Thứ Bảy, 09 Tháng Tư, 2022 15:00

Con người “xơi” bao nhiêu nhựa trong đời?

 

Trong một tháng, con người chúng ta ăn vào khối lượng nhựa tương đương khối Lego 4x2, và trong một năm, số lượng nhựa ăn thụ động và không hề hay biết phải cỡ nón lính cứu hỏa.

 

Bữa tối của bạn sẽ có gì? Sushi bằng khối Lego, bánh mỳ kẹp thẻ tín dụng, hoặc là một đoạn ống nước? Những ví dụ này nghe qua có vẻ cực đoan, nhưng có thể cho phép chúng ta hình dung khối lượng hạt vi nhựa tích tụ mỗi ngày thông qua đường ăn uống.

Con người vô tình “ăn” nhựa mà không biết


Nhựa hiện diện trong món ăn, thức uống

Con người có thể nuốt trọng một thẻ tín dụng/tuần, theo ước tính của Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF) vào năm 2019. Khối lượng nhựa này chủ yếu thông qua nước uống chứa hạt vi nhựa, cũng như nghêu, sò, ốc, hến (vốn thường được nhai nuốt cả con nên thực khách cũng đồng thời hấp thụ luôn số nhựa trong hệ thống tiêu hóa của các sinh vật này).

Dựa trên những phát hiện của WWF, Hãng tin Reuters mô phỏng số lượng nhựa được con người hấp thụ trong những giai đoạn thời gian. Trong một tháng, chúng ta nuốt vào khối lượng nhựa tương đương khối Lego 4x2. Ðến một năm, số lượng nhựa tích tụ tương đương với nón lính cứu hỏa. Với tốc độ này, trong một thập niên, chúng ta có thể nuốt vào cơ thể 2,5kg nhựa, có nghĩa hơn 2 đoạn ống nước có kích thước đáng kể. Và trong cả đời người, mỗi cá nhân hấp thụ khoảng 20kg hạt vi nhựa. Và đây chỉ là số liệu được thu thập vào năm 2019, thời điểm trước dịch Covid-19.

Sản xuất nhựa đã tăng mạnh trong 50 năm trở lại đây, do sự phổ biến ngày càng rộng rãi của những dạng sản phẩm sử dụng một lần rẻ tiền. Do nhựa không phân hủy mà chỉ vỡ thành những mảnh nhỏ, cuối cùng chúng phân tán và hiện diện khắp chốn. Những bãi biển tuyệt đẹp giờ ngập trong rác, động vật biển nuốt trọng hoặc mắc kẹt với đủ loại rác nhựa, và chuỗi thức ăn cũng không thoát.


Mối đe dọa từ nhựa nano

Ðứng bên đầm nước mặn ở miền nam nước Anh, khu vực đang được chính phủ bảo tồn, giáo sư khoa học môi trường Malcolm Hudson của Ðại học Southampton thu thập những hạt nhựa nhỏ rải rác khắp nơi ở khu đầm. Ông Hudson cho biết, nhiều cuộc nghiên cứu được thực hiện về đề tài rác vi nhựa, nhưng thế giới tự nhiên và môi trường sống của các loài động vật đang ngày càng bị đe dọa bởi sự tồn tại của các hạt nhựa nhỏ hơn, gọi là nhựa nano.Vì kích thước quá nhỏ, nhựa nano rất khó được phát hiện trong môi trường tự nhiên, và vì thế xác suất con người nuốt phải những hạt này càng dễ hơn.

Rác thải nhựa đe dọa môi trường sống của các loài sinh vật trên khắp thế giới

 

Trong một bài viết khác trên tờ The Conversation vào tháng 2.2021, các tác giả Alexandra McInturf, nghiên cứu sinh tiến sĩ khoa Hành vi Ðộng vật của Ðại học California tại Davis, và Matthew Savoca, nghiên cứu sinh sau tiến sĩ của Ðại học Stanford (Mỹ), thống kê được 386 loài động vật biển đang hấp thụ các hạt nhựa đủ kích cỡ. Trong số này, 210 loài được con người tiêu thụ mạnh.

Việc động vật hoang dã nuốt nhựa không phải là tin tức gì quá mới mẻ. Năm 1969, thế giới lần đầu tiên ghi nhận kết quả quan sát khoa học cho thấy nhựa ở bên trong dạ dày một cá thể chim biển. Ba năm sau, các nhà khoa học cho hay những loài cá ở ngoài khơi bờ biển phía nam New England (Mỹ) đã ăn những hạt vi nhựa.

Kể từ đó, hơn 100 báo cáo khoa học đã mô tả thực trạng nhựa xâm nhập dạ dày của vô số loài cá. Nhằm tìm hiểu quy mô của vấn đề, hai chuyên gia Mỹ thiết lập cơ sở dữ liệu khổng lồ, lấy từ 129 báo cáo khoa học khác nhau. Trong số này, 555 loài cá trên toàn thế giới được ghi chép hành vi ăn uống, và hơn 2/3 số này “nuốt nhựa”. Ðiều đáng cân nhắc là không phải nghiên cứu nào cũng về đề tài vi nhựa, mà một số tác giả đã tình cờ phát hiện và đưa vào báo cáo cuối cùng. 

 

Không dừng lại ở đó, kết quả rà soát kho dữ liệu thu thập được suốt 4 thập niên cho thấy tình trạng “cá nuốt nhựa” đang gia tăng. Kể từ năm 2016, số loài cá ăn nhựa đã tăng gấp bốn lần. Tương tự, chỉ tính riêng thập niên vừa qua, tỷ lệ cá nuốt nhựa tăng gấp đôi trên khắp chủng loài. Báo cáo công bố từ năm 2010-2013 phát hiện trung bình 15% số loài lấy mẫu chứa nhựa trong dạ dày. Còn từ năm 2017-2019, tỷ lệ này tăng lên 33%. Ðó là chưa đề cập đến nhựa nano.

Quay lại câu chuyện của giáo sư Hudson, ông cảnh báo rằng nhựa nano có thể xâm nhập vào đường máu hoặc hệ thống bạch huyết của chúng ta và cuối cùng tiến vào những cơ quan nội tạng: “Những hạt nhựa này chẳng khác nào những quả bom hẹn giờ bé tí, chờ đến lúc phân rã đủ nhỏ để được động vật hoang dã hoặc con người hấp thụ, và kế đến gây nên những tác hại khôn lường”

 

 

BẠCH LINH

 

 

 

Ý kiến bạn đọc ()
Tin khác
Xem thêm