháu mua quà quá đắt tiền hoặc những món quà không thiết thực. Đó là sự phung phí, người nhận chưa chắc sẽ vui lòng...


VẪN LÀ MỘT NÉT ĐẸP

Bà Phạm Thị Mai (TP Thủ Đức): Tặng quà nhau ngày Tết thể hiện sự quan tâm, tri ân, cảm mến, trân trọng, như trở thành truyền thống. Để truyền thống này đẹp mãi, lại cần sự văn minh. Món quà văn minh là món quà hướng tới mục đích trong sáng khi biếu tặng. Tôi muốn nói đến những khía cạnh văn hóa tích cực từ câu chuyện quà Tết. Những món quà vào thời điểm cuối tháng Chạp như một sự chia sẻ, giúp đỡ của người thân, bạn bè những năm tháng khó khăn.


NGHĨ ĐẾN NGƯỜI NHẬN NHIỀU HƠN

Ông Huỳnh Sơn Hiệp (Đồng Nai): Tặng quà Tết sẽ là một nét đẹp nếu tránh được sự lãng phí. Tôi muốn nói đến những món quà mà người nhận không sử dụng hoặc không quan tâm, thiết tha. Những quà Tết dành cho một tập thể, thường bị trùng nhau, chẳng hạn một công ty nhận được rất nhiều hoa… Nếu chúng ta để ý tới sở thích, tới nhu cầu của người được tặng, sẽ tránh sự lãng phí và còn khiến người nhận vui và nhớ nhiều hơn. Nhiều món quà na ná nhau theo kiểu “mua cho có” chắc chắn sẽ khác món quà mà trong đó có cả sự chăm chút, ý tứ. Không hiểu sao tôi vẫn ấn tượng và thích những món quà quê. Trong món quà quê, tôi thấy mùa Xuân, thấy bầu khí Tết rõ hơn.


CHÚT TÌNH XÓM LÀNG

Chị Nguyễn Lệ Hằng (Hưng Yên): Ngày còn nhỏ, tôi thấy bố mẹ hay mang thức này món kia cho người quen trong xóm làng, rồi cũng được nhận lại món khác, tôi thấy bầu khí Tết như vậy mà vui vầy, ấm cúng. Nhà ai có thể làm món gì ngon lại mang đi biếu lấy thơm lấy thảo. Giờ mình lại tiếp nối như ông bà, tự bày mấy món mang vị Tết như sên mứt, muối dưa món, gói bánh…, rồi biếu bà con và hàng xóm. Món nhà làm thể hiện tấm lòng và sự thân tình dành cho người nhận. Món quà đơn giản nhưng thể hiện tình cảm hơn, ra hồn Tết hơn. Dù tự làm, tôi cũng không quá xuề xòa, quà được gói, được đựng trong những bao bì đẹp mắt để thể hiện sự trân trọng. Năm nay, tôi sên tới chục ký mứt gừng, chục ký mứt dừa mới đủ tặng. Những món quà Tết nhà làm gói trọn tâm tình.

 

Minh Hải thực hiện

 

 

Ý kiến bạn đọc ()
Tin khác
Xem thêm