Gia Ðịnh thành thông chí chép sự kiện vào giữa ngày Tết năm 1770, cọp từ rừng sác kéo về chợ Tân Kiểng (phường 2, quận 5), gây kinh hoàng cho dân chúng, khiến thầy trò Tăng Ân và Trí Năng phải ra tay tiêu diệt, đem lại an lành cho dân chúng. Nhà sư Hồng Ân cũng bị chết sau trận chiến ác liệt ấy. Bàn thờ nhà sư hiện còn trong đình Tân Kiểng. Mười Tám Thôn Vườn Trầu, tức vùng đất kéo dài từ quận 12 đến huyện Hóc Môn, huyện Củ Chi xưa kia còn nhiều rừng rậm, từ đây đã xuất phát câu thành ngữ “Dữ như cọp Vườn Trầu”. Ðặng Thanh Xuân trong cuốn sách Chân dung Võ Tánh và người Gò Công cũng cho biết, một mình Võ Tánh đã dùng tay không đánh cọp ở đất Vườn Trầu này khi đã là một võ sư có võ nghệ cao cường. Vào cuối thế kỷ XIX, sau khi Pháp sang nước ta hơn 10 năm, dân cư đông đúc, vậy mà nạn cọp vẫn còn hoành hành. Con số thống kê cho biết: vùng cầu An Hạ trong 3 tháng có 10 người chết; vùng Hóc Môn, trong vài tuần có 4 người bị ăn thịt; vùng Thủ Dầu Một (Bình Dương), trong vài tháng có 8 người cọp bắt (Sơn Nam, Bến Nghé xưa).
]
![]() |
Bình phong Ông Hổ |
Finlayson trong phái bộ ngoại giao Anh, đến Xiêm và Ðàng Trong năm 1821, có ghé Sài Gòn, đã viết hồi ký về chuyến đi, sách xuất bản vào năm 1826. Trong thời gian ở Sài Gòn, ông đã được chứng kiến cuộc đấu giữa cọp và voi do Tổng trấn Lê Văn Duyệt ra lệnh tổ chức.
Cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, xung quanh chợ Thủ Ðức vẫn còn rừng. Khu vực Dĩ An giáp ranh với Thủ Ðức rất hoang vu hơn, thỉnh thoảng vẫn có cọp. Ông hoàng người Pháp Montpensier thường hay đến đây săn bắn. Khoảng năm 1890, Thái tử Nga sau này là Sa hoàng Nicolai II ghé Sài Gòn chơi, được đón tiếp trọng thể, đưa lên đây đi săn nai. Trước năm 1945, hãng Caffort ở Sài Gòn ở đường Catinat (đường Ðồng Khởi, quận 1 nay) làm dịch vụ cho khách Tây lên Buôn Ma Thuột săn cọp với đầy đủ máy phát điện, máy bào nước đá, nhà bếp với đầu bếp người Hải Nam nấu món Pháp. Ði kèm khách là những tay thiện xạ người Pháp, người Việt của hãng, người đi săn“được hộ tống cẩn thận như tổng thống Hoa Kỳ đi Texas thăm cao bồi chuyên bắn súng đùng đùng” (Nhiều tác giả, Biên Hòa xưa, Nxb Ðồng Nai, 2012).
![]() |
Ông Hổ trong miếu Bà Ngũ Hành ở đường Tôn Thất Thuyết |
Ở các làng quê Nam bộ, thường có tập tục cử cọp giữ chức Hương cả của làng, không ai trong các thôn làng được giữ chức vụ này. Lễ Bầu Ông ở đình Bình Thọ (Thủ Ðức ngày nay) tổ chức đúng vào lúc 0 giờ khuya ngày 15 rạng ngày 16/2 Âm lịch hàng năm, trước ngày tổ chức đại lễ Kỳ yên của đình (16/2 Âm lịch). Ðây là một lễ thức trang nghiêm và quy củ có tính chất điển lệ chứ không phải là hình thức thực hành nghi lễ dân gian. Lễ vật gồm một con heo sống, một cỗ xôi trắng, có tế lễ do học trò lễ thực hiện, tấu nhạc lễ, theo lời xướng đọc nghi thức lễ bái, dâng lễ vật của viên chấp sự... Nghi thức tương tự như nghi thức tế thần Thành Hoàng trong lễ Kỳ yên. Tục Bầu Ông ở Bình Thọ có một bản văn tế chữ Hán được khắc trên gỗ cất giữ ở chùa Linh Sơn gần đình và mỗi khi tế lễ lại được in ra để xướng đọc và đốt đi. Ở nơi khác, thay vì văn tế là một văn bản đựng trong cái ống tre (tờ cử), với nội dung dân làng đồng ý cử ông Cọp làm Hương cả. Theo lệ mỗi năm ông Cọp ra nhận lễ vật cùng “tờ cử” mới và trả lại “tờ cử” cũ. Ðiều đó cho thấy nghi thức của lễ Bầu Ông ở đình Bình Thọ đã được nâng cấp theo điển lệ tế tự chính thống Nho giáo, không dừng lại ở hình thức cúng lễ các thần linh dân gian, và tầm mức quan trọng của tín ngưỡng thờ cọp đối với cộng đồng cư dân ở đây được bảo lưu khá lâu dài so với các địa phương khác; tín lý thờ cọp cũng biến đổi theo thời gian, chứ không phải được bảo thủ nguyên vẹn (Huỳnh Ngọc Trảng, Lễ “Bầu Ông” và tục thờ Bạch hổ ở đình Bình Thọ).
![]() |
Cọp nhà vuông Bưng Ông Thoàn |
Biểu hiện của tín ngưỡng thờ Cọp thường thấy nhất là dưới dạng miếu nhỏ hoặc các bình phong ở đình làng. Một số nơi Ông Hổ được thay thế bằng các phù điêu đắp nổi hình sư tử! Trên các bình phong này là hình đắp nổi chúa sơn lâm (thường màu vàng), từ trên núi bước xuống trông rất oai vệ. Một số đình thay vì vẽ hoặc đắp nổi trên các bình phong ở trước đình thì lại tạc tượng cọp như ở các đình Tân Thới Nhì, Tân Thới Tam, Tân Thới Tứ, Thới Tam Thôn (huyện Hóc Môn). Một số ngôi đình lại có miếu thờ Bạch Hổ như đình Thông Tây Hội (quận Gò Vấp), đình Tân Thới Tứ (huyện Hóc Môn), đình Tân Mỹ Ðông (huyện Củ Chi), đình Bình Trường (huyện Bình Chánh), đình Hưng Phú (quận 8)...
Vườn Trầu thường được biết đến với cái tên “Mười Tám Thôn Vườn Trầu” (Thập bát phù viên), bao gồm hầu hết các phường trong quận 12, huyện Hóc Môn và một phần đất huyện Củ Chi thuộc thành phố Hồ Chí Minh ngày nay. Không phải ngẫu nhiên mà hiện có đến 10/21 đình trong huyện Hóc Môn có miếu thờ Hổ. Thậm chí những nhà vuông ở địa bàn huyện Hóc Môn cũ (quận 12 nay), quận 9, cọp vẫn được vẽ trước bàn thờ Tiên Sư hoặc tạc tượng đặt sau bình phong như một dấu ấn sâu đậm về “ông Ba Mươi” ở vùng đất này.
![]() |
Cọp nhà vuông Tân Thới Hiệp |
Ngày nay, ở các miệt ngoại thành của Sài Gòn như Bình Chánh, Nhà Bè, Củ Chi, Hóc Môn, Cần Giờ, chúng ta vẫn dễ dàng bắt gặp các bùa nêu hay bùa Ông Cọp được dán trước cửa nhà vào mỗi dịp Tết. Những người đi khai phá Sài Gòn vào buổi đầu cũng đã phải đối đầu với kẻ thù bốn chân (cọp), nhưng họ đã có thái độ ứng xử hết sức nhân văn đối với loài vật hung ác này, được biểu hiện qua các nghi lễ, tập tục, địa danh. Ðiều đó làm nên một nét riêng trong văn hóa của cư dân nơi đây, dù là giữa lòng một đại đô thị.
![]() |
Bùa nêu Ông Hổ ở thị trấn Nhà Bè |
Nguyễn Thanh Lợi
Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, tòa soạn sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng cgvdt.vn của mình.
Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn”.
Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Công giáo và Dân tộc.