Anh Théo Curin, vận động viên người Pháp hai lần đoạt huy chương tại Thế Vận Hội dành cho người khuyết tật (Paralympic), đã ghi tên vào lịch sử sau khi hoàn tất cuộc hành trình 122km vượt hồ nổi tiếng ở Nam Mỹ.
Ngày 20.11, vận động viên Curin (sinh năm 2000) đã trở thành người đầu tiên bơi vượt Hồ Titicaca trên dãy Andes, nằm giữa Bolivia - Peru. Trong suốt 11 ngày, anh Curin cùng với hai bạn đồng hành đã vượt qua những thách thức vô cùng khốc liệt, chẳng hạn như nhiệt độ nước hồ lạnh giá do Titicaca nằm ở độ cao hơn 3.800m so với mặt nước biển. Ðây cũng là hồ cao nhất thế giới có thể di chuyển được bằng tàu bè, và một trong những hồ lớn nhất Nam Mỹ, với diện tích 8.562km2.
![]() |
Làm thay đổi nhận thức về người khuyết tật
Năm lên 6, Curin mắc bệnh viêm màng não, căn bệnh có khả năng dẫn đến hoại tử. Ðể cứu mạng bệnh nhân nhỏ tuổi, các bác sĩ phải tiến hành đoạn tứ chi. Ban đầu, tình trạng cơ thể khiến Curin bị chứng sợ nước, theo Ðài CNN. “Tôi ghét nước. Mỗi khi trường học tổ chức những chuyến ngoại khóa đến hồ bơi, tôi đều không tham gia vì sợ”, anh Curin nhớ lại.
Tất cả những điều đó đã thay đổi khi Curin gặp được vận động viên khuyết tật người Pháp Philippe Croizon (sinh năm 1968). Cũng trong tình trạng bị đoạn tứ chi, ông Croizon trở nên nổi tiếng toàn thế giới với cuộc hành trình bơi vượt eo biển Manche năm 2010. Cuộc gặp diễn ra khi Curin mới 7 tuổi, và lập tức thổi bùng trong lòng cậu bé khát vọng chứng tỏ bản thân bất chấp cơ thể khiếm khuyết. Nhờ sự khích lệ của vị tiền bối, Curin quay lại với hồ bơi, khi đã không còn sợ nước thì nhanh chóng làm quen với bơi lội và thật sự cảm kích vì điều đó. “Khi không còn sợ nữa, lúc ở trong nước, tôi có cảm giác rằng những khuyết điểm của cơ thể hoàn toàn biến mất. Tôi không cần mang chi giả, không cần xe lăn. Tôi giống như những người khác”, anh Curin chia sẻ.
![]() |
Năm 2015, anh gia nhập đội tuyển Pháp và tham gia thi tài ở Giải vô địch bơi lội thế giới dành cho người khuyết tật, tổ chức tại Glasgow (Anh). Một năm sau, anh là thành viên nhỏ nhất của đội tuyển Pháp, thi đấu tại Paralympic ở Rio de Janeiro (Brazil), khi mới 16 tuổi. Năm 2020, anh tham gia ba môn phối hợp theo khuôn khổ Giải Ironman ở Sables-d’Olonne, Pháp.
Làm nên lịch sử
Ngày 10.11, vận động viên Curin, hiện 21 tuổi, bắt đầu cuộc thử thách ở Hồ Titicaca với mục tiêu nâng cao nhận thức của con người về tình trạng ô nhiễm môi trường trên toàn cầu, cũng như ủng hộ những người khuyết tật. Ðồng hành với anh là cựu vận động viên Olympic Malia Metella, 39 tuổi và Matthieu Witvoet, nhà thám hiểm sinh thái 27 tuổi (đều là người Pháp). Trong đó, chị Metella, 5 lần vô địch thế giới và từng đoạt huy chương tại Olympic Athens năm 2004, còn anh Witvoet vào năm 2017 đã đạp xe vượt qua 18.000 km ở 17 quốc gia. Cả 3 người đã có 1 năm tập luyện tại hồ Maternale trên dãy núi Pyrénées của Pháp.
![]() |
Anh Curin bắt đầu rời khỏi bờ Copacabana thuộc Bolivia vào 8 giờ 15 ngày 11.11. “Ðây là thời khắc vô cùng cảm động”, anh cho biết. Trong vài cây số đầu tiên, một số vận động viên hàng đầu của Bolivia đã bơi cùng họ, cho đến khi chỉ còn lại bộ ba người Pháp. Cả ba thay phiên nhau bơi trong khi hai người còn lại nghỉ ngơi và giữ ấm trên con thuyền làm từ vật liệu tái chế. Trong suốt chuyến thử thách, họ uống nước lọc lấy từ hồ và giữ thức ăn trong các túi tái sử dụng nhằm tránh xả rác. Ngày 20.11, họ đến bờ Puno thuộc Peru. Anh Curin hoàn toàn không cần đến sự hỗ trợ từ hai người bạn trong cả quá trình.
![]() |
Chuyến bơi vượt Hồ Titicaca gặp nhiều khó khăn, do bão tố, gió giật và các luồng nước chảy mạnh. Tuy nhiên, bộ ba đã có kinh nghiệm dày dặn nhờ một năm chuẩn bị, thậm chí còn trải qua thời gian trong một buồng đông lạnh, mô phỏng tình trạng của Hồ Titicaca. Sau khi hoàn thành chuyến đi, anh Curin bày tỏ: “Tôi cảm thấy nhẹ nhõm. Chúng tôi đã trải qua vô vàn khó khăn trong thử thách này, mà đến nay tôi không ngờ rằng đã hoàn thành được mục tiêu của mình”.
BẠCH LINH
Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, tòa soạn sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng cgvdt.vn của mình.
Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn”.
Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Công giáo và Dân tộc.