Thứ Hai, 20 Tháng Mười Một, 2023 14:00

Cơ chế luân phiên làm vua độc nhất vô nhị ở Malaysia

 

Hội đồng Quân chủ Malaysia mới đây đã bầu Tiểu vương của bang Johor - Ibrahim Sultan Iskandar làm Quốc vương kế tiếp của Malaysia vào thời điểm Quốc vương đương nhiệm kết thúc triều đại của mình.

Vua Malaysia hiện nay là Abdullah Sultan Ahmad của bang Pahang, lên ngôi từ năm 2019. Tuy nhiên, theo cơ chế luân phiên làm vua chỉ có ở Malaysia, nhiệm kỳ của vị quân chủ sẽ kết thúc vào ngày 30.1.2024.

Điều này do Malaysia là quốc gia quân chủ lập hiến liên bang, hiện vẫn duy trì hệ thống độc nhất vô nhị với ngai vàng mỗi 5 năm lại luân phiên giữa các vị quân chủ trị vì 9 tiểu quốc.

Tiểu vương của bang Johor - Ibrahim Sultan Iskandar

Lần này, Tiểu vương Ibrahim, 64 tuổi của bang miền nam Johor, đã được chọn làm quốc vương thứ 17 của quốc gia đa số theo đạo Hồi. Triều đại của Sultan Ibrahim sẽ kéo dài 5 năm tính từ ngày 31.1.2024.

Theo truyền thống của Malaysia, quốc vương là nguyên thủ quốc gia và đảm nhận vai trò chủ yếu về nghi lễ, còn quyền lực thực sự thuộc về Hội đồng Liên bang, đứng đầu là Thủ tướng. Tuy nhiên, mức độ ảnh hưởng của quốc vương đang gia tăng trong những năm gần đây, do bất ổn chính trị kéo dài và trong giai đoạn đó, nhà vua nắm giữ được quyền lực mà hiếm khi được sử dụng tùy ý.

Quốc vương Malaysia chủ yếu giữ vai trò nghi lễ


Cách chọn ra tân vương

Những người đứng đầu 9 hoàng gia Malaysia, cụ thể là 9 tiểu vương của 13 bang, thay phiên nhau trở thành vua. Các bang có tiểu vương lần lượt là Johor, Kedah, Kelantan, Negeri Sembilan, Pahang, Perak, Perlis, Selangor và Terengganu. Bốn bang còn lại đứng đầu là thống đốc không có quyền ứng cử.

Trước thời thuộc địa, các tiểu vương trị vì các vương quốc Malay độc lập. Vì thế, cơ chế luân phiên ngai vàng cho phép mỗi người trong số họ có quyền bình đẳng ngang nhau để đảm nhiệm vai trò quân chủ tối cao của liên bang. Sau khi giành được độc lập từ Anh năm 1957, thứ tự luân chuyển ngai vàng được quyết định theo thâm niên của các tiểu vương, tức dựa trên thời gian họ trị vì các bang.

Thế nhưng, quy định này đã được bãi bỏ sau khi toàn bộ các hoàng gia đều đến lượt lên ngôi và hoàn tất triều đại theo luật định. Giờ đây, thứ tự tiểu vương lên ngôi được dựa trên thứ tự của chữ cái đầu tiên của tên. Dù vậy, Hội đồng Quân chủ vẫn tổ chức bỏ phiếu kín, nhưng lá phiếu chỉ có tên của tiểu vương đến lượt trở thành vua. Mỗi tiểu vương được yêu cầu cho biết người được đề cử có phù hợp lên ngôi hay không.

Ứng viên cần phải đạt được phiếu đa số để trở thành vua nhiệm kỳ tiếp theo. Trong trường hợp ứng viên từ chối làm vua, Hội đồng tiếp tục chọn ứng viên có tên kế tiếp. Một khi kết quả được công bố, phiếu bầu bị hủy trước sự hiện diện của các tiểu vương.

Vua của Malaysia được gọi là Yang di-Pertuan Agong - Người được chọn để làm quân vương. Trong thời gian tại nhiệm, vua sẽ ở tại cung điện hoàng gia ở thủ đô Kuala Lumpur.

Vua Malaysia hiện nay, Abdullah Sultan Ahmad


Vua có quyền lực gì?

Quốc vương Malaysia chủ yếu giữ vai trò nghi lễ và hành động như người bảo hộ Hồi giáo tại quốc gia đạo Hồi chiếm đa số. Hiến pháp liên bang quy định một khi lên ngôi, vua chọn ra “nhiếp chính”, cụ thể là thủ tướng đến từ đảng chiếm đa số trong quốc hội và hành động tuân theo sự cố vấn của Hội đồng Bộ trưởng, với rất ít ngoại lệ.

Tuy nhiên, quy định trên chưa từng được sử dụng cho đến năm 2020, vì thủ tướng thường được lựa chọn thông qua tổng tuyển cử. Sau một loạt các cú sốc chính trị trong những năm gần đây, vua Malaysia buộc phải đảm nhiệm vai trò lớn hơn. Quốc vương đương nhiệm Al-Sultan Abdullah đã chọn ra 3 thủ tướng gần đây nhất.

Năm 2020, khi Thủ tướng lúc đó là Mahathir Mohamad từ chức, nhà vua triệu tập toàn bộ 222 nghị sĩ để quyết định liệu đảng nào trong số này có thể tập hợp được thế đa số để thành lập chính phủ kế tiếp. Vị vua bổ nhiệm ông Muhyiddin Yassin vào ghế thủ tướng theo sau những cuộc triệu tập như thế này.

Cung điện hoàng gia

Đến năm 2021, khi ông Muhyiddin mất thế đa số, nhà vua chọn người thay thế là ông Ismail Sabri Yaakob thông qua quy trình tương tự. Quốc vương Abdullah chọn ông Anwar Ibrahim làm thủ tướng vào cuối năm 2022 sau khi tổng tuyển cử mang đến kết quả là quốc hội ở thế giằng co.

Nhà vua cũng có quyền ân xá những người phạm tội và đang thụ án. Năm 2018, quốc vương khi đó ân xá ông Anwar, lúc đó ngồi tù vì tội kê gian và tham nhũng, mà theo ông Anwar, bản án của ông xuất phát từ động cơ chính trị. Cựu thủ tướng Najib Razak, người ngồi tù từ năm 2022 trong vụ bê bối quỹ 1MDB đã nộp đơn xin hoàng gia ân xá. Yêu cầu này có thể được xem xét khi Tiểu vương Ibrahim lên ngôi.

 

BẠCH LINH

 

Ý kiến bạn đọc ()
Tin khác
Xem thêm